Cần nhìn nhận công tâm về sự nghiệp đổi mới giáo dục

Khát vọng, mong muốn của nhân dân và xã hội vào sự chuyển biến tiến bộ của sự nghiệp giáo dục là rất chính đáng. 

Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Dù còn những việc đã và đang có trong ngành giáo dục khiến chúng ta chưa hài lòng, nhưng trước khi cầm bút, gõ phím bàn về giáo dục, mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên rất cần sự bình tĩnh, khách quan trong xem xét, nhận định về các sự kiện, vấn đề giáo dục một cách chính xác, trung thực,toàn diện, công tâm, vì thông tin về giáo dục có ảnh hưởng mật thiết đến việc giữ gìn an ninh tư tưởng-văn hóa của quốc gia.

Thông tin phiến diện, sai lệch về giáo dục cũng là biểu hiện suy thoái

Ít có lĩnh vực nào được xã hội, người dân quan tâm như lĩnh vực giáo dục. Cũng ít có hoạt động nào mà lại liên quan mật thiết đến mọi người, mọi nhà như hoạt động giáo dục. Nói đến giáo dục là nói đến triển vọng và trăn trở của một đời người, tương lai và nỗi lo của cả gia đình, tiền đồ và thử thách của toàn dân tộc.

Triển vọng, tương lai, tiền đồ lớn hay nhỏ; trăn trở, nỗi lo, thử thách nhiều hay ít của nền giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố tuy vô hình nhưng lại có tác động đến sự ổn định, phát triển của giáo dục, đó chính là niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục.

Vậy, đâu là yếu tố then chốt để giáo dục tạo dựng, thu hút, lan tỏa niềm tin trong xã hội? Chắc chắn đó chính là những chuyển biến đồng bộ, những kết quả tiến bộ, những thành tích rõ nét trong lĩnh vực giáo dục từ bậc mầm non đến đại học; từ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đến các hoạt động dạy, học, kiểm tra, thi, đánh giá kết quả, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo. Một thành quả đáng ghi nhận là trong hai năm học gần đây (2017-2018 và 2018-2019), 100% thí sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế các môn Vật lý, Toán học, Hóa học, Sinh học, Tin học đều đoạt huy chương.

Năm học 2018-2019, Việt Nam lần đầu tiên có hai đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được vào top 1.000 đại học hàng đầu thế giới và 7 đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu châu Á.

Cả nước hiện có gần 550 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài giữa 85 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 258 cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Con số định lượng bao giờ cũng dễ nhìn nhận, nhưng giá trị định tính thì không dễ “cân đong đo đếm”, nên có ý kiến cho rằng, giáo dục Việt Nam vẫn lạc hậu, chưa theo kịp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới.

Do chỉ nhìn thấy một số hiện tượng tiêu cực xảy ra trong thời gian qua, như: Lạm thu, bạo lực học đường, gian lận thi cử… trong giáo dục, nên có ý kiến nhận định ngành giáo dục liên tiếp bị rơi vào trạng thái “khủng hoảng truyền thông” khiến cho giáo dục Việt Nam vẫn ở tình cảnh loay hoay tìm lối thoát (!).

Tiếc thay, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề như vậy chưa công bằng, thấu đáo. Chưa công bằng ở chỗ là chỉ nhìn một số hiện tượng tiêu cực, bất cập trong hoạt động giáo dục rồi phủ nhận những nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục.

Chưa thấu đáo ở chỗ là mới nhìn bề mặt mà chưa đánh giá đúng bản chất, chiều sâu vấn đề giáo dục ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ, nhiều phương diện.

Vốn là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới giáo dục đã xuất hiện nhiều ý kiến phong phú, đa chiều, thậm chí có cả những tranh luận, phản biện đến mức “nảy lửa”.

Điều đáng nói ở đây là cái tâm, cái tầm của người tham gia ý kiến, phản biện. Nếu người có tâm đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng, giàu tri thức và am hiểu về lĩnh vực, chuyên ngành tham gia tranh luận, góp ý trên tinh thần thiện chí, xây dựng vì lợi ích chung, thì chắc chắn đó là những “lời nói gói vàng”.

Còn những ai chạy theo bề nổi của dư luận, thích nổi tiếng trong đám đông bằng những phát ngôn trái chiều, chưa tìm hiểu cặn kẽ, thấu đáo vấn đề phản biện rồi vội vàng đưa ra ý kiến, phát biểu theo cảm tính chủ quan, thì dễ làm dư luận hiểu sai lệch bản chất vấn đề, gây nhiễu thông tin và không có lợi cho việc củng cố, tăng cường sự đồng thuận xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Việc “thông tin phiến diện, một chiều, thổi phồng khuyết điểm” về tình hình đất nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục, cũng là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra.

Truyền thông đúng mực, khách quan về giáo dục là góp phần giữ vững an ninh tư tưởng - văn hóa

Thực tế cho thấy, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội khi tiến hành đổi mới đều không bao giờ trơn tru, bằng phẳng. Giáo dục không những không nằm ngoài quy luật chung đó, mà còn chịu sự đánh giá, giám sát nghiêm ngặt, khắt khe hơn của dư luận xã hội và mọi người, mọi nhà.

Điều này dễ hiểu, bởi bất cứ sự đổi mới nào của giáo dục cũng ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh, hàng triệu gia đình, hàng triệu phụ huynh. Vì vậy, nếu đổi mới mà không thận trọng, không có lộ trình thích hợp, bước đi cụ thể, giải pháp khả thi, sát thực tế, thì đổi mới giáo dục dễ tạo ra những cú vấp, thậm chí cú sốc cho xã hội.

Trong khi sự kỳ vọng, mong đợi của toàn xã hội vào sự chuyển biến toàn diện của ngành giáo dục rất lớn, thì việc đầu tư nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) cho “nhiệm vụ quốc sách hàng đầu” lại chưa tương xứng, ngang tầm.

Trong khi mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh luôn khát khao giáo dục phải sớm làm thay đổi tương lai cho bản thân, con em, gia đình họ, thì tính chất, đặc điểm, yêu cầu của đổi mới giáo dục lại không được phép nóng vội, chủ quan, đốt cháy giai đoạn.

Vì thực tiễn chỉ ra rằng, nếu nhiều nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm khoa học khác có thể làm tắt, thì riêng đối với khoa học giáo dục phải làm rất công phu, thận trọng và đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên trì, bởi nó liên quan đến nhiều thế hệ và sự thịnh suy, hưng vong của cả quốc gia dân tộc.

Ngành giáo dục đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức vì những bất cập từ cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ căn cơ và cả những vấn đề tồn tại từ lâu mà không dễ bề giải quyết trong một sớm một chiều.

Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có sự sẻ chia, chung tay góp sức của toàn xã hội. Vì không có lĩnh vực nào mà lại đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong xã hội như lĩnh vực giáo dục. Ở đâu có con người, có tổ chức, có hoạt động là ở đó có giáo dục.

Mặt khác, bản chất của giáo dục là một quá trình liên tục từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế khác.

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (Hồ Chí Minh). Trồng cây ít thì đôi ba năm, dài hơn thì dăm bảy năm, mươi năm là có thể ra hoa kết trái và cho thu hoạch. Nhưng “trồng người” phải kéo dài cả trăm năm, nghĩa là không ngưng nghỉ, không ngắt quãng, mà phải thường xuyên, bền bỉ trao truyền, bồi đắp những tri thức, giá trị mới mà nhân loại đã, đang tạo ra qua từng ngày, từng tháng thì mới có thể đào tạo được một thế hệ con người làm chủ được đất nước, xã hội và xu hướng phát triển của nhân loại.

Phải khẳng định rằng, khát vọng, mong muốn của nhân dân và xã hội vào sự chuyển biến tiến bộ của sự nghiệp giáo dục là rất chính đáng. Điều đáng nói ở đây là, mọi mong muốn, khát vọng phải dựa trên cơ sở hiện thực khách quan của nền giáo dục nói riêng, của điều kiện kinh tế-xã hội đất nước nói chung mới có thể nhìn nhận, đánh giá những vấn đề của giáo dục một cách đạt lý, thấu tình.

Dù chưa hẳn hài lòng với những gì ngành giáo dục đã và đang có, nhưng trước khi cầm bút, gõ phím bàn về giáo dục, mỗi chúng ta, trước hết là cán bộ, đảng viên rất cần một “cái đầu lạnh” trong việc xem xét, nhận định về các sự kiện, vấn đề giáo dục một cách trung thực, công tâm, khách quan, vì thông tin về giáo dục có ảnh hưởng mật thiết đến việc giữ gìn an ninh tư tưởng-văn hóa của quốc gia.

Xã hội đặt niềm tin tưởng lớn lao vào ngành giáo dục không chỉ muốn gửi gắm những giá trị tốt đẹp cho tương lai dân tộc, mà còn như muốn thúc giục, nhắc nhở những người làm công tác giáo dục càng phải nỗ lực làm tốt hơn nữa trọng trách cao cả, phận sự lớn lao của mình trước đất nước, nhân dân. Nhưng niềm tin nào cũng rất cần đặt đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực, chứ không nên có niềm tin thái quá, vì khi tin gì thái quá dễ làm người trong cuộc thiếu tỉnh táo, thấu đáo khi nhận định, đánh giá những vấn đề, sự kiện giáo dục, nhất là những vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm.

Khi nhìn nhận, thông tin khách quan, truyền thông đúng mực về giáo dục là chúng ta góp phần động viên, khích lệ hơn 1,2 triệu giáo viên và hơn 22 triệu học sinh giữ vững niềm tin, nhân lên khí thế tích cực trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, góp phần thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới giáo dục để phấn đấu xây dựng nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

Theo qdnd.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.