Cần thay đổi từ nhận thức tới hành động

Cần thay đổi từ nhận thức tới hành động

(GD&TĐ) - Thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT, với quan điểm đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo thì yếu tố con người là vô cùng quan trọng, cần phải thay đổi từ nhận thức tới hành động, Đảng uỷ Trường Đại học Vinh đã đưa ra Chương trình hành động và chỉ đạo chính quyền để có những giải pháp đổi mới quản lý một cách toàn diện, quyết liệt, có tính đột phá. Báo GD&ĐT đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đinh Xuân Khoa, Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh.

* Xin ông cho biết Đảng uỷ Trường Đại học Vinh đã làm gì trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ?

PGS.TS Đinh Xuân Khoa: Sau khi có Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, Đại học Vinh đã Xây dựng Chương trình hành động của Đảng uỷ quán triệt thực hiện các nội dung cần thiết phải đổi mới quản lý. Theo đó, các ban của Đảng uỷ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể căn cứ Chương trình hành động của Đảng uỷ xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị, đồng thời tổ chức quán triệt, học tập đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, SV.

Ngay trong tháng 4/2010, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong toàn trường đã tổ chức thảo luận rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, công chức và SV theo chủ đề “Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học?”. Tùy theo đối tượng để chọn nội dung thảo luận thích hợp, tập trung làm rõ 4 vấn đề: Sự cần thiết phải đổi mới quản lý GDĐH, nâng cao và đảm bảo chất lượng đào tạo? Đánh giá thực trạng các yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo? Để nâng cao CLĐT, hiệu quả NCKH cần phải làm gì? Đề xuất kiến nghị để việc đảm bảo và nâng cao CLĐT có tính khả thi, bền vững.

Để tạo không khí dân chủ và các ý kiến đóng góp xây dựng, Đảng uỷ đã chỉ đạo chính quyền mở chuyên mục Đổi mới quản lý GDĐH trên website của nhà trường, bình quân mỗi ngày có 1.800 lượt người truy cập. Trường đã và tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội nghị cán bộ trẻ để nâng cao nhận thức, quán triệt tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong giai đoạn mới. Làm cho mỗi cán bộ, giảng viên thấy được những khó khăn, thách thức của nhà trường trong xu thế cạnh tranh và hội nhập. Để từ đó mỗi một cán bộ, công chức phải trăn trở với sự nghiệp đào tạo, nỗ lực phấn đấu về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Các buổi tọa đàm, trao đổi, đối thoại giữa SV với lãnh đạo trường, tổ chức hội nghị dân chủ SV qua website đã giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của SV; giải quyết dứt điểm, kịp thời những kiến nghị, đề xuất của SV; giúp SV tiếp thu được những kiến thức cơ bản, kỹ năng nghề nghiệp và thông tin về việc làm khi ra trường.

các sinh viên khoa công nghệ sinh học đang thực hành tốt nghiệp chia tách ADN của lúa (Ảnh st)
Các sinh viên khoa công nghệ sinh học đang thực hành chia tách ADN của lúa

* Để nâng cao chất lượng đào tạo thì công tác tổ chức, bộ máy, cơ chế quản lý và đội ngũ là những yếu tố quan trọng quyết định thành công. Vậy Đảng uỷ Trường Đại học Vinh đã quán triệt nội dung thực hiện thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đinh Xuân Khoa: Việc đảm bảo và nâng cao CLĐT chúng tôi cho rằng có ba yếu tố quyết định đó là: Đội ngũ cán bộ; chương trình, giáo trình và CSVC kỹ thuật phục vụ đào tạo và NCKH, trong đó yếu tố con người quyết định tất cả. Đại học Vinh có cơ cấu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đa cấp với 42 ngành đào tạo trình độ ĐH, 28 chuyên ngành đào tạo Th.s, 10 chuyên ngành đào tạo TS, với 868 cán bộ, giảng viên, trong đó có 3 GS, 40 PGS, 108 TS, 346 Th.s. Nhiều tổ bộ môn hiện nay đã đạt tỷ lệ 100% có trình độ Th.s trở lên, có tổ trên 50% giảng viên có trình độ TS.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Đảng uỷ Trường đã ban hành nhiều nghị quyết và kế hoạch thực hiện chú trọng cả 3 mặt đánh giá và sắp xếp, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Phát triển đội ngũ GV trên nguyên tắc tránh độc quyền về chuyên môn, mỗi môn học phải có ít nhất 2 cán bộ đảm nhận, mỗi cán bộ phải phụ trách được ít nhất 2 học phần; phấn đấu mỗi cán bộ chỉ phải làm việc với cường độ không quá 150% định mức lao động theo quy định của Nhà nước. Nhà trường đã ban hành quy định về chuẩn trình độ ngoại ngữ của cán bộ giảng dạy, đưa ra lộ trình về thời gian để cán bộ nâng cao trình độ ngoại ngữ. Hàng năm cán bộ đều được kiểm tra đánh giá trình độ ngoại ngữ 1 lần bằng thi trên máy, kết quả được đưa vào đánh giá thi đua cuối năm.

Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức luôn được quan tâm. Căn cứ vào nhu cầu cán bộ của các đơn vị, hằng năm trường có kế hoạch cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Ưu tiên đẩy mạnh việc gửi cán bộ đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, bằng hiệp định giữa các chính phủ và bằng hợp tác song phương của nhà trường. Hầu hết các nguyện vọng của cán bộ đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đều được đáp ứng. Nhờ vậy, số cán bộ đi nghiên cứu, hội thảo, học tập ngoài nước tăng nhanh, hiện nay có 196 cán bộ làm nghiên cứu sinh, thực tập sinh ở trong và ngoài nước. Đây là nỗ lực lớn trong việc chuẩn hoá đội ngũ của chúng tôi thời gian qua và đã được Bộ GD&ĐT đánh giá cao.

* Việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, chất lượng có đạt yêu cầu hay không là do xã hội đánh giá. Quan điểm của ông về hoạt động này thế nào?

PGS.TS Đinh Xuân Khoa: Để phù hợp với yêu cầu của công tác đổi mới GDĐH, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT trong việc triển khai mạnh mẽ đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, từ năm 2006, Đảng uỷ Trường đã ban hành Nghị quyết số 234-NQ/ĐU về đào tạo theo học chế tín chỉ, bắt đầu thực hiện từ khóa tuyển sinh năm 2007. Đến nay, nhà trường đã hoàn thành biên soạn khung chương trình và đề cương chi tiết học phần ở tất cả các ngành đào tạo; thành lập hệ thống cố vấn học tập; biên soạn ngân hàng đề thi đánh giá các môn học; xây dựng phần mềm quản lý đào tạo; nâng cấp hệ thống mạng Internet, thực hiện quản lý đào tạo qua mạng LAN... Nhờ vậy, Trường Đại học Vinh là một trong 23 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam đã tổ chức đào tạo theo tín chỉ cho SV một cách bài bản.

Chúng tôi cũng từng bước hoàn thiện khung chương trình và chương trình chi tiết của các học phần theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội, có cấu trúc mô đun mềm dẻo, dễ điều chỉnh và cập nhật để tăng khả năng liên thông giữa các ngành, các hệ đào tạo. Mới đây, trường đã tổ chức Hội thảo công tác thực tập nghề nghiệp với các nội dung thực tế chuyên môn, tham quan, thực địa, thực tập nghề, thực tập sư phạm, kiến tập sư phạm, thực tập tốt nghiệp... Xây dựng hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh tham gia đào tạo, rèn luyện tay nghề cho SV nhanh chóng thích ứng với thế giới việc làm. Tổ chức 2 Hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Để công khai CLĐT, Đại học Vinh là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên công bố Chuẩn đầu ra các ngành đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy có sự góp ý của nhà tuyển dụng, SV, giảng viên. Triển khai việc lấy ý kiến người học, giảng viên, nhân viên, nhà tuyển dụng để cải tiến CLĐT. Chủ động làm việc với các công ty, doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng; tổ chức các hoạt động giao lưu giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng với SV để có được thông tin về nhu cầu xã hội, ý kiến nhận xét, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành nhằm điều chỉnh, bổ sung có chọn lọc nội dung, chương trình đào tạo; đồng thời tạo điều kiện cho SV tham gia các hoạt động thực tập nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng, tích luỹ kinh nghiệp phục vụ quá trình công tác sau khi tốt nghiệp. Nhà trường cam kết trước xã hội và người học về CLĐT theo chuẩn đầu ra đã công bố. 

* Một đại học lớn thì các hoạt động NCKH và hợp tác quốc tế cũng góp phần khẳng định uy tín của mình. Đại học Vinh đang triển khai thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đinh Xuân Khoa: Những năm qua, trường không ngừng bổ sung, cải tiến, hoàn thiện quy chế, quy định về công tác NCKH của cán bộ; gắn kết hoạt động giảng dạy với NCKH và thực tiễn. Mở rộng và tăng cường hợp tác NCKH với các trung tâm khoa học trong nước và một số trường đại học ngoài nước. Số đề tài NCKH cấp Nhà nước, cấp Bộ, số công trình được công bố, kinh phí dành cho hoạt động NCKH và tỷ lệ SV đạt giải thưởng ngày càng tăng. Từ năm 2005 - 2009, Trường Đại học Vinh đã triển khai 1.056 đề tài khoa học các cấp; tổ chức 65 hội thảo cấp trường, khu vực, quốc gia, quốc tế; trên 1.000 bài báo của cán bộ được công bố ở các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. Trường Đại học Vinh là một trong số ít trường có Quy chế của hiệu trưởng quy định nhiệm vụ NCKH của GV và quy định tiêu chuẩn nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ các cấp.

Trường cũng đẩy mạnh các hoạt động liên kết đào tạo, thông qua việc liên kết, đã hợp tác toàn diện hơn với các doanh nghiệp, đã tập trung xây dựng một số trường phái NCKH mũi nhọn, hình thành nhóm các nhà khoa học để tổ chức xây dựng và triển khai các đề tài NCKH các cấp. Có thể nói từ những quan hệ hợp tác quốc tế đã có, nhà trường đã tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để xây dựng quan hệ mới với nhiều trường ĐH và tổ chức quốc tế, đem lại nguồn lực hỗ trợ cho trường thông qua việc hợp tác NCKH và chuyển giao công nghệ. Đây cũng là những tác nhân quan trọng để Đại học Vinh khẳng định vị thế là một trung tâm đào tạo chất lượng và uy tín.

Xin cám ơn ông!

 Bạch Ngọc Dư

(Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ