Cần chế tài nghiêm khắc xử lý việc bỏ cọc đấu giá biển số 'khủng'

GD&TĐ - Đấu giá biển số xe đẹp làm tăng thêm ngân sách, người dùng có thêm lựa chọn. Song, hệ lụy phát sinh từ câu chuyện bỏ cọc vẫn đang được dư luận quan tâm.

Biển số 30K- 999.99 trúng đấu giá hơn 75,25 tỷ đồng.
Biển số 30K- 999.99 trúng đấu giá hơn 75,25 tỷ đồng.

Bỏ cọc biển số 75 tỷ đồng

Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam vừa cập nhật danh sách loạt biển số đẹp sẽ được đấu giá từ ngày 3 - 5/4. Trong đó, nhiều biển số ngũ quý từng được đấu giá thành công trước đó, nhưng khách hàng đã bỏ cọc, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Đáng chú ý, trong số nêu trên có biển số 30K-999.99 đã được đấu giá thành công hôm 13/1 với mức tiền kỷ lục hơn 75,2 tỷ đồng. Đây là số tiền trúng đấu giá biển số ô tô cao nhất từ trước tới nay, người chốt mức giá này đã bỏ cọc, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên đơn vị tổ chức đã đưa ra đấu giá lại.

Theo đơn vị tổ chức đấu giá, phiên đấu giá tới đây sẽ được tổ chức theo cách thức mới. Cụ thể, ngoài vòng đấu chính thức sẽ có thêm vòng đấu gia hạn. Giá trả hợp lệ của người tham gia đấu giá được hệ thống ghi nhận 1 lần trong 1 giây cho 1 tài khoản trong toàn bộ thời gian đấu giá của 2 vòng này.

Trường hợp, trong thời gian đấu giá chính thức hệ thống ghi nhận chỉ có 1 người tham gia trả giá hợp lệ thì cuộc đấu giá kết thúc, người tham gia trả giá là người trúng đấu giá, giá trả hợp lệ cao nhất là giá trúng đấu giá.

Thời gian đấu giá được xác định bao gồm thời gian chính thức và thời gian của vòng gia hạn. Tổng thời gian của 2 vòng đấu giá không quá 30 phút. Thời gian đấu giá chính thức là khoảng thời gian từ khi bắt đầu cho đến phút thứ 25.

Vòng đấu giá gia hạn là khoảng thời gian sau thời gian chính thức. Chỉ người tham gia đấu giá đủ điều kiện tiếp tục được trả giá. Mỗi vòng đấu gia hạn kéo dài 30 giây và tối đa là 10 vòng đấu gia hạn.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đến ngày 8/1/2024, hơn 11.200 biển số đã được ghi nhận kết quả đấu giá thành công. Tổng số tiền trúng đấu giá mà các khách hàng trả giá là gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó, hơn 9.400 biển số đã được chủ tài sản hoàn thành nghĩa vụ tài chính, với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.

Nhiều biển số đẹp đã trúng đấu giá hàng chục tỷ đồng như: 88A-888.88 trúng giá 29,43 tỷ đồng; 14A-888.88 (21,855 tỷ đồng); 30K-666.66 (19,58 tỷ đồng); 30K-567.89 (16,57 tỷ đồng); 30K-555.55 (14,495 tỷ đồng)...

Thay đổi chế tài trong việc bỏ cọc

Thời gian qua, chính sách đấu giá biển số ô tô đã góp phần tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những trường hợp biển số trúng đấu giá cao hàng chục tỷ nhưng sau đó lại bị bỏ cọc.

Anh Nguyễn Minh Đức (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã từng tham gia đấu giá biển số xe nhìn nhận, việc bỏ cọc không chỉ gây tốn kém mà rất có thể làm mất đi cơ hội của người thực sự có nhu cầu đấu giá biển số xe.

“Chẳng hạn tôi có nhu cầu đấu giá một biển số, nếu số tiền tôi có là 2 tỷ đồng, người khác mạnh tay chốt giá lên 5 tỷ đồng nhưng sau đó bỏ cọc. Như vậy có phải tôi sẽ mất đi cơ hội trúng biển số xe mà mình mong muốn. Việc này vừa mất đi tính cạnh tranh, vừa mất thời gian của người dân tham gia đấu giá. Rất mong cơ quan quản lý Nhà nước có chế tài mạnh với hành vi bỏ cọc đấu giá”, anh Đức nhấn mạnh.

Theo luật sư Trần Hậu, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, quy chế đấu giá hiện nay thực hiện theo quy định pháp luật, với trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc và biển số được đưa ra đấu giá lại.

Đáng nói, quy định này sẽ rất khó trong việc ngăn chặn tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc. Bởi, dù trúng đấu giá cao ở mức độ nào thì cọc đấu giá biển số không đổi. Trong khi đó, nếu người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ chỉ mất 40 triệu đồng tiền đặt trước cho mỗi biển số.

Luật sư Trần Hậu kiến nghị, để ngăn chặn tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, trước khi đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản phải chứng minh tài sản đủ năng lực tài chính. Hơn nữa, pháp luật cũng cần có chế tài nghiêm khắc hơn với hành vi bỏ cọc. Ví dụ, thay vì thu hồi tiền cọc, cơ quan Nhà nước quy định xử phạt theo phần trăm giá trị tài sản trúng đấu giá nếu bỏ cọc.

Chuyên gia tài chính Trần Minh Phong cho rằng, trong quá trình đấu giá, cần có một chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm nếu người tham gia tự ý “bỏ cọc”, “hủy kèo”.

Việc đấu giá biển số xe theo hình thức trực tuyến trong thời gian vừa qua là điều rất đáng làm và cần được ủng hộ vì có tác động lớn tạo ra sự công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng, văn minh hơn cho những người có nhu cầu hay sở thích trong việc lựa chọn biển số ô tô.

Ông Phong cũng cho biết thêm, việc bùng hay bỏ cọc thực tế đã xảy ra trong không ít cuộc đấu giá, chẳng hạn như câu chuyện đấu giá đất trước đây tại Thủ Thiêm (TPHCM). Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải xem xét phù hợp, có quy định chế tài mạnh xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp khi bùng cọc.

“Chẳng hạn ngoài việc phạt tiền cọc, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền theo phần trăm của tổng số tiền trúng đấu giá hoặc cấm tham gia các cuộc đấu giá khác... Hoặc có những chế tài mạnh tay hơn đối với người tham gia đấu giá bỏ cọc. Ví dụ như, trong trường hợp khách hàng trúng đấu giá nhưng không hoàn tất nghĩa vụ tài chính trong thời hạn cho phép để nhận biển số, cơ quan chức năng ra quyết định cấm cá nhân đó tham gia đấu giá mọi tài sản liên tục từ 3 - 5 năm”, ông Phong chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.