Đẩy mạnh ứng dụng CNTT chuyển đổi số giáo dục
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Năm học vừa qua và đặc biệt là năm học mới 2023-2024, ngành Giáo dục TP. Cần Thơ tập trung mạnh mẽ vào công tác chuyển đổi số.
Công tác quản lý, quản trị nhà trường hiện nay đã được ứng phần mềm để linh hoạt quản lý và tổ chức giảng dạy, 100% các cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hồ sơ và sổ sách, hồ sơ điện tử.
Ngoài ra, các kết nối thông tin trong ngành, giữa Sở và trường học được thực hiện qua hệ thống trực tuyến và mạng nội bộ để triển khai và chuyển tải thông tin chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT và UBND thành phố.
Điển hình là trong triều cường năm học vừa qua, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt hình thức học tập trực tuyến, tại nhà… trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để kiểm soát việc tổ chức và giảng dạy, cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Hiện 100% giáo viên đã vận hành và thực hiện giáo án, bài giảng điện tử thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, đây là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục.
"Hiện nay các trường quan tâm hơn về đầu tư phòng học thông minh và thiết bị thông minh, nhất là phòng học chức năng ở các cấp để đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện bài giảng dạy và học tập", ông Bình thông tin thêm.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Sở cho rằng triển khai chuyển đổi số ngành vẫn còn một số khó khăn cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Đầu tiên là phải tạo sự kết nối thông tin giữa các cơ sở giáo dục trong ngành, trong khi các cơ sở sử dụng quá nhiều phần mềm quản lý, hiện ngành cũng đang được hỗ trợ xử lý về mặt kỹ thuật.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng địa phương tham quan phòng học thông minh tại Trường THCS thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) |
Mặc khác, việc đảm bảo nguồn vốn cho cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học… tại một số địa phương cũng còn hạn chế, Sở cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương quan tâm đầu tư kiên cố hoá và trang thiết bị trường lớp. Cạnh đó, ngành GD sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Xác định nhiệm vụ chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng ngành, Lãnh đạo ngành GD thành phố yêu cầu: "tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của từng cán bộ quản lý và giáo viên về vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục, đồng thời tập trung chuyển đổi số để góp phần vào thành tích chung của ngành cũng như các phong trào thi đua trong thời gian tới", ông Bình nhấn mạnh.
Vận hành Trung tâm điều hành GD thông minh đầu tiên ĐBSCL
Ông Trần Thanh Bình cho biết: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số thành phố, ngành GD đang phối hợp với các đơn vị triển khai 2 nội dung quan trọng trong chuyển đổi số giáo dục là xây dựng Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) và Trung tâm Dữ liệu số của ngành GD&ĐT.
"Đây là những nội dung, phần việc góp phần kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ", ông Bình Nhấn mạnh.
Hứa hẹn đây sẽ là Trung tâm điều hành giáo dục thông minh đầu tiên của khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố, có tích hợp hệ thống hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các bảng điều khiển tùy theo thời điểm…
"Hiện các trung tâm đã cơ bản hoàn thành và dự kiến sẽ được thử nghiệm vào dịp lễ 20/11, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, chúng tôi sẽ tiến hành bổ sung và hoàn chỉnh trung tâm", ông Bình chia sẻ thêm.
Trung tâm điều hành giáo dục thông minh được thử nghiệm vào dịp lễ 20/11. |
“Trên cơ sở mô hình hóa và tích hợp các thông tin từ các cơ sở giáo dục tại Trung tâm Dữ liệu giúp tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành giáo dục và đào tạo.
Đồng thời Trung tâm Điều hành Thông minh giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian trong quản lý và điều hành giáo dục”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo Lãnh đạo Sở, khi vận hành các trung tâm sẽ giúp Sở quản lý và quản trị trường học tới 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên nền tảng cơ sở dữ liệu của ngành theo thời gian thực, đảm bảo tính chính xác và bảo mật thông tin.
Song đó, ngành GD tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối và đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử để tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường.
Trong thời gian tới, ngành GD thành phố sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đảm bảo sự kết nối với Trung tâm Thành phố để chia sẻ dữ liệu kinh tế-xã hội và các lĩnh vực khác, đồng thời chia sẻ và kết nối với Trung tâm Dữ liệu của Bộ GD&ĐT.