Hà Nội sắp chặt hạ, di chuyển gần 2.000 cây xanh để thực hiện dự án mở rộng lòng đường - Ảnh minh họa
Đề nghị dừng chặt hạ 2.000 cây xanh
UBND TP. Hà Nội vừa thông qua quyết định cho phép Sở GTVT Hà Nội thực hiện việc xén vỉa hè và dải phân cách để mở rộng lòng đường trên 15 tuyến phố thuộc 12 quận.
Theo đó, để thực hiện việc xén vỉa hè, dài phân cách, Sở GTVT cần di chuyển khoảng 1.900 cây xanh; 820 cột đèn chiếu sáng và các công trình ngầm, nổi nằm trong phạm vi thi công. Các loại cây được di dời theo hình thức đánh chuyển gồm: bằng lăng, chẹo, hoa sữa, lát hoa, muồng, phượng, sấu, thàn mát, và nước, xà cừ... Với các cây bị sâu bệnh hoặc hình dáng, phát triển không bình thường sẽ được chặt bỏ.
Liên quan đến việc di chuyển số cây xanh trên, Quỹ Hỗ trợ & Phát triển Cộng đồng Sống bền vững vừa có thư gửi UBND TP và Sở GTVT Hà Nội đề nghị khẩn cấp ngừng triển khai và công bố thông tin dự án di dời cây xanh tại Hà Nội.
"Việc tạm ngưng triển khai dự án và minh bạch các thông tin sẽ tạo điều kiện để các chuyên gia, các tổ chức và tham gia phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả", Quỹ này cho biết.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, thực tế có đến 60-70% cây già, thậm chí là những cây 5-7 năm tuổi sau khi bị di chuyển đều khó sống sót. Hoặc nếu sống được cũng rất khó phát triển, gây tốn kém và lãng phí. Do đó, việc di dời cây xanh cần được đánh giá kỹ, chỉ nên di dời trong những trường hợp đường quá hẹp, vướng lối đi, che khuất đèn giao thông. Khi chuyển cây xanh đi cũng phải tính đến phương án, lộ trình bù vào các mảng xanh, bổ sung bằng những loại cây hợp lý, có độ bao phủ tốt, đảm bảo mỹ quan.
Theo một chuyên gia về môi trường đô thị, cây xanh từ xưa đến nay luôn được coi là "lá phổi" của trái đất. Cây xanh cung cấp một lượng lớn oxy cho con người thở. Trung bình một cây xanh có hể cung cấp đủ lượng oxy cho 4 người. Đồng thời, chúng cũng hấp thụ C02, amoniac, S02, Nox, bụi bẩn... từ đó làm giảm các các khí độc hại bị thải ra môi trường, giúp không khí trở nên trong lành hơn.
"Do đó, trên các tuyến đường giao thông, cây xanh càng trở nên cần thiết để giúp giảm nhiệt độ đường phố do chúng hấp thụ khói độc thải ra từ xe cộ, quán ăn, bụi bẩn nhà máy, rác thải", chuyên gia này lý giải.
Chia sẻ với Báo Giao thông về việc xén vỉa hè, dải phân cách và di chuyển cây xanh mà Hà Nội đang thực hiện, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN cho rằng, việc này cần xem xét, nghiên cứu thấu đáo. Không phải tuyến đường nào cũng thực hiện được. Dải phân cách và vỉa hè là một trong những hạng mục hình thành một tuyến đường. Chính vì vậy, trên các tuyến đường đô thị rất cần có dải phân cách, vỉa hè. Cấp đường nào sẽ có quy mô dải phân cách, vỉa hè tương ứng. Đơn vị sử dụng, vận hành không thể tùy ý thay đổi.
Đánh giá về việc Sở GTVT Hà Nội vừa xén quỹ đất trên một số tuyến để mở rộng đường, TS. Long cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, sau này các dự án vận tải công cộng triển khai hay có các dự án xây cầu vượt, đường trên cao, các tuyến đường trên lại sẽ phải trả đất trở lại. “Như vậy, việc chi rất nhiều tỷ đồng cho việc xén dải phân cách mà đường vẫn tắc, sau có dự án lại phải trả lại sẽ gây lãng phí”, TS. Long nói.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, việc chặt hạ, di chuyển cây xanh để mở đường gây lãng phí, nhiều cây lâu năm sẽ có khả năng sống sót thấp.
Số cây xanh này chuyển về đâu?
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Đơn vị được Sở GTVT Hà Nội giao thực hiện xén dải phân cách, vỉa hè) cho biết, đang phối hợp với Ban Duy tu Sở Xây Dựng và Công ty công viên cây xanh Hà Nội để đánh chuyển số cây xanh trên về bãi ươm trồng chăm sóc. Khi cây khỏe sẽ di chuyển về các tuyến đường có kế hoạch trồng.
"Gần 2.000 cây xanh trên đa phần là các cây nhỏ, có đường kính thân dưới 20cm, có thuốc kích rễ nên khả năng sống khi di chuyển khoảng hơn 80%", vị đại diện này nói.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hiện lưu lượng giao thông trên nhiều tuyến đường quá tải, lòng đường hẹp khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. Do đó Hà Nội dự kiến rà soát hơn 40 tuyến đường để kiến nghị xén dải phân cách, vỉa hè mở rộng lòng đường cho các phương tiện lưu thông.
Liên quan đến việc chặt hạ di chuyển gần 2.000 cây xanh khi triển khai các dự án xén dải phân cách, vỉa hè ông Tuấn khẳng định, trước khi thực hiện đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các bên liên quan, trong đó có cả các công ty chuyên chăm sóc nuôi dưỡng cây xanh. "Khi di chuyển số cây xanh này, các đơn vị đều phải cam kết đưa về vườn ươm, đảm bảo cây sống khỏe không gây lãng phí", ông Tuấn nói.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Sở Xây dựng Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Sở Tài chính thành phố nêu rõ giao Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tiếp nhận tại vườn ươm để chăm sóc gần 2.000 cây xanh di chuyển để (thực hiện xén dải phân cách, vỉa hè) mở rộng lòng đường.
Theo đó, đối với cây xanh khi di chuyển sẽ được trồng lại vào các vị trí khác nhau để tăng hiệu quả sử dụng cây xanh, tạo cảnh quan và tránh lãng phí. Đối với các cây còn ít giá trị sử dụng sẽ tổ chức chuyển về trồng cố định tại nút giao thông lớn của thành phố. Riêng với cây hoa sữa (với khối lượng lớn) sẽ tổ chức chuyển về trồng cố định tại khu vực vùng ảnh hưởng 500m của khu xử lý chất thải Xuân Sơn.