Cần thời gian đánh giá để luật hóa đấu giá biển số xe ô tô

GD&TĐ - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, do việc đấu giá biển số xe ô tô đang thực hiện thí điểm, chưa được 1 năm nên chưa đưa vào Luật Đấu giá tài sản…

Đấu giá biển số xe ô tô vẫn cần có thêm thời gian để xác định tính hiệu quả.
Đấu giá biển số xe ô tô vẫn cần có thêm thời gian để xác định tính hiệu quả.

Cần thêm thời gian đánh giá

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Một trong những nội dung còn ý kiến khác của dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) được thảo luận là quy định về đấu giá biển số xe ô tô.

Theo Khoản 1 Điều 4 dự thảo luật, tài sản đấu giá gồm tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá. Trong các tài sản nêu trong dự luật không có biển số xe ô tô.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc đấu giá biển số xe ô tô đang được thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.

Nghị quyết này được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày 1/7/2023, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết và đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe ô tô tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2026.

“Do thời gian thực hiện nghị quyết thí điểm này đến nay chưa được 1 năm, nên cần thêm thời gian để đánh giá và tổng kết trước khi xem xét đưa vào luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Bên cạnh đó, hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) cũng chưa có nội dung đề nghị luật hóa các quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Ông Thanh cho biết thêm, tại Thông báo Kết luận số 3433/TB-TTKQH ngày 21/3/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa có văn bản về nội dung này theo yêu cầu tại Thông báo Kết luận số 3433/TB-TTKQH nên chưa có cơ sở để luật hóa các nội dung tại Nghị quyết số 73/2022/QH15 tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Thảo luận tại phiên họp, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về nội dung này. Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị bổ sung biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá.

Theo ông Thịnh, Nghị quyết 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô thì biển số xe đã là “tài sản phải bán thông qua đấu giá”.

“Mặt khác, sau 3 năm thí điểm, nghị quyết này hết hiệu lực, việc đấu giá biển số cũng cần được đấu giá theo quy định. Do đó, cần đưa ngay biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá ở luật sửa đổi lần này để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật”, đại biểu Thịnh đề nghị.

Hạn chế tình trạng bỏ cọc

Liên quan đến nội dung cụ thể của dự thảo luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.

Theo đó, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…

Bên cạnh đó, dự thảo luật đã bổ sung trường hợp đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hằng năm thì tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm nhân với thời hạn cho thuê.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp. Lý do, các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn.

“Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Vũ Hồng Thanh cho biết.

Vị này cho biết thêm, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.

Đồng thời, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” tại Điểm đ1 Khoản 1 và Điểm d Khoản 2 Điều 9 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.

Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối với nhau trong một cuộc đấu giá tài sản, dự thảo luật đã bỏ cụm từ “để trả giá” quy định tại Điểm d1 Khoản 5 Điều 9 nhằm mở rộng hành vi bị nghiêm cấm.

Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để hoàn thiện quy định tiền đặt trước theo hướng tăng theo lũy kế sau mỗi bước giá khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản nhằm ngăn chặn việc người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường trong quá trình đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ