Cần quy định rõ trách nhiệm nhà trường với Ban đại diện cha mẹ HS

GD&TĐ - Thời gian vừa qua, những thông tin về việc “Ban phụ huynh tiếp tay cho lạm thu”, rồi việc đặt ra câu hỏi liệu có nên tồn tại Ban phụ huynh, khiến xã hội đã có cái nhìn sai lệch về vai trò của các Ban phụ huynh. 

Cần quy định rõ trách nhiệm  nhà trường với Ban đại diện cha mẹ HS

Vấn đề không phải là giải tán Ban phụ huynh hay không, mà là cần duy trì Ban phụ huynh như Luật Giáo dục đã quy định phải thực hiện nghiêm túc như điều lệ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Duy trì Ban phụ huynh như một tổ chức hội

Anh Lê Duy Toản, là phụ huynh của 2 cậu con trai, một cháu học lớp 3 Trường Tiểu học Hoàng Liệt và một cháu lớn học Trường THPTDL Tạ Quang Bửu (Hà Nội) cho biết: “Từ trước đến nay, hội phụ huynh đã trở thành một phần không thể thiếu tại các trường học.

Thời gian vừa qua, việc nhiều ban, hội phụ huynh biến tướng đang thực sự trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận. Thế nhưng, cũng không vì thế mà chúng ta có thể phủ nhận những ban, hội phụ huynh đang nỗ lực làm tròn chức năng của mình.

Vợ chồng chúng tôi đều bận việc, những dịp lễ tết, nếu không có hội phụ huynh đại diện các phụ huynh trong lớp đến tặng hoa cho cô giáo, thì chúng tôi có lẽ không yên tâm. Việc tri ân các thầy cô trong những ngày lễ Tết quan trọng là rất cần thiết, nó thể hiện tình cảm của phụ huynh và học sinh.

Cách làm là không làm biến tướng, món quà mang tính tượng trưng và hoạt động này là của cả tập thể lớp chứ không phải của cá nhân phụ huynh nào. Ngay từ đầu năm, phụ huynh trong lớp họp bàn, khi Ban đại diện cha mẹ học sinh đã thay mặt cả lớp chúc mừng các thầy cô thì không phụ huynh nào đi riêng nữa, mức chi được quy định cụ thể.

Nếu trong lớp, phụ huynh nào khó khăn thì không phải đóng góp, còn gia đình có điều kiện, đôi khi họ có thể ủng hộ lớp rất nhiều. Nếu không có hội phụ huynh, thiệt thòi nhất chính là con em chúng ta”.

Chị Lê Thị Hạnh, có con trai học lớp 8 Trường Tiểu học Yên Hòa (Cầu Giấy) chia sẻ: “Bản chất của hội phụ huynh là tốt, làm cầu nối giữa gia đình nhà trường và hoạt động cha mẹ cách dạy con. Tôi không nghĩ là xóa bỏ mà nên đưa về đúng vai trò của hội. Khi là tổ chức hội thì các hội viên đều có trách nhiệm đóng góp tùy tâm để hội hoạt động.

Những hoạt động thu chi của hội được thông qua cuộc họp đầu năm, được sự đồng ý nhất trí của 2/3 ý kiến phụ huynh trong lớp. Hoạt động thu chi của hội phụ huynh chỉ phục vụ cho hoạt động của hội (như tổ chức sinh nhật cho học sinh, mua phần thưởng học sinh giỏi, tổ chức Trung thu, Noel....).

Hoạt động thu chi đó được thống nhất giữa Ban phụ huynh và GVCN, BGH. Đặc biệt quỹ hội phụ huynh giáo cho phụ huynh quản lý, tránh cào bằng và áp đặt.

Nâng cao trách nhiệm của nhà trường với Ban phụ huynh

Chị Hoàng Ngân, có con học lớp 5 Trường Tiểu học Ngôi sao (Hà Nội) cho biết, nhiều năm liền chị tham gia ban đại diện cha mẹ phụ huynh của lớp, có năm còn tham gia Ban phụ huynh của trường cho biết, khi Ban phụ huynh hoạt động giống như một tổ chức hội, họ sẽ có trách nhiệm với các khoản thu chi.

Khi tham gia Ban phụ huynh, chính tôi cũng là người cân đo đong đếm hợp lý những khoản phải chi như chi học sinh giỏi cuối kỳ, tiền liên hoan, tiền tết cho giáo viên, 20/11, đi dã ngoại, tham gia các cuộc thi...

Hội phụ huynh học sinh không thu các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của hội phụ huynh như sửa chữa, nâng cấp các công trình xây dựng của nhà trường.

Chị Lê Thị Huyền, có con gái đang học lớp 6 Trường THCS Đại Kim (Hà Nội) chia sẻ: “Hôm qua, đi đón con, thấy cảnh Ban phụ huynh trang trí lớp học để tổ chức Trung thu.

Trẻ con thì háo hức vây quanh. Cả cô và trò cũng cùng nhau bơm bóng, cắt hoa trang trí. Nhìn cảnh ấy khi nghĩ không có ban đại diện cha mẹ học sinh, ai sẽ làm những việc ấy. Các con sẽ là người thiệt thòi”.

“Trên thực tế, tham gia, Ban phụ huynh đòi hỏi thời gian và tâm sức nhiều hơn là vấn đề tiền bạc. Bản thân tôi rất bận với công việc cơ quan, nhưng vẫn dành thời gian để quan tâm tới học tập của con. Những công việc mà hội phụ huynh phải làm gồm rất nhiều đầu việc. Có lúc như kẻ “vác tù và hàng tổng”. Hơn lúc nào hết, bản thân các bậc cha mẹ cũng cần nâng cao hiểu biết về quyền hạn của mình cũng như ban đại diện CMHS đối với việc hỗ trợ, giám sát công tác của nhà trường trong việc giáo dục con trẻ” - Chị Lê Thị Huyền nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ