Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng để đến khi sinh viên ra trường có việc làm ngay và đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển KT-XH của đất nước là một trong các mục tiêu của giáo dục ĐH. Trong những năm qua, Chính phủ và ngành Giáo dục đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này, cụ thể:
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020; trong đó yêu cầu: Mỗi bộ, ngành, địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Các doanh nghiệp, tổ chức phải có kế hoạch phát triển nhân lực; đào tạo nhân lực phải gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu của thị trường lao động.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và Đề án Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH tích cực tham gia có hiệu quả các đề án nói trên, góp phần nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện khảo sát, thống kê và công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong thời gian 12 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp. Lấy tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm là cơ sở trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo, mở ngành đào tạo và là căn cứ để các trường điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, để người học lựa chọn ngành nghề và cơ sở đào tạo. Đồng thời, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cũng là một trong các tiêu chuẩn trong kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo.
Ban hành Công văn số 5694/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT quy định nội dung và các điều kiện đảm bảo thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó chú trọng công tác tư vấn và hỗ trợ cho sinh viên tốt nghiệp tự tạo việc làm và tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH tiếp cận với nhu cầu của thị trường lao động; đồng thời thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo như đổi mới công tác quản trị nhà trường, công tác quản lý quá trình đào tạo, tăng cường đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đẩy mạnh việc phối hợp với đơn vị sử dung lao động để tăng thời lượng cho sinh viên được học tập và thực tập gắn với thực tế nghề nghiệp và vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Để có định hướng đào tạo, dạy nghề theo nhu cầu việc làm của xã hội để đến khi sinh viên ra trường thì có việc làm ngay và hạn chế tình trạng nhiều sinh viên ra trường nhưng không tìm được việc làm như hiện nay, ngoài sự cố gắng của Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH, thì cần sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong việc phát triển KT-XH, tạo ra nhiều việc làm mới cũng như việc dự báo nhu cầu nhân lực cả về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề trong ngắn hạn và dài hạn.
Từ đó, làm căn cứ tin cậy để Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo cho phù hợp với nhu cầu sử dụng, góp phần nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phát triển KT-XH của đất nước.