Kiểm tra cuối kỳ I: Cách nào để giải tỏa tâm lý cho học trò?

GD&TĐ - Kỳ kiểm tra học kỳ I năm học 2021 – 2022 đang đến gần. Các nhà trường chuẩn bị phương án khác nhau để phù hợp với tình hình dịch ở từng địa phương, bảo đảm việc kiểm tra đánh giá học sinh diễn ra được an toàn.

Học sinh chuẩn bị bước vào đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng cuối học kỳ I năm học 2021 – 2022.
Học sinh chuẩn bị bước vào đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng cuối học kỳ I năm học 2021 – 2022.

Cần sự đồng hành của phụ huynh

Học trực tuyến thời gian dài vì dịch bệnh Covid-19, em Hoàng Yến – học sinh lớp 9 tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) - chia sẻ: Bố mẹ đã đầu tư máy tính mới kèm gói hòa mạng Internet tốc độ cao để em yên tâm học tập. Tuy nhiên, việc học qua các ứng dụng học trực tuyến đã ảnh hưởng đến thị lực và độ tập trung. Yến thừa nhận, kết quả kiểm tra giữa kỳ I vừa qua không được như ý. Một phần do kiến thức, thứ nữa em cũng bị áp lực không nhỏ từ phía gia đình.

“Bố mẹ lúc nào cũng muốn điểm thi của con phải cao hoặc hơn các bạn. Nhưng việc học online nhiều khi khiến chúng em cảm thấy rất bí bách. Có những phần chưa rõ muốn hỏi thêm nhưng không phải lúc nào cũng được đáp ứng. Lúc cô nói thì đường truyền chập chờn, nghe câu được câu không.

Cô giáo quản lý lớp hơn 40 học sinh nên nhiều khi, em cũng ngại không muốn hỏi ngoài giờ bởi cô còn lo nhiều việc khác. Vậy nên, em mong muốn sắp tới nếu phải thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến, nhà trường hãy ra đề với nội dung phù hợp, không quá nặng để chúng em làm tốt nhất có thể”, Yến bày tỏ.

Là cán bộ quản lý thường xuyên nhận được những tâm sự của học trò, cô Nguyễn Thị Lý – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - cho rằng: Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, học sinh chưa biết khi nào mới được đến trường thì việc kiểm tra, đánh giá lúc nào cũng có phương án dự phòng, nhất là theo phương thức trực tuyến. Cô Lý cũng lưu ý: Các bậc phụ huynh cần quan tâm, gần gũi và động viên con em mình nhiều hơn chứ không chỉ áp đặt điểm số với các em.

“Bất đắc dĩ vì dịch bệnh mà không được đến trường học trực tiếp nhiều tháng qua đã là một thiệt thòi lớn với các em, người lớn càng phải hiểu và nên chăng, chúng ta đừng kỳ vọng quá nhiều vào con. Những điểm số chỉ mang tính chất tương đối. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho các em thời điểm này mới là điều quan trọng. Cha mẹ nhiều khi nên “làm bạn” đồng hành để lắng nghe xem con mình thực sự đang cần thứ gì, thiếu thứ gì. Khi các em thoải mái tư tưởng thì làm mọi việc mới hiệu quả”, cô Lý nêu quan điểm.

Để học sinh không bị áp lực trước các kỳ thi, cần sự chia sẻ và đồng hành từ cả nhà trường và gia đình.
Để học sinh không bị áp lực trước các kỳ thi, cần sự chia sẻ và đồng hành từ cả nhà trường và gia đình. 

Đề thi không gây áp lực cho học sinh

Theo kế hoạch Trường THCS Phú Cường (Ba Vì, Hà Nội) tiến hành kiểm tra cuối học kỳ I từ tuần sau. Cô Nguyễn Thị Hải Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Hiện chỉ khối lớp 9 được phép học trực tiếp trên lớp và sẽ thi trực tiếp. Những phần nội dung cốt lõi ở các môn học đã được thầy cô giáo dạy cho các em. Với các khối còn lại, việc dạy học online vẫn được duy trì và sắp tới sẽ thi trực tuyến. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch ôn tập và kiểm tra học kỳ I.

Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì  trực tiếp ra đề thi ở ba môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ cho các em; các môn còn lại trường sẽ tự ra đề. Đề thi không gồm nội dung được giảm tải, tự học có hướng dẫn. Ngoài ra, thầy cô cũng cho học sinh ôn thi theo đề cương, làm một số đề tham khảo để tăng tính cọ xát.

Tương tự, tại Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định), công tác xây dựng phương án kiểm tra học kỳ I cho học sinh đã được triển khai. Thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng nhà trường - nhấn mạnh: “Đề thi sẽ ra theo hướng tinh giản, tập trung vào các nội dung cốt lõi mà các em đã được truyền thụ trong thời gian qua. Nhà trường cũng tuyên truyền để phụ huynh đôn đốc, nhắc nhở cho các em ôn tập. Đồng thời, cha mẹ cần chú ý quan tâm, động viên tinh thần để trẻ giữ sức khỏe, tinh thần thật tốt để có một kỳ thi hiệu quả”.

Theo BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), trong cuộc đời con người, sự phát triển tâm lý phải trải qua hai giai đoạn khủng hoảng. Lần thứ nhất xuất hiện xung quanh tuổi lên 3. Thuật ngữ chuyên môn còn gọi là “rối loạn” hoặc “khủng hoảng tâm lý tuổi lên ba”. Giai đoạn này trẻ chủ yếu tỏ ra ngoan cố, không nghe lời, quấy khóc. Lần thứ hai từ 12 - 16 tuổi, còn gọi là “khủng hoảng tuổi vị thành niên”. Ở độ tuổi này, trẻ rất nhạy cảm, dễ cáu gắt, thích nổi loạn, không chấp nhận sự áp đặt của người lớn.

Trẻ vị thành niên phải đối diện với nhiều áp lực, bắt đầu có sự cạnh tranh gay gắt giữa các bạn trong lớp, áp lực điểm số và thành tích học tập, áp lực phấn đấu vào trường danh giá, từ sự kỳ vọng của mẹ cha. Đứng trước một vấn đề, ví dụ thành tích học tập, trẻ sẽ luôn đặt ra những câu hỏi về năng lực, phương pháp học tập, kết quả và sự trưởng thành, khả năng phát triển bản thân trong tương lai. Trẻ suy nghĩ rất nhiều, nhưng lại chưa chín chắn, rất dễ rơi vào trạng thái cực đoan, đặc biệt là khi trẻ cảm nhận mình đã cố gắng hết sức nhưng không tiến bộ.

BS Phúc cho rằng: Cha mẹ khi dạy con phải bằng tình thương yêu, hãy để trẻ tự quyết định các vấn đề giúp hình thành sự tự tin và có tinh thần trách nhiệm; để trẻ thấy gia đình là nơi hạnh phúc và an toàn, từ đó nuôi dưỡng động lực, xây dựng lòng nhân ái và tính trung thực. Đừng nhìn chằm chằm vào kết quả để đánh giá. Giảm bớt các yêu cầu về điểm số và đừng lúc nào cũng chăm chú vào bài tập về nhà. Thực tế xã hội này đã và sẽ thay đổi rất nhiều, không phải là một xã hội công nghiệp hóa kiểu mẫu đơn thuần, nên học nghề gì, làm nghề gì và trở thành người như thế nào không đơn giản, không thể tính toán sắp đặt trước.

“Khi cha mẹ chỉ biết nhìn con qua điểm số, qua thứ hạng, thì đó là cách hướng con trở nên ích kỷ, tức là con sẽ chỉ chăm chăm vào việc nhỏ nhặt này, trong khi thế giới rất rộng. Xã hội hiện đại hôm nay, với rất nhiều ngành nghề khác nhau, thế giới của trẻ em sẽ ngày càng trở nên rộng lớn hơn, vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng. Hãy để trẻ tự chủ, hãy dành cho trẻ tình yêu thương từ trái tim, để trẻ sẵn sàng lớn lên và trở thành chủ nhân của chính mình” – BS Trần Văn Phúc nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ