Cần sớm hoàn thiện thể chế phòng chống tham nhũng

GD&TĐ - Tiếp tục phiên họp thứ 3, ngày 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp và báo cáo phòng chống, tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 do Chủ nhiệm Lê Thị Nga ký đánh giá, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.

Lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ

Ủy ban Tư pháp cho biết, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân.

Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.

Xem nhẹ xử lí trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Theo đó, chỉ có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý trong khi đó có tới 159 vụ/402 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm. Năm 2016 việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.

Phát sinh tham nhũng từ cơ chế “xin – cho”

Việc chưa loại bỏ được cơ chế “xin - cho” được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh chính là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng, nhất là các lĩnh vực quản lý tài sản Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, công tác tổ chức cán bộ…

Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ nhiệm kỳ mới quyết tâm hoàn thiện thể chế để loại bỏ các quy định thiếu minh bạch, gỡ bỏ rào cản, giải phóng nguồn lực của đất nước, hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính là một chủ trương đúng đắn và mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, được cử tri ủng hộ và kỳ vọng.

Ủy ban Tư pháp đồng tình với chủ trương này và đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục triển khai việc hoàn thiện thể chế để PCTN; đồng thời, đề nghị Quốc hội coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ trưởng, trưởng ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ