Chợ Phùng-Đức Hương (Hà Tĩnh) ngập gần hết mái. ảnh gdtd.vn |
Đến thời điểm này, Nghệ An có 21 xã bị ngập sâu, trong đó 9 xã bị cô lập, Hà Tĩnh có tới 178 xã bị ngập, trong đó 105 xã bị ngập sâu và chia cắt, Quảng Bình có 80 xã bị ngập, 12 xã bị cô lập. Các tuyến giao thông lớn đường bộ, đường sắt bị chia cắt, ách tắc hàng chục điểm.
Theo ước tính đã có 31 người chết, nghiêm trọng là tại Hà Tĩnh xảy ra vụ tai nạn xe khách bị trôi làm mất tích 20 hành khách chưa tìm được.
Đến trưa nay, siêu bão Megi đã hoành hành trên đảo Luzon (Philippines). Hướng di chuyển của bão Megi dự báo trong 24h tới sẽ theo hướng Tây – Tây Nam trên biển Đông, rồi chuyển hướng Tây Tây Bắc. Kinh nghiệm cho thấy các siêu bão trong khu vực có đường đi hết sức phức tạp.
Dự báo của các trung tâm khí tượng thủy văn trên thế giới đều cho rằng bão sẽ giảm bớt cường độ và sẽ đi lên phía Bắc, đổ bộ vào bờ biển Trung Quốc.
Theo tổng hợp từ các tỉnh, mưa lũ từ ngày 14 đến 18/10 đã làm 31 người chết, trong đó Nghệ An 12; Hà Tĩnh 13; Quảng Bình 5. Ở Thừa Thiên Huế có một người chết và 2 người mất tích do lốc và bất cẩn khi đi qua sông. Đặc biệt, tại Hà Tĩnh có 20 người mất tích trong vụ lật xe sáng nay tại Hà Tĩnh. Tại Quảng Bình có một người mất tích. Từ 14/10 đến nay, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, phổ biến 500 - 700 mm, nhiều nơi như Cửa Hội, Nam Đàn (Nghệ An), Cẩm Nhượng, thị xã Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) tới 900 mm. Một số khu vực đầu nguồn sông các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố mưa lớn nhất từ trước đến nay. Lũ trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đã là 16,5 m, vượt báo động 3 tới 3 m, vượt cả đỉnh lũ lịch sử năm 1978. Điều nguy hiểm là trận lũ mới này chỉ cách trận lũ trước chưa tới một tuần. Hôm nay và ngày mai, từ Hà Tĩnh trở vào mưa giảm, tại Nghệ An và nam Thanh Hóa tiếp tục có mưa to. Lũ tại khu vực này sẽ tiếp tục lên. Phải đến trưa chiều 20/10, mưa mới giảm. |
Thống kê từ Bộ đội biên phòng cho biết, hiện ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa có 374 tàu với 4.761 người đang hoạt động, còn ở khu vực khác và đang neo đậu là 43.563 tàu.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, sáng nay hầu hết các tuyến giao thông huyết mạch đã thông xe, riêng tuyến đường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình bị đứt gãy, đang phải tổ chức mở đường tạm, các đường ngang như QL 7, 8 đều đã nhanh chóng khắc phục, sớm hoạt động trở lại. Đường sắt Bắc – Nam qua khu vực vẫn có điểm bị ngập 1-1,5m và ách tắc, ngành đường sắt đã chuyển tải hết số lượng hành khách bằng xe ô tô.
Nghệ An, Hà Tĩnh cùng đề nghị Trung ương cứu trợ khẩn 5.000 tấn gạo và tiền để tổ chức các biện pháp khắc phục, hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão lũ.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tiếp tục các biện pháp phòng, chống mưa lũ theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Công điện khẩn mới đây. Đặc biệt lưu ý việc chăm lo cho các gia đình thiệt hại về người, mất nhà cửa, bị chia cắt. Kiểm tra, củng cố các công trình giao thông, hồ, đập. Có các phương án phục hồi sản xuất, đời sống sau lũ.
Mắt siêu bão Megi chụp từ vệ tinh |
Đặc biệt, đối với siêu bão Megi, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan dự báo thận trọng, liên tục xác định chính xác hướng di chuyển của bão, khu vực nguy hiểm trên biển Đông, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để di chuyển đến nơi an toàn.
Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa tổ chức kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; trên tinh thần xác định đây là cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng nên tùy theo phạm vi ảnh hưởng để triển khai ứng phó phù hợp, không chỉ tập trung vào vị trí tâm bão mà phải quan tâm cả tới vùng ảnh hưởng của bão.
Các địa phương chuẩn bị ngay các phương án sơ tán dân một cách chi tiết và cụ thể, phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ phụ trách từng thôn, từng cụm dân cư. Kiên quyết sơ tán triệt để dân ra khỏi vùng cửa sông, ven biển, nơi có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nước dâng do bão, những nơi nhà cửa không đảm bảo an toàn.
Thực hiện ngay việc chặt tỉa cành cây, chuẩn bị chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở sản xuất, trường học, cơ sở y tế. Tại các khu neo đầu tàu thuyền, phải bố trí lực lượng hướng dẫn chi tiết việc neo đậu đúng kỹ thuật, tránh va đập làm vỡ tàu và chìm ở nơi neo đậu, kiên quyết không để người trên thuyền, tại khu vực nuôi trồng thủy hải sản.
Chính quyền, các lực lượng chức năng, nhân dân chuẩn bị tốt các trang thiết bị, phương tiện để có thể đi lại, liên lạc, thông tin trong bão nhằm bảo đảm công tác chỉ đạo đối phó với bão. Tăng cường dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm để đối phó tình huống thiệt hại, chia cắt do mưa lũ, bão gây ra.
Trần Nhật