Cần thêm chính sách hỗ trợ GD mầm non địa bàn có khu công nghiệp

GD&TĐ - Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND TPHCM) vừa có buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP về chính sách phát triển mầm non tại địa bàn có khu CN.

Giờ học của trẻ mầm non Trường 19 Tháng 5 (quận 12).
Giờ học của trẻ mầm non Trường 19 Tháng 5 (quận 12).

Đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và học sinh

Sáng 29-3, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) do ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT TPHCM về chính sách phát triển mầm non trên trên địa bàn có khu công nghiệp (CN).

Tại buổi làm việc, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, tính đến tháng 3/2023, có 84 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại khu CN, khu chế xuất nộp hồ sơ nhận hỗ trợ. Trong đó có 57/84 cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã được hưởng trợ cấp với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tỉ lệ cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã được nhận trợ cấp là 67,9%, chưa được hưởng trợ cấp là 32,1% lí do chưa được nhận hỗ trợ là do đa số các cơ sở không đủ 30% số trẻ là con công nhân nên không đủ điều kiện. Ngoài ra một số nhóm lớp giải thể, tạm ngưng hoạt động, một số không có nhu cầu hưởng trợ cấp.

Theo báo cáo của 22 phòng GD&ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức có 6.151 trẻ là con công nhân làm việc trong khu CN, khu chế xuất thực hiện hồ sơ hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết trong đó có 5.088/6.151 (tỉ lệ 82,7%) trẻ đã được hưởng trợ cấp với số tiền hơn 3,8 tỉ đồng. Số trẻ chưa được hưởng vì lí do chưa hoàn tất hồ sơ, một số phụ huynh chưa làm hồ sơ xác nhận kịp.

TP có 508 giáo viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập trong khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện hồ sơ hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết, trong đó có 212/508 giáo viên đã được hưởng trợ cấp với số tiền là gần 900 triệu đồng. 256/508 (tỉ lệ 58,3%) giáo viên chưa được hỗ trợ.

Nguyên nhân giáo viên chưa được hưởng chính sách là do nhóm lớp phụ trách không đủ 30% số trẻ là con công nhân làm việc trong khu CN, khu chế xuất nên chưa nhận được hỗ trợ.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh, việc triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND (ngày 9/12/2021) của HĐND TPHCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu CN cần được hiểu và thực hiện thống nhất trên các địa bàn để đảm bảo quyền lợi của giáo viên và học sinh.

“Thực tế hiện nay, vẫn còn địa phương chưa quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ, chưa đưa vào dự toán năm 2023, công tác truyền thông và thông tin cho các cơ sở giáo dục chưa thực hiện bài bản khiến hiệu quả triển khai còn hạn chế”, ông Bình cho biết.

Ông Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Mở rộng đối tượng thụ hưởng

Thực tế, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tại khu CN, khu chế xuất cần hỗ trợ theo Nghị quyết 27, tuy nhiên chưa đạt được các điều kiện để nhận hỗ trợ. Nguyên nhân do quận, huyện có khu CN nhưng không có trường hay nhóm, lớp. Một số nhóm lớp cận khu CN nhưng số lượng con công nhân không nhiều, một số cơ sở giáo dục mầm non chưa đủ 30% trẻ em là con công nhân,…

Bà Lương Thị Hồng Điệp cho biết, năm học 2021-2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non ở khu CN, khu chế xuất tạm dừng hoạt động trong thời gian dài, tình hình nhân sự giáo viên và trẻ không ổn định nên không có trường hợp giáo viên và trẻ đủ điều kiện được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND.

Song song đó, số lượng giáo viên được hưởng chính sách hỗ trợ chưa cao do nhóm, lớp phụ trách không đủ 30% số trẻ là con công nhân làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất và do trình độ đào tạo của giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nêu ý kiến tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nêu ý kiến tại buổi làm việc.

Qua thực tế triển khai, Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM quan tâm đến chế độ hỗ trợ giáo viên ngoài công lập trong việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Đồng thời tiếp tục có thêm những chế độ chính sách hỗ trợ cho trẻ, giáo viên mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở khu CN, khu chế xuất trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TPHCM đề xuất Sở GD&ĐT TPHCM tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan như Liên đoàn Lao động TPHCM để tăng hiệu quả rà soát, nâng cao số lượng đối tượng được thụ hưởng chính sách. Đồng thời sở ngành cần nghiên cứu mở rộng đối tượng thụ hưởng để đáp ứng nhu cầu người lao động.

“Hiện nay quy định trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ mỗi năm 9 tháng cho mỗi năm học. Đặc thù trẻ là con công nhân đi học trong cả năm nên đề xuất mở rộng thời gian được nhận hỗ trợ”, bà Nga nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ