Bất kể một vụ vi phạm đạo đức nghề nghiệp xảy ra ở đâu, cấp nào, dù là giáo viên mầm non, tiểu học hay giáo sư, giảng viên ĐH, không ít người lập tức truy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, rồi quy kết cả ngành. Điều đó làm tổn thương đến hơn một triệu nhà giáo đang miệt mài với sự nghiệp giáo dục.
Lật lại từ góc độ chính sách và pháp luật, thầy cô giáo cũng là viên chức nhà nước như viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực khác. Luật Viên chức đã quy định rất rõ quyền lợi, nghĩa vụ và những việc viên chức không được làm. Vậy thì, nếu có vi phạm, các thầy cô giáo - cũng như tất cả các viên chức khác, phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về hành vi sai trái của mình. Ngành Giáo dục cũng như các cấp quản lý không bao giờ bao che, dung túng hay thỏa thiệp cho những sai trái của các thầy cô. Ai sai người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bộ GD&ĐT là cơ quan ban hành các chính sách quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, nhưng không phải là cơ quan có chức năng quản lý trực tiếp đến từng giáo viên các cấp học. Do đó, nếu thầy cô giáo vi phạm đạo đức nhà giáo là do những quy định bất hợp lý của Bộ GD&ĐT thì việc quy kết trách nhiệm của ngành Giáo dục, của Bộ trưởng là đúng. Còn việc vi phạm đến từ bản thân mỗi thầy cô giáo, trong nhận thức, trong hành xử, trong tác nghiệp hàng ngày thì sự quy kết này không thỏa đáng. Điều này cần rạch ròi, sòng phẳng để trả lại đúng bản chất của mỗi sự việc.
Cũng từ góc nhìn chính sách và pháp luật, có nhiều điều còn rất đáng suy ngẫm xung quanh câu chuyện về đạo đức nhà giáo.
Một lãnh đạo Bộ Nội vụ gần đây đã có một phát biểu tại nghị trường về tính đặc thù, đại ý là: Không thể có ngành/lĩnh vực nào được coi là đặc thù, bởi vì bản chất của ngành/lĩnh vực đã là đặc thù. Vì thế, ngành Giáo dục không thể đòi hỏi là ngành đặc thù để đề xuất chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đặc thù được.
Suốt gần hai năm qua, trên các bàn nghị trường ở các cấp thẩm quyền khác nhau, hễ cứ bàn đến vấn đề về đặc thù của ngành Giáo dục để có chế độ tiền lương và đãi ngộ riêng như công an, quân đội là lập tức bị bác bỏ. Cho đến thời điểm này, toàn bộ những đề xuất về lương nhà giáo cũng không được đề cập đến trong Luật Giáo dục sửa đổi. Lương nhà giáo của một tương lai gần cũng sẽ vẫn nằm trong hệ thống thang bảng lương chung của cán bộ, công chức, viên chức dù có cải cách hay không.
Trong khi đó, Hiến pháp khẳng định: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đảng thì chủ trương tiến tới lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhưng con đường từ Hiến pháp, Nghị quyết của Đảng đến các chính sách đặc thù cụ thể về tiền lương và các đãi ngộ đối với nhà giáo vẫn rất xa vời.
Vậy thì, nếu không thể đưa ngành Giáo dục vào vị trí của ngành đặc thù đặc biệt, để có chế độ đãi ngộ riêng như chính sách đối với công an, quân đội, thì hãy trả nhà giáo về đúng vị trí việc làm của những viên chức nhà nước như tất cả các ngành/lĩnh vực khác.
Để có những đòi hỏi cao hơn mang tính đặc thù của ngành Giáo dục và thầy cô giáo, thiết nghĩ cần phải có một chế tài đủ mạnh, như một bộ Luật riêng cho nhà giáo, mà ở đó, toàn bộ những vấn đề của nhà giáo như tuyển dụng, sử dụng, chế độ tiền lương, đãi ngộ đặc thù được tính toán và có các quy định cụ thể được luật hóa. Một tương lai xa hay gần cho ngành Giáo dục còn phụ thuộc vào các quyết sách của Đảng và Nhà nước, mà cao nhất là Quốc hội trong thời gian tới.