Khơi thông chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Từ năm 2021, Trường ĐH Vinh điều chỉnh tất cả chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng đổi mới sáng tạo...

GS.TS Nguyễn Huy Bằng và PGS.TS Lê Văn Đoài hướng dẫn sinh viên đo giao thoa điện tử với hệ thực nghiệm đặt trên bàn quang học.
GS.TS Nguyễn Huy Bằng và PGS.TS Lê Văn Đoài hướng dẫn sinh viên đo giao thoa điện tử với hệ thực nghiệm đặt trên bàn quang học.

Dự án “Nghiên cứu cách tử cảm ứng điện từ của môi trường nguyên tử 85Rb năm mức năng lượng” của nhóm sinh viên Trường ĐH Vinh (Nghệ An) xuất sắc đoạt giải Nhì, Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2024. Tác giả dự án đều là những sinh viên nữ đang học lớp 62A Sư phạm Vật lý: Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Hà Thị Quỳnh Anh, Ngô Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Nhung, Trịnh Thị Như.

Thành quả tự hào

Nguyễn Thị Quỳnh Anh là đại diện cho nhóm tác giả, đảm nhận nhiệm vụ thuyết trình đề tài trước ban giám khảo chia sẻ: Ban đầu em rất hồi hộp vì nội dung báo cáo dự án cần chính xác cao, trả lời được câu hỏi mà giám khảo đặt ra. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, thực nghiệm, chúng em và giảng viên hướng dẫn đã thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, vì vậy bản thân nhanh chóng lấy lại tự tin trình bày kết quả mà cả nhóm đã nỗ lực nghiên cứu thời gian qua.

Giảng viên hướng dẫn đề tài là GS.TS Nguyễn Huy Bằng (Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh) và PGS.TS Lê Văn Đoài (Khoa Vật lý - Công nghệ). Đề tài nghiên cứu phổ nhiễu xạ dựa vào hiệu ứng giao thoa lượng tử trong môi trường nguyên tử Rb năm mức năng lượng cấu hình bậc thang. Đây là chủ đề được nghiên cứu lần đầu tiên tại Việt Nam.

“Cái mới trong đề tài là tạo ra cách tử nhiễu xạ đa tần số, điều khiển được cường độ nhiễu xạ bậc cao. Mô hình này có thể tạo ra cách tử nguyên tử, đặc biệt dễ dàng thay đổi được đặc trưng của cách tử theo mong muốn, so với cách tử truyền thống rất cồng kềnh, các tính chất không thay đổi được.

Nghiên cứu này có thể tạo ra những ứng dụng đột phá cho các thiết bị quang tử. Đồng thời, nghiên cứu lý thuyết về cách tử lượng tử có ý nghĩa quan trọng cho quan sát thực nghiệm và định hướng ứng dụng”, PGS.TS Lê Văn Đoài cho biết.

Về mặt thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công hệ thí nghiệm quan sát hiệu ứng giao thoa lượng tử của môi trường khí nguyên tử Rb. Các kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín của Hội Quang học Mỹ.

PGS.TS Lê Văn Đoài đánh giá cao sự tham gia tích cực và đóng góp của sinh viên: Theo đó, giảng viên là người có kinh nghiệm nên chỉ định hướng nghiên cứu, nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất. Còn lại, các bạn tham gia tính toán, thí nghiệm, viết báo cáo. Dựa trên đóng góp cũng như tôn trọng trí tuệ, năng lực của các em, nên phần tác giả, tên sinh viên được đứng đầu bài báo khoa học chứ không phải giảng viên.

Chia sẻ về thành quả đạt được, em Nguyễn Thị Quỳnh Anh nói: “Suốt 4 năm học tập tại trường, được các thầy cô hướng dẫn nghiên cứu, làm đề tài khoa học, chúng em tích lũy nhiều kiến thức, phương pháp, kinh nghiệm, thực nghiệm. Giải Nhì, Giải thưởng Khoa học và Công nghệ là thành tựu đặc biệt, đánh dấu sự trưởng thành và giúp em tự tin rất nhiều. Bên cạnh đó, được đứng tên trong 1 bài báo khoa học uy tín quốc tế cũng là niềm tự hào, vui mừng đối với em”.

khoi-thong-chinh-sach-thuc-day-nghien-cuu-khoa-hoc-2.jpg
Nhóm tác giả Vật lý thuyết trình dự án. Ảnh: Hồ Lài

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học

Thời gian nghiên cứu, thực hành dự án, các giảng viên hướng dẫn ghi nhận đam mê, năng lực và sự cố gắng của nhóm. Em Trịnh Thị Như chia sẻ, có thời gian cả nhóm miệt mài học tập, ăn ngủ tại phòng thí nghiệm. Hệ thực nghiệm về giao thoa lượng tử, sinh ra cách tử cảm ứng điện tử cần thực hành chính xác, tỉ mỉ, thận trọng.

“Giao thoa điện tử có độ nhạy cao, cần môi trường tĩnh lặng mới đo được. Hệ thực nghiệm phải đặt trên bàn quang học, khử độ nhiễu, độ rung bên ngoài. Vì đo phổ siêu tinh tế, nên ánh sáng âm thanh bên ngoài cũng có tác động gây ảnh hưởng nhất định. Vì vậy, khi đo phổ giao thoa điện tử phải thực hiện vào buổi đêm và không chỉ 1 - 2 hôm đã có thành quả”, nữ sinh viên cho hay.

Nhận xét về học trò, PGS.TS Lê Văn Đoài nói thêm, sinh viên rất cần cù, chịu khó, hăng say và giỏi chuyên môn. Giao nhiệm vụ gì, các em đều làm rất tốt. Với đề tài vừa nhận giải, sinh viên là người tính toán, vẽ mô phỏng các kết quả nghiên cứu, viết kết luận trao đổi thảo luận… bằng phần mềm trên máy tính. Phần tổng quan, các thầy viết đồng thời xem lại, chỉnh sửa các nội dung nhóm đã làm.

“Làm khoa học phải có đam mê mới vượt qua khó khăn, thất bại. Đồng thời phải bỏ qua được lợi ích trước mắt, cần cù, chịu khó và trải qua thời gian dài tích lũy kiến thức, kỹ năng, thực nghiệm.

Nhưng kết quả đạt được không chỉ là thành công của 1 bài báo, 1 dự án đoạt giải, mà giúp các em có tác phong làm nghiên cứu khoa học; rèn luyện tư duy khoa học, ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Các em có kỹ năng thuyết trình trước đám đông, phương pháp dạy học thích ứng Chương trình GDPT 2018 để ứng dụng khi tốt nghiệp ra trường sau này”, PGS.TS Lê Văn Đoài bày tỏ.

Tại Khoa Vật lý (Trường ĐH Vinh), sinh viên được nhà trường, giảng viên định hướng từ năm nhất. Ban đầu, hoạt động nghiên cứu khoa học của các em được thực hiện trong các học phần dạy học dự án. Sau đó, các em được tham gia vào dự án nghiên cứu chuyên sâu theo hướng nghiên cứu về phổ học laser, sợi tinh thể quang tử, vật liệu tiên tiến và vật lý phổ thông...

khoi-thong-chinh-sach-thuc-day-nghien-cuu-khoa-hoc-3.jpg
Nhóm sinh viên Khoa học Tự nhiên (Vật lý) với giảng viên hướng dẫn - PGS.TS Lê Văn Đoài. Ảnh: NVCC

Các em đã có đóng góp đáng kể trong công bố khoa học của nhóm nghiên cứu. Nhờ các thành tích như vậy, nhiều em nhận được học bổng của nhà trường, các tổ chức uy tín trong và ngoài nước như: Học bổng Odon Vallet, học bổng của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vigroup (VinIIF)...

GS.TS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho hay, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Vinh được nhiều thế hệ xây dựng. Vì vậy, sinh viên hiện nay thừa hưởng kinh nghiệm, kiến thức, các lĩnh vực nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu lớn của nhà trường.

Từ năm 2021, Trường ĐH Vinh điều chỉnh tất cả chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng đổi mới sáng tạo. Trong đó, 30% thời lượng chương trình theo hình thức dạy học dự án, gắn lý thuyết vào thực tiễn. Qua đó, hình thành trong sinh viên khát vọng khởi nghiệp dựa trên nền tảng tri thức.

Nhà trường cũng có chiến lược tập huấn cho cán bộ, giảng viên từ cách thức dạy học đến cách thức nghiên cứu dự án, phương pháp dạy học đổi mới sáng tạo… Đi kèm với chủ trương này còn có chính sách tài chính, khen thưởng cho cả giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Dự án được giải thưởng tương ứng với cấp trường, cấp Bộ hay quốc tế sẽ có tiền thưởng tương ứng 20 đến 50 - 60 triệu đồng/người.

Đặc biệt, từ tháng 4/2024, Trường Đại học Vinh ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó hỗ trợ tất cả dự án học tập của các môn, mỗi dự án 1 triệu đồng (900 nghìn đồng dành cho sinh viên để thực hiện hoạt động thực tiễn, còn 100 nghìn đồng cho giảng viên hỗ trợ dự án). Đây chính là điều kiện thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, học viên, giảng viên nhà trường.

Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học là hoạt động thường niên do Bộ GD&ĐT tổ chức. Vòng chung khảo năm 2024 có 106 đề tài, được xét chọn trong số 536 đề tài từ 95 trường trên toàn quốc. Trường ĐH Vinh có 2 giải Nhì của nhóm sinh viên Khoa học Tự nhiên (Vật lý) và Khoa học Nông nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sự tức giận có thể hủy hoại mối quan hệ và gây bất lợi cho cả hai bên. (Ảnh: ITN).

10 cách giúp vợ nguôi giận nhanh nhất

GD&TĐ - Không người đàn ông nào muốn nhìn thấy vẻ mặt tức giận của vợ. Sự tức giận có thể gây hại cho mối quan hệ hoặc hôn nhân nếu không xử lý đúng cách.