Đẩy mạnh quản lý giáo dục bằng công nghệ thông tin
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, thành phố hiện có 448 trường với 239.894 học sinh. Trong đó, Giáo dục mầm non có 171 trường, với 38.787 trẻ; Giáo dục tiểu học có 169 trường, với 99.444 học sinh; Trung học cơ sở có 69 trường, với 68.446 học sinh; Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có 37 trường, với 33.217 học sinh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngành đã triển khai thực hiện từ nhiều năm trước, công tác quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin.
Ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn cho biết: Những năm qua, ngành GD&ĐT quận đã quan tâm đầu tư trong thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học. Tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn đều triển khai thực hiện phần mềm CSDL ngành (cơ sở dữ liệu ngành) tích hợp quản lý nhân sự, quản lý trường học và quản lý học sinh
Ngoài ra, ngành cũng đã triển khai thực hiện phần mềm Smas quản lý học sinh do Tập đoàn Viellel triển khai. Đảm bảo 100% học sinh tiểu học có học bạ điện tử và sổ liên lạc điện tử thay thế cho học bạ và sổ liên lạc giấy truyền thống.
Hàng năm, ngành thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên về năng lực công nghệ thông tin; Hướng dẫn sử dụng phần mềm mã nguồn mở (soạn thảo văn bản, bảng tính, trình chiếu); Hướng dẫn tạo sách điện tử eBook; Tập huấn thống kê EMIS online,… nhằm đáp ứng CNTT trong công tác quản lý và dạy học.
Thầy Tăng Văn Chín, Hiệu trưởng Trường THPT Thốt Nốt (quận Thốt Nốt) cho biết chuyển đổi số trong công tác quản lí giáo dục đã giúp cho nhà trường tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đồng thời giúp nâng cao được nhận thức của đội ngũ trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi số tại đơn vị, nhà trường cũng tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, từ đó tổ hỗ trợ công nghệ thông tin trong nhà trường từng bước được chuyên nghiệp, có khả năng triển khai, giúp đỡ đồng nghiệp tiếp cận với các ứng dụng dạy học.
Quả ngọt sau hơn 12 năm
Ngành giáo dục thành phố đã từ lâu vận hành, triển khai thông suốt hệ thống quản lý hành chính, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng với Bộ GD&ĐT. Từ các cơ sở giáo dục đến phòng GD&ĐT đã triển khai thông suốt thư điện tử, hệ thống quản lý hành chính, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng
Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Hơn 12 năm triển khai sử dụng phần mềm quản lý học sinh từ bậc tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố. Mặc dù cán bộ quản lý, giáo viên đã sử dụng thành thạo nhưng việc tích hợp, kết nối với các phần mềm dùng chung của Bộ GD&ĐT còn bất cập, khó khăn.
Vừa động viên khuyến khích hỗ trợ vừa có chế tài, khoảng 5 năm trở lại đây việc ứng dụng CNTT tại các cơ sở GD đã đi vào nề nếp, bài bản trong việc điều chỉnh chính sách, hồ sơ sổ sách và quản lý học sinh", ông Tăng nói.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, học sinh không thể đến trường, ngành GD&ĐT thành phố đã ứng dụng công nghệ vào trong giáo dục, các trường trung học đều triển khai thực hiện hệ thống kiểm tra đánh giá trực tuyến bằng nhiều phần mềm, ứng dụng khác nhau.
Một số cơ sở giáo dục đã mạnh dạn trang bị các phòng học đa phương tiện (phòng học được trang bị tivi thông minh, kết nối mạng internet thông suốt,…) để tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá hiệu quả bảo đảm chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Trong đó, việc ứng dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá,… trong các nhà trường ra đời theo hướng tự phát, chưa có định hướng, đánh giá và tiêu chuẩn sử dụng chung. Đội ngũ giáo viên chủ yếu là tự học về công nghệ thông tin, chưa được bồi dưỡng, hỗ trợ một cách bài bản, chính quy.