Eric Haller, là một cậu bé người Mỹ thèm ngủ nhất mà mọi người biết đến, từ năm 11 tuổi cậu luôn có nhu cầu ngủ 20 giờ mỗi ngày. Tức là, cậu bị mang tiếng lười nhác, luôn bỏ lỡ những dịp trọng đại trong đời, quên luôn sở thích cá nhân và không được chứng kiến sự kiện xã hội quan trọng.
Cho đến năm 20 tuổi, hiện tượng “khát ngủ” ở cậu vẫn không mất đi. Khi ngủ, cậu trông rất khác, mặt mũ cáu kỉnh và trông như thể đang trong trạng thái ác mộng. Những nhà nghiên cứu giấc ngủ cho rằng, đây là hiện tượng ngủ rũ hay còn gọi là hôn thụy.
Nghiện ngủ như thèm ma túy
Giấc ngủ là một trạng thái yên lặng tương đối, có tính chu kỳ đều đặn theo nhịp ngày đêm. Trong giấc ngủ, có những biến đổi về sinh lý như hô hấp, chức năng tim, trương lực cơ, thân nhiệt, sự bài tiết nội tiết tố và huyết áp.
Ngủ rũ (narcolepsy) là hiện tượng ngủ ngày quá mức và có biểu hiện bất thường về giấc ngủ REM (ngủ mơ), tồn tại tối thiểu trong 3 tháng. Người bệnh rơi vào những cơn thèm ngủ ban ngày không cưỡng lại được, ảo giác lúc nửa tỉnh nửa mơ, họ có thể ngủ gục chập chờn từ vài giây đến nhiều phút ở bất kỳ đâu: giữa cuộc họp, trong giờ học, khi đang nói chuyện hoặc trong lúc lái xe… Đây không phải là một loại động kinh hoặc xáo trộn tâm lý, mà là một bất thường trong cơ chế giấc ngủ.
Cơn buồn ngủ thường ập đến bất ngờ, không có dấu hiệu báo trước. Khi rơi vào trạng thái ngủ, dường như mọi bộ phận trong cơ thể đột nhiên đông cứng lại, mọi hoạt động tê liệt hoàn toàn dù nhiều người vẫn nhìn được và nghe được. Khoa học gọi hiện tượng này là con mắt trường lực. Chứng này thường xảy ra sau mỗi biến cố, căng thẳng trong cuộc sống. Những cơn kịch phát thường gắn liền với những cơn xúc động, vui mừng, giận dữ, buồn bực.
Cơ chế điều khiển
Hội chứng này được mô tả cách đây hơn 100 năm trong lịch sử y khoa nhưng cho đến nay, giới khoa học vẫn còn nhiều băn khoăn. Người ta cho rằng, đó là do sự tương tác của gene và các nhân tố môi trường hoặc do di truyền, rối loạn chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, hay một vài loại virus…
Gần đây, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Flinders (Australia) đã phát hiện, kháng thể từ bệnh nhân ngủ gây rối loạn tương tự ở chuột sau khi chúng được tiêm kháng thể từ máu của những người nghiện ngủ. Còn những con chuột được tiêm kháng thể từ người khỏe mạnh thì không có các triệu chứng như vậy.
Nghiên cứu còn cho thấy ở một số bệnh nhân, hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể gây tổn thương cho mô não, dẫn tới triệu chứng ngủ rũ. Theo Gs Tom Gordon, trưởng nhóm nghiên cứu, thí nghiệm này là bằng chứng trực tiếp ủng hộ giả thuyết cho rằng chứng ngủ rũ là do rối loạn hệ miễn dịch gây ra.
Các nhà khoa học Mỹ cũng đưa ra giả thuyết tương tự: Khiếm khuyết nằm trong một gene có vai trò tạo ra một “túi” trên bề mặt tế bào não tiếp nhận tín hiệu từ các tế bào khác. Khi gene bị đột biến, “túi” này không nhận được tín hiệu, khiến người bệnh lập tức ngủ mê mệt.
“Những cơn sóng ngầm”
Theo kết quả mới nhất của một nhóm các nhà khoa học Đại học Los Angeles (Mỹ), 8,7% số người được nghiên cứu thường xuyên có cảm giác buồn ngủ vào ban ngày. Nguyên nhân của hiện tượng ngủ rũ này có liên đới đến các chứng trầm cảm, béo phì, bệnh tiểu đường... thậm chí những “thủ phạm” này còn nguy hiểm hơn cả nguyên nhân mất ngủ vào những đêm trước đó.
Cụ thể, người bị chứng trầm cảm có tỉ lệ muốn ngủ ban ngày gấp 3 lần còn người bị tiểu đường cao hơn 2 lần so với những người bình thường. Người mắc bệnh béo phì cũng có tình trạng tương tự. Đặc biệt, những người nghiện thuốc lá thường lợi dụng chất kích thích nicotine để loại bỏ chứng buồn ngủ ngày của mình, nhưng họ không hề biết làm như vậy vô tình lại khiến chứng buồn ngủ trở nên trầm trọng hơn.
Hiện nay chưa có một phương pháp nào thực sự hữu hiệu để điều trị chứng nghiện ngủ, nhưng thay đổi lối sống có thể làm cải thiện triệu chứng bệnh này như: Đi ngủ và thức dậy điều độ mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ. Nên nghỉ trưa 10-15 phút mỗi ngày. Tránh dùng đồ uống có chất kích thích như cà phê, chè, và không nên hút thuốc lá.
Đến bệnh viện ngay khi… - Buồn ngủ vượt quá nhu cầu bình thường và không thể cưỡng lại được, xảy ra ban ngày. - Nhiều biến đổi sinh lý, như nói lắp, nói ngọng, kéo dài vài giây đến vài phút hoặc cảm xúc mạnh như vui hoặc buồn quá. - Bệnh nhân bị liệt ngủ- mất khả năng cử động hoặc nói năng tạm thời, ngay cả lúc đang buồn ngủ hay khi vừa mới thức dậy; kèm với triệu chứng rung giật nhãn cầu. - Ảo giác: Có thể xảy ra khi bệnh nhân rơi nhanh vào tình trạng ngủ rũ có rung giật nhãn cầu. Lúc này bệnh nhân trong tình trạng nửa thức nửa ngủ nên hay có những cơn mơ rất thực, sống động và thường khủng khiếp. |