Cần nhân rộng mô hình tủ sách phụ huynh

GD&TĐ - Mô hình tủ sách phụ huynh được triển khai từ tháng 5/2010 tại Trường THCS An Dục (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) từ sáng kiến “Sách hóa nông thôn ở Việt Nam” của anh Nguyễn Quang Thạch.

Cần nhân rộng mô hình tủ sách phụ huynh

Đến nay, tủ sách phụ huynh có mặt ở nhiều trường học ở tỉnh Thái Bình và nó đóng góp rất lớn trong việc nâng cao kiến thức, sự hiểu biết cho học sinh.

Tủ sách phụ huynh từ nguồn xã hội hóa

Tủ sách do phụ huynh học sinh và anh Nguyễn Quang Thạch tài trợ kinh phí mua sắm sách, học sinh tự quản lý tủ sách. Tới tháng 1/2014, mô hình này đã được Sở GD&ĐT Thái Bình nhân rộng ra toàn tỉnh. 

Tới nay, đã có hơn 4.000 tủ sách phụ huynh được xây dựng tại địa phương, mỗi học sinh đọc ít nhất 5 đầu sách một năm học, nhiều gấp 5 lần trước đây. Tại nhiều trường học, mỗi học sinh đọc từ 20 - 30 đầu sách một năm học.

Chia sẻ về phát triển tủ sách phụ huynh, Trưởng phòng GD&ĐT Quỳnh Phụ, thầy Lại Cao Hạnh cho biết: Huyện Quỳnh Phụ thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và phát triển thư viện. 

Từ 78 thư viện nhà trường, năm 2005 đã xây dựng thêm 38 tủ sách của Trung tâm HTCĐ. Thế nhưng đến năm 2012 toàn huyện có thêm 900 tủ sách ở lớp học, 23 tủ sách dòng họ, 9 không gian đọc. 

Còn hiện nay, toàn huyện đã có 1.055 thư viện và tủ sách phụ huynh với tổng số hơn 24 vạn đầu sách. Bình quân mỗi người dân có 1 bản sách, mỗi học sinh có 7 bản sách ở thư viện công cộng.

Thầy Nguyễn Văn Chanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Phong (huyện Thái Thụy) cho biết: Trước khi chưa có tủ sách phụ huynh, bình quân một học sinh chỉ đọc khoảng 3 cuốn sách/năm. 

Nhưng từ tháng 3/2013, khi xây dựng tủ sách phụ huynh thành công, mỗi lớp có một tủ sách với khoảng 180 đầu sách, thì tỉ lệ này đã tăng lên 8,5 cuốn sách/học sinh/năm học.

Hiệu trưởng Trường THCS An Dục, thầy Nguyễn Văn Dương rất tâm đắc với hoạt động xây dựng tủ sách phụ huynh trong nhà trường. Năm 2010 bắt tay vào xây dựng tủ sách lớp, lớp đầu tiên tủ sách có 169 cuốn, 100% kinh phí do phụ huynh đóng góp. 

Kết quả cho thấy học sinh rất thích đọc, háo hức đọc sách vào giờ ra chơi hoặc ngày nghỉ cuối tuần được mượn sách mang về nhà đọc. 

Do đó, chỉ 5 tháng sau từ tủ sách đầu tiên, trường mở rộng tủ sách ở 8 lớp học với 872 cuốn, với tổng tiền xã hội hóa gần 20 triệu đồng. Đến nay, toàn trường có 21 tủ sách, trên 30.000 cuốn. Điều quan trọng là từ bình quân 0,5 cuốn sách/học sinh/năm học nay thống kê khoảng 30 cuốn/học sinh/năm.

Cuốn hút học sinh đọc sách

Đến nay, trên cả nước đã xây dựng được trên 4.700 tủ sách phụ huynh (điển hình là Thái Bình: 4.000 tủ sách; Nam Định: 400 tủ sách; Bắc Giang: 86 tủ sách; Nghệ An: 70 tủ sách...). Việc làm này đã giúp cho 150.000 học sinh nông thôn được đọc sách để trau dồi thêm kiến thức, không bị thiệt thòi so với học sinh thành phố.

Ghi nhận tại cơ sở cho thấy, để quản lý tốt các tủ sách phụ huynh, Ban Giám hiệu chỉ đạo việc đọc sách trở thành nếp sống, văn hoá đọc, lôi kéo học sinh đam mê đọc sách, đọc sách trở thành thói quen. 

Mỗi lớp có một tổ thư viện, có cô giáo và học sinh quản lý cho học sinh mượn đọc sách tại lớp hoặc mang về nhà cuối tuần. 

Nhờ thế, tủ sách phụ huynh đã thay đổi văn hóa đọc cho học sinh, thậm chí phụ huynh cũng mượn sách đọc. Bản thân các em học sinh tự nguyện và tự giác đọc sách, được đọc mọi lúc mọi nơi, mang về nhà đọc sách. 

Nhà trường yêu cầu các em viết lên cảm nghĩ và cảm tưởng mỗi khi đọc xong sách. Sau một tháng nhà trường luân chuyển tủ sách giữa các lớp học. 

Khi tiến hành khảo sát tại lớp 8E Trường THCS Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ (Thái Bình), trong tháng 9, học sinh đọc nhiều nhất được 8 cuốn sách, em ít nhất là 4 cuốn.

Đọc sách đã trở thành sở thích, là niềm đam mê của học trò quê lúa trong những năm qua. Bên cạnh đó còn giáo dục kỹ năng sống và bổ trợ kiến thức cho các em. 

Nhà trường thấy học sinh bạo dạn, kỹ năng giao tiếp và ứng xử tốt. Viết văn hay hơn, ngoài việc tổ chức việc đọc ở lớp, nhiều trường đã dành giờ chào cờ thứ Hai hàng tuần tổ chức cho học sinh giao lưu kể chuyện, đóng kịch.

Văn hóa đọc là một phần không thể thiếu, góp phần làm nên nhân cách của mỗi người trong thời đại của sự bùng nổ thông tin và các thành tựu của khoa học và công nghệ. 

“Không có sách thì không có tri thức”, mỗi người chúng ta ngoài việc học ở đời, học từ mọi người xung quanh thì học từ sách, báo và các tài liệu khác là không thể thiếu. 

Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài – nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công.

Hiệu quả từ tủ sách phụ huynh không thể cân đong, đo, đếm được

Tôi là giáo viên chủ nhiệm gắn bó với tủ sách phụ huynh ngay từ khi ra đời. Tôi trực tiếp cùng học sinh tham gia quản lý sách. Tủ sách phụ huynh đem lại nhiều hiệu quả: 

Thứ nhất, học sinh được tự do đọc nhiều sách, vào bất cứ lúc nào. Các em cần đọc quyển nào là mượn ngay thủ thư của lớp, ghi vào danh sách là được mượn luôn, không rườm rà, mất nhiều thời gian như lên thư viện. Do đó, bất cứ lúc nào có thời gian các em đều được mượn sách. 

Thứ hai, tủ sách do chính phụ huynh đầu tư nên đã chọn sách đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh, phù hợp với lứa tuổi. Học sinh đưa ra danh mục sách mình yêu thích để chọn mua. 

Một điều hay nữa là khi học sinh lên lớp trên lại tặng lại tủ sách cho các em lớp dưới. Tủ sách còn được bổ sung từ nhiều nguồn như xã hội hóa, sách tặng...

Thông qua đọc sách, kỹ năng sống của học sinh được nâng cao. Học sinh không còn rụt rè mà mạnh dạn giao tiếp với người lạ. 

Ngoài ra, các em được trau dồi kiến thức văn học, kiến thức bổ trợ các môn học. Học sinh sống với nhau nhân ái, có nhiều sáng kiến từ đọc sách như sáng tác, dàn dựng lại câu chuyện đã đọc, xây dựng kịch, vở diễn... theo hình thức sân khấu hóa sách đọc.

Các em đã có thói quen đọc sách, kết quả học tập được nâng cao. Các em rất tự chủ, tự tìm tòi, tự khám phá, tự học từ chính việc đọc sách của mình. 

Điều này đã tác động đến chính phương pháp dạy học của giáo viên. Bản thân chúng tôi phải chủ động, tìm tòi, theo chiều hướng mà các em mở rộng trong kiến thức của các con học sinh, từ đó đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của học sinh từ thói quen đọc sách.

Dương Lệ Nga

(Nguyên GV Trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ