Cần phải làm gì để đưa văn học Việt Nam ra thế giới?

Cần phải làm gì để đưa văn học Việt Nam ra thế giới?
Đoàn chủ tọa buổi tọa đàm
Đoàn chủ tọa buổi tọa đàm

Văn học Việt Nam dưới góc nhìn của một số nhà văn-dịch giả nước ngoài

Theo nhà văn, dịch giả Frank Gerke (Cộng hoà Liên bang Đức) thì: Văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài nói chung và tiếng Đức nói riêng chưa nhiều. Và những tác phẩm, những tác giả nào được dịch thì đều là nhà văn Bắc Bộ; từ Nguyễn Du đến Tô Hoài; từ truyện cổ tích đến tiểu thuyết và truyện ngắn hiện đại. Tuy nhiên, những tác giả văn học vùng Nam Bộ cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nền văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài rất ít. Bởi vậy, tôi đã chọn dịch những tác phẩm của nhà văn vùng Nam Bộ đó là nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ông là nhà văn tiêu biểu của văn học Nam Bộ của Việt Nam sau đại chiến thế giới lần thứ II.

Cũng theo dịch giả Frank Gerke, Nguyễn Quang Sáng là nhà văn quân đội. Nói và nhận xét về ông mà không nói về các tập truyện ngắn, tiểu thuyết về đề tài chiến tranh thì quả thật là một sai lầm. Tuy nhiên, trong những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của ông bạn đọc thấy rõ ràng sự công bằng và sự cân nhắc rất cẩn thận của tác giả như tác phẩm Cánh đồng hoang, Đất lửa…Theo quan điểm của ông, tác phẩm Đất lửa là một trong những tiểu thuyết Việt Nam thành công nhất sau khi đại chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc.

Giáo sư Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) đã gây dự chú ý đối với các dịch giả Việt Nam và quốc tế bằng tham luận: Ông cố vấn và tôi-một trường hợp giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài thành công. Theo phân tích của GS Tu, trong thời kỳ toàn cầu hoá, hội nhập văn hoá trong đó có văn học là một điều tất yếu. Đi đôi với việc Việt Nam dịch ngày càng nhiều tác phẩm văn học nước ngoài và ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài, trong đó có những tác phẩm dịch tại Trung Quốc. Ngày 1/1/1999, bản dịch tiếng Trung bộ ba tiểu thuyết Ông cố vấn-Hồ sơ một điệp viên của nhà văn Hữu Mai được chính thức xuất bản tại Bắc Kinh. Đây là tác phẩm văn học hiện đại trường thiên thứ hai và dài nhất của văn học Việt Nam được giới thiệu sang Trung Quốc sau tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc. Tập sách ra đời được đông đảo bạn đọc hoan nghênh và đánh giá cao.

Dịch giả Trung Quốc
Dịch giả Trung Quốc

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, mối giao lưu văn hoá giữa Việt Nam nói chung và giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng đang diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, riêng về mảng tác phẩm văn học theo GS Tu đã xảy ra tình trạng mất cân đối giữa các tác phẩm văn học Trung Quốc được giới thiệu tại Việt Nam tương đối nhiều và kịp thời; ngược lại trên thị trường sách văn học dịch của Trung Quốc lại gần như vắng bóng các tác phẩm của Việt Nam. Tại sao thế? Là tác động của thị trường,lợi ích của dịch giả, NXB. Nhuận dịch ở TQ rất thấp, 30 tệ cho 1000 chữ (dịch kinh tế 200 tệ cho 1000 chữ) vì thế, dịch giả giỏi ngại dịch.

Theo GS, để đưa nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam ra nước ngoài, trước hết, tác phẩm văn học được giới thiệu ra nước ngoài phải là những tác phẩm hay và mang đậm sắc thái của dân tộc Việt Nam. Bởi vì, văn học là nhân học, nó bắt nguồn từ đời sống nhưng lại cao hơn đời sống. Độc giả người nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam qua tác phẩm văn học nếu tác phẩm có nội dung chung chung, tầm thường thì không thể gây hứng thú cho họ được. Muốn vậy, phải là tác phẩm viết về nội dung rất Việt Nam và chỉ có ở Việt Nam thì người nước ngoài mới quan tâm đến và mới cảm nhận thấy thú vị. Mặt khác, để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài cần có một chiến lược và những kế hoạch cụ thể có sự hỗ trợ của cơ quan có liên quan. Đồng thời, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa nguyên tác giả và người dịch.

Để có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu và dịch ra nước ngoài theo GS Tu cần thiết lập Quỹ văn học dịch thuật Việt Nam. Nếu Nhà nước Việt Nam hàng năm chi một khoản tiền thích hợp cho mục đích giới thiệu văn hoạc Việt Nam ra nước ngoài thì sẽ đạt được hiệu quả và mang lại lợi ích lâu dài. Nên có giải thưởng văn học dịch Việt Nam nhằm khen thưởng kịp thời cho những ai có công trong việc giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài cũng như giới thiệu văn học nước sang Việt Nam. Khuyến khích dịch giả Việt Nam hợp tác với dịch giả nước ngoài trong việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Tự giưới thiệu một số tác phẩm văn học Việt Nam bằng tiếng nước ngoài được lựa chọn kỹ càng, trình bày đẹp và bày bán tại các điểm du lịch có đông du khác quốc tế. Chứ không để dịch giả phải lo mọi khâu, phải có sự hỗ trợ, để dịch giả chỉ chuyên dịch.

Bàn về những giá trị vĩnh cửu của văn học, nhà văn Ba Lan Andrzej Grabowski cho rằng: Những người Ba Lan chúng tôi do dày dạn kinh nghiệm trong lịch sử chống ngoại xâm của mình, chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ quyền bảo vệ những giá trị đích thực của dân tộc Việt Nam, đó là quyền thiêng liêng và vĩnh cửu. Nhà văn nhấn mạnh: Càng làm quen với những người bạn Việt Nam, tôi càng thấy rằng mối quan hệ của chúng ta được thắt chặt bởi thế giới quan giống nhau như: Nhạy cảm với thiên nhiên, lòng yêu cái đẹp, lòng yêu nước hơn cuộc sống của mình, kính trọng nền văn hoá và lịch sử đất nước…Có nước nào trên thế giới có các vị tướng lĩnh-người bảo vệ Tổ quốc lại làm thơ như hai đất nước chúng ta?...Nhà văn đã rất hào hứng nhắc tới những câu thơ bất hủ của hai vị tướng lừng danh trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam là Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải và Vua Trần Nhân Tông. Đặc biệt, nhà văn Ba Lan còn nhắc đến bài thơ Việt Nam rất cổ xưa Có và không của Đạo Hạnh Thiền Sư cách đây hàng ngàn năm:

Bảo là “có”, thì nhỏ nhoi như hạt bụi cũng có

Bảo mà “kông”, thì tất cả (thế gian) đều không

“Có” và”không” như ánh trăng dưới nước

Đừng có bám hẳn vào cái “có” cũng đừng cho cái “không” là không

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Lào PHIULAVANH LUANGVANNA: Chúng tôi đã có sách giáo khoa dạy văn học VN, có số tiết nhiều nhất; sách báo văn học VN sang Lào bằng tiếng Việt thì nhiều, nhưng bằng tiếng Lào thì ít. Có cả một mảng văn học VN viết về Lào, đó là kết tinh tình nghĩa truyền thống đặc biệt giữa hai nước, đọc cảm động lắm. Tôi đã đọc Trước giờ nổ súng của Lê Khâm – Phan Tứ. Tôi đã đến nhà bác Văn Linh, bác cho xem chồng bản thảo dày lắm, viết về Lào. Làm sao để nhà văn Lào viết về Lào không ít hơn các nhà văn VN (bao gồm cả các vị tướng tá) viết về Lào. Mong rằng, sự hợp tác giữa hai hội ngày càng gắn bó mật thiết hơn.

Đại diện dịch giả Đức
Đại diện dịch giả Đức

Văn nghệ sĩ Việt Nam cần phải làm gì để quảng bá văn học ra nước ngoài?

Theo GS Phong Lê: Trong một thế kỷ có 7 thế hệ viết, trong đó có thế hệ viết chữ Hán, chữ Quốc ngữ tiền cách mạng; thế hệ cách mạng; thế hệ chống Pháp, chống Mỹ, hậu chiến tiền đổi mới và đổi mới. Thư mục đã dịch mà Hội cung cấp cho các bạn là quá ít so với thực thể nền văn học. Dân tộc VN trong thế kỷ này mất 40 năm chiến tranh, sống nghèo khó; chỉ còn 10 năm được hoà bình và no; đề tài chiến tranh, do đó mà bao choán văn học hiện đại.

Theo ông, trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam cần phải đổi mới, cách tân hơn nữa; chủ động giao lưu trao đổi với những nhà văn-dịch giả nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác, dịch thuật quảng bá văn học và đất nước cong người Việt Nam ra thế giới. Một mặt, Nhà nước, Hội Nhà văn Việt Nam cần có những chính sách đãi ngộ thoả đáng và tạo điều kiện tốt nhất cho các văn nghệ sĩ, những dịch giả, giúp họ yên tâm, cống hiết hết khả năng của mình cho nền văn học cách mạng.

GS Đặng Anh Đào với tham luận “Truyền thống và đổi mới trong văn xuôi Việt Nam hiện đại” đã nêu ra những quan điểm riêng của mình. GS Đặng phân tích: Nếu chỉ nói đổi mới không thì mình không thể nào bằng Tây được, người ta viết dòng ý thức, kể lại cả cuộc đời trong 24h đã từ lâu. Bên cạnh truyện ngắn là thể loại gây ấn tượng mạnh, cần phải kể đến ký sự, thư từ, hồi ký…như chùm pháo sáng phóng liên tục vào đêm dài ký ức hoặc sự mù mịt của tâm thức con người hiện đại. Về kết cấu truyện, âm hưởng của văn học dân gian vẫn trường tồn trong văn xuôi tự sự Việt Nam, nó kết cấu dựa trên ranh giới thiện ác, kéo dài qua hiện thực XHCN (“sự thể hiện cuộc sống trong quá trình cách mạng của nó”) gần đây nó mới chuyển dần sang kết cấu mở. Về diễn ngôn tự sự, văn xuôi VN lợi dụng dấu giọng, tạo ra sự “hỗn đồng” là cái đặc sắc phương Đông. Một sự kết hợp những yếu tố nghịch dị, sự đan cài cái của cái kỳ ảo và cái grotesqque đã mang lại ma lực cho nhiều truyện, hình thức nhại (parodie) trong đề tài lịch sử, tạo ra loại văn học giả - lịch sử, giả - huyền thoại.

Nha van Nguyen Quang Sang (ao xanh) tra loi phong van bao chi ben le Hoi nghi
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (áo xanh) trả lời phỏng vấn báo chí bên lề HN

Nhà văn LINHNGA NIETDAM-người Ede đến từ Tây Nguyên cho rằng: Tôi đồng ý với nhà văn  Đỗ Chu là cứ viết cho hay đi, giới thiệu là việc của người khác. Nhưng xin cho bổ sung là những vấn đề Tây Nguyên như Bauxit, café, bạo loạn…tại sao không thấy có mặt trong văn học? Tại sao Tây nguyên bây giờ không có Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, tôi cảm thấy tủi thân lắm. Tại sao có Hội đồng Dịch mà lại chỉ dịch từ ngoài vào mà không có một Hội đồng ngược lại? Đã có dự án hàng tỉ đồng để in văn học dân gian để nó không bị mối mọt, tại sao Hội ta không có tiền để quảng bá? Hy vọng, tương lai gần có sự khởi động của Hội, sớm thông báo kết quả cho chúng tôi.

Theo nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Thái (Việt kiều Ba Lan) thì: Hội nhà văn cần nghiên cứu mô hình Viện sách của Balan xem có nên ứng dụng vào nước ta hay không. Viện sách là cơ quan Nhà nước, trực thuộc Bộ Văn hoá, thành lập từ 2004 với mục tiêu giáo dục văn hoá đọc cho công dân và quảng bá văn học Ba Lan ra nước ngoài. Năm 2005 và 2009 đã tổ chức gặp gỡ các dịch giả văn học Ba Lan trên toàn thế giới, cung cấp thông tin, tài trợ những bản dịch tốt, giới thiệu sách mới, mời các dịch giả đến Ba Lan làm việc, giúp liên hệ với các tác giả giải quyết các vấn đề của bản quyền, hội thảo chuyên đề, giữ liên lạc với các dịch giả.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh nêu vấn đề rất “đáng thương”: Chưa bao giờ văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi Việt Nam nói riêng đang đứng trước một hiện thực đa dạng và phức tạp như hiện nay. Sự phát triển ồ ạt của của khoa học kỹ thuật hiện đại, nhất là công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn đã khiến cho văn hoá đọc thay đổi về chất và cả về lượng. Có nhiều lúc người viết bị lấn át đến mức nghẹt thở. Một cuốn sách trước đây được in ra với số lượng hàng vạn bản thì hiện nay nhiều lắm cũng chỉ tính bằng nghìn, thậm chí hàng trăm. Câu nói người viết cho người viết đọc đã lại đúng với thực tế văn chương nước nhà. Vậy có phải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là do các phương tiện nghe nhìn và công nghệ thông tin phát triển khiến người đọc quay lưng lại với tác phẩm văn học? Văn hoá đọc của dân ta đã và đang xuống cấp trầm trọng hay còn những nguyên nhân khác nữa?...

Nhà văn đã nêu ra những con số đáng chú ý để khẳng định: Thị trường sách hiện nay không phải không sôi động. Lượng sách nước ngoài được dịch sang tiếng Việt nhiều hơn gấp nhiều lần trước đây. Các nhà sách phát triển cũng gấp hàng chục lần; nguồn sách in lậu do các thương lái cũng tăng mạnh theo thời tiết của thị trường; theo thị hiếu của người đọc và theo cả…lực hấp dẫn của lời đồn thổi! Chỉ có sách văn học đích thực và nhà văn chân chính là “ngồi chơi xơi nước”, không có cách gì quảng bá ra công chúng được, nếu không có lời đồn thổi về vấn đề này nọ…

Cũng theo nhà văn, chương trình giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, có thể nói trước đây (thời kỳ từ 1965-1975) chúng ta đã làm được khá nhiều. Nếu chúng ta làm một cuộc thống kê thì sẽ thấy rõ, hầu hết các nhà văn thế hệ Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi đến Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu…đều đã có sách được dịch và giới thiệu ra nước ngoài (dĩ nhiên hồi đó là các nước XHCN)… Đó là thời kỳ văn học được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm cùng với sự phát triển của các phong trào cách mạng trong nước cũng như công tác ngoại giao. Trung Trung Đỉnh khẳng định: Trên thực tế vẫn còn khá nhiều những tác phẩm hay, có giá trị lớn cả về nghệ thuật biểu hiện lẫn phản ánh chân thực cuộc sống và hơi thở của thời đai. Và để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài trong thời kỳ hội nhập với thế giới cần có một chiến lược văn hoá vĩ mô mới thực sự có được những kết quả mong muốn. Mặt khác, nhiều năm nay các nhà văn và các nhà dịch thuật đã nỗ lực gần như tự phát trong cơ chế thị trường; chưa thực sự có một tổ chức chính thống nào đảm đương công việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài với một quy mô cấp nhà nước…

Kết thúc buổi Hội thảo Văn xuôi Việt Nam hiện đại, nhà văn Nguyễn Trí Huân thay mặt đoàn chủ toạ đánh giá cao các tham luận đều tập trung khẳng định giá trị của văn xuôi Việt Nam hiện đại, tập trung vào hai đề tài lớn là chiến tranh và nông thôn. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quan tâm đến đề tài miền núi, rất chính đáng. Một ý kiến lưu ý khi chọn dịch là dịch cái người ta cần, chứ không phải dịch cái mình có, cụ thể nên dịch truyện ngắn, bút ký là cái ta mạnh. Và đa phần các ý kiến trong Hội thảo đều thống nhất, quảng bá văn học tựu chung là quảng bá hình ảnh dân tộc; đều cho rằng ta có chuông nhưng cần người đánh chuông và thỉnh chuông.

Đối với vấn đề dịch thuật theo nhà văn, cái khó nhất là trong việc chuyển tải ngôn ngữ. Trong khi đó người nước ngoài thạo tiếng Việt quá ít. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng văn ta chưa hay, chưa hấp dẫn người ta. Nếu không có tài trợ của Nhà nước thì việc dịch văn học Việt chỉ sẽ dừng lại ở hội nghị mà thôi.

Ngô Xuân Lộc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.