Căn tính dân tộc trên tranh Vương Thạo

GD&TĐ - Bền bỉ sáng tạo trên giấy dó, Vương Thạo nêu bật căn tính dân tộc - để từ đó liên tục khám phá những điều mới mẻ đầy mộng tưởng nhưng cũng rất thật.

Các tác phẩm hóa thạch của Vương Thạo.
Các tác phẩm hóa thạch của Vương Thạo.

Vương Thạo sinh năm 1969 tại Hà Nội, anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1995. Năm 2007, Vương Thạo là 1 trong 10 nghệ sĩ xuất sắc của Đông Nam Á được đề cử giải thưởng khu vực – sau triển lãm 68 tác phẩm tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.

Hóa thạch Hà Nội

Họa sĩ Vương Thạo.
Họa sĩ Vương Thạo.
Hiện nay, bộ tác phẩm hóa thạch của Vương Thạo thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật Singapore, và được bảo tàng này tổ chức triển lãm định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, với tác phẩm giấy dó thuần Việt, họa sĩ đã định hình được phong cách sáng tạo gắn liền với căn tính dân tộc.

Ngày 5/6 tới đây, tại Blue Gallery (Hoàn Kiếm – Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm mỹ thuật mang tên “Bottoms” của Vương Thạo. Sự trở lại của họa sĩ tài danh đất Hà Nội sẽ đem đến nhiều bất ngờ, như anh đã từng thực hiện vào năm 2013.

Được công bố lần đầu vào năm 2006, Vương Thạo đã ghi lại dấu ấn cho người xem bằng serie điêu khắc “Hóa thạch sống”. Đến năm 2013, những hóa thạch ấy cùng một serie tranh giấy dó mang tên gọi “Thân thể và những giấc mơ” đã khiến công chúng yêu hội họa Thủ đô phải choáng ngợp.

Vương Thạo tạo ra mô hình các ngôi nhà và các cột điện trong khu phố cổ, và đổ vào trong các khối composite đặc. Chọn một chất liệu độc đáo - thủy tinh trong suốt, Hà Nội như hóa thạch triệu năm đã gợi tới một thời kỳ xa xăm – khi các địa danh và di tích lịch sử của Hà Nội chỉ còn trong dĩ vãng.

Các tác phẩm hóa thạch đều được Vương Thạo tỉ mỉ đến từng ô cửa, từng con ốc của cầu Long Biên… không chỉ mang lại vẻ độc đáo, đảm bảo tính nghệ thuật, mà còn là hình ảnh về một nền văn hóa giàu bản sắc, đậm giá trị lịch sử văn hiến.

Người xem dễ nhận thấy các tác phẩm hóa thạch ấy giống như những viên gạch ngoại cỡ được đúc bằng thủy tinh với hai màu chủ đạo: Vàng và đỏ. Nhưng khi quan sát kỹ hơn, sẽ thấy nó không chỉ đơn thuần là những khối hổ phách đẹp về mặt thị giác, mà còn nhắm đến mục đích lưu giữ và tái sinh sự sống cho di sản Hà Nội.

Tháp Rùa, cầu Long Biên, khu nhà phố cổ hay cổng làng, cột điện của Hà Nội… được bọc trong composite. Tất cả vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu, cũng như dáng vẻ rêu phong, cũ kỹ của Hà Nội. Các tác phẩm độc đáo này giúp người xem như được gặp biểu tượng văn hóa, thấy được những rơi rụng và sự tàn phá cố ý của con người.

Nhiều người không hiểu tại sao cả Hà Nội “lọt” được trong một khối nhựa trong suốt. Họa sĩ Vương Thạo chia sẻ: “Tôi quan sát trong phố, lấy một ngôi nhà, chụp ảnh mang về rồi đắp bằng đất một mô hình nhỏ, sau đó dùng silicon để làm khuôn ngôi nhà đó và đổ composite làm mẫu.

Tôi dùng sơn vẽ lên ngôi nhà làm sao cho nó giống với ngôi nhà thật, rồi bỏ vào một khuôn khác, đổ composite trong ra ngoài để tạo cho người xem có một hiệu ứng như là những viên hổ phách”.

Vương Thạo cho biết thêm, Hà Nội từ ngày anh còn nhỏ cho đến nay thay đổi rất nhiều. Hà Nội ồn ào, chật chội là lẽ đương nhiên. Sự ồn ào chật chội đó làm con người phải suy nghĩ cả về điều tốt lẫn điều xấu. Nhưng với anh thì Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong tiềm thức và anh phải thể hiện những tình yêu ấy bằng hóa thạch những hiện tại.

Bền bỉ giấy dó

Hóa thạch cầu Long Biên.
Hóa thạch cầu Long Biên.

Nếu như “Hóa thạch sống” các tác phẩm về Hà Nội được thực hiện bằng vật liệu đặc biệt, thì giấy dó lại là một vật liệu thuần Việt mà Vương Thạo đã bền bỉ theo đuổi.

“Thân thể và những giấc mơ” là một bộ các tranh vẽ trên giấy dó đầy cảm xúc, có nhiều sự tìm tòi. Họa sĩ Lê Thư cho rằng, ngôn ngữ mà Vương Thạo đưa ra và các biểu hiện luôn luôn thống nhất trong người nghệ sĩ. Tất nhiên mỗi triển lãm có tuyên ngôn khác nhau.

Dòng tác phẩm giấy dó được Vương Thạo bắt đầu từ năm 1998. Lấy trọng tâm là những mảng thân thể con người, rồi qua đó khai mở các ý tưởng và bộc lộ thái độ. Các bức tranh, một số tinh tế và tao nhã, một số trực diện và mạnh mẽ. Tất cả đều gắn với các phần của thân thể - những hình ảnh cho tới nay, vẫn là điều kiêng kỵ trong bối cảnh nghệ thuật thị giác ở Việt Nam.

Họa sĩ Vương Thạo cho biết, những mảng thân thể được phóng chiếu hay nhào nặn biến hóa, là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo bất tận. Đồng thời là phương tiện truyền tải cảm xúc và trạng thái tinh thần, từ yêu thương hay ngất ngây, cho tới đớn đau hay trầm mặc.

Thường chiếm vị trí trung tâm của bố cục, nhưng những mảng thân thể đều đan xen nhịp nhàng với những biểu tượng ẩn dụ bàng bạc trong đời sống người Việt: Chiếc nón, quan tiền, cái thúng…

Đôi khi những mảng thân thể ấy được ẩn giấu đằng sau một hiện vật, hay một vật thể lại hóa thân giống như con người. Điều đó khơi gợi cách diễn giải của tác giả từ những vật vô tri hay các mảnh xác phàm, dẫn lối tới chiều sâu tâm linh soi rọi vào bản sắc.

Trong một số tác phẩm, từng mảng thân thể bị trói vào nhau qua những sợi dây thừng. Tác phẩm gợi tới những vấn đề ngột ngạt và sự lệ thuộc của thân xác con người vào ngoại giới. Một số tác phẩm khác bộc lộ những phần thân xác cấm kỵ theo cách dị kỳ, xô dạt theo những tiết tấu dồn nén.

Thông qua các tác phẩm mang tính thân thể ấy, Vương Thạo khơi dậy nơi người xem dòng chảy của xúc cảm, hương vị cùng những rung động tinh thần. Đồng thời, trên nền giấy dó, họa sĩ cũng ngầm biểu hiện nét truyền thống đầy sinh động để người xem thêm yêu bản sắc quê mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.