Cần sự đồng thuận

GD&TĐ - Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” xây dựng trên cơ sở Chương trình Đưa nghệ thuật vào không gian sống dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 11/2017 đang thu hút sự chú ý của người dân và du khách đến thăm. Trong bối cảnh di sản đô thị đang bị tàn phá nặng nề thì dự án nghệ thuật cộng đồng có phải là cách để giữ gìn di sản?

 Cần sự đồng thuận

Đánh thức di sản văn hóa

Mỹ thuật cộng đồng tuy chưa phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng những công trình nghệ thuật cộng đồng đầu tiên đang làm phong phú, sinh động cuộc sống đô thị. Các nghệ sĩ đã biến những bức tường cũ kỹ buồn tẻ trở thành những không gian sống động hấp dẫn đầy màu sắc. Có thể kể đến con đường gốm sứ ven sông Hồng, làng bích họa ở Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) từng khiến nhiều người thích thú.

Mới đây nhất, dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được xây dựng trên cơ sở Chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do UN-Habitat phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triển khai từ năm 2015. Địa điểm triển khai là mặt vòm phía Đông phố Phùng Hưng (đoạn từ ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót).

Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết: “Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” sẽ được triển khai ngay trong tháng 10, hoàn thành vào cuối tháng 11. Trong đó, toàn bộ phố Phùng Hưng có 131 cổng vòm (4 cổng được đục ra để phục vụ giao thông), còn lại 127 cổng vòm sẽ được chia thành 2 giai đoạn để triển khai”. Cụ thể “Bích họa trên phố Phùng Hưng” nằm trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 khảo sát đục thông, đề xuất sử dụng không gian.

Ông Park Kyoung Chul, Trưởng đại diện Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc cho rằng: “Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” không chỉ là một dự án nghệ thuật thông thường với mục đích trang hoàng lại diện mạo của một công trình, mà là diễn đàn cho nghệ sĩ hai nước sáng tạo, là một cơ hội để đánh thức những giá trị di sản văn hóa”.

Cần tìm tiếng nói chung

Tại buổi tọa đàm “Bích họa trên phố Phùng Hưng”, rất nhiều trăn trở của giới chuyên môn, nhà quản lý, người dân đều xuất phát từ mong muốn giữ gìn vẻ đẹp của di sản văn hóa Thủ đô.

Theo KTS Trần Huy Ánh, hiện nay dự án đang đứng trước những thách thức lớn bởi vị trí đang đặt trong không gian cổ kính Hà Nội. Ở đó, các kiến trúc sư và nghệ sĩ hai nước đang vướng ở vấn đề, làm sao để người dân sinh sống trên phố Phùng Hưng hiểu được tình cảm của họ dành cho di sản văn hóa.

KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện Bảo tồn Kiến trúc cũng cho rằng, với 127 mái vòm nên tránh nhắc tới Hồ Gươm và chợ Đồng Xuân bởi các địa điểm đã ở ngay gần. Việc trang trí phải dựa trên quan điểm về nghệ thuật không phải là bức tranh lắp ghép với nhau một cách đơn giản. Trong đó phải thêm tính liên tục của cảnh quan, ký ức; chứ không phải ý tưởng của từng cá nhân ghép lại.

TS Đinh Hồng Hải, Trường Đại học KHXH&NV cho rằng, đưa nghệ thuật vào để phục vụ cộng đồng, người dân phải được hưởng lợi từ dự án, tạo nên không gian nghệ thuật và không gian sống mới. Người dân có thể kiếm sống được ở đó. Khi cộng đồng đã tham gia vào không gian này thì di sản sẽ được bảo tồn.

Bà Phạm Thanh Hường, đại diện Ban văn hóa của UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Mỗi người có một phông văn hóa kỷ niệm khác nhau, một sự kết nối khác nhau với không gian đó và điều kiện sống khác nhau. Những nhân tố đó ảnh hưởng đến đánh giá của chúng ta về tác phẩm nghệ thuật”.

Theo bà Phạm Thanh Hường, đưa một không gian nghệ thuật vào cộng đồng không nên áp dụng quan điểm quá hàn lâm hoặc là mang tính hệ thống mà cố gắng tạo điều kiện mở để mọi người được tiếp cận nghệ thuật. Từ đó, cảm nhận không gian sống nghệ thuật gắn bó hơn, có kết nối hơn.

Mỹ thuật cộng đồng tuy chưa phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng hy vọng những công trình nghệ thuật cộng đồng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ phát triển ý tưởng mới để làm đẹp không gian đô thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ