Cần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa

Cần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa

(GD&TĐ) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng quy mô cung – cầu của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.

Hiện nay, tỷ trọng hàng Việt được tiêu thụ đã tăng lên rõ rệt, chiếm từ 70% - 90% lượng hàng hóa kinh doanh trong hệ thống bán lẻ hiện đại.

Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm nay, tổng hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.917,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kinh doanh thương nghiệp đạt 1.478,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 16,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 187,5 tỷ USD, tăng 12,5 % so với cùng kỳ năm 2011, trong đó xuất khẩu đạt 93,8 tỷ USD, tăng 18,9% và nhập khẩu đạt 93,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với 10 tháng năm 2011.

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt tại các vùng nông thôn khu vực ngoại thành, người dân đã bắt đầu quen và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.

Tổng kết của Công ty nghiên cứu thị trường, định hướng (FTA) cho thấy, hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Còn theo số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; TP. Hà Nội là 83%, trong đó có 59% người tiêu dùng mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt; 38% người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh thành phố, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng và nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngày càng có nhiều người Việt Nam lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam
Ngày càng có nhiều người Việt Nam lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam (ảnh: Đức Trí)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội: “Việc đưa hàng Việt vào trong hệ thống bán lẻ hiện đại còn gặp nhiều khó khăn khi hệ thống bán lẻ hiện đại phân bố chưa đồng đều. 80% hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, việc tiếp cận thị trường nông thôn còn nhiều hạn chế”.

Ngoài ra, theo Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện các cơ chế chính sách, giải pháp trong quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất lưu thông phân phối và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa hoàn thiện, đặc biệt là công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm v.v… gây ra những băn khoăn lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Mặt khác, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học – Công nghệ của nhiều doanh nghiệp còn có hạn, dẫn tới gặp nhiều khó khăn đầu tư phát triển theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng khoa học – công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và dịch chuyển đầu tư theo chiều rộng, sử dụng nhiều vốn, đất đai, tài nguyên và sức lao động. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, không có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, thông tin, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng.

Do vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh, dịch vụ cần không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, phát triển và mở rộng thị trường nội địa, xây dựng văn hóa tiêu dùng của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển hệ thống phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến hệ thống bán lẻ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để sản phẩm và hình ảnh đến gần hơn nữa với người tiêu dùng. Phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2015 là: 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công; 90% các cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc xuất sứ hàng hóa.

Hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giảm 50% so với năm 2012.

90% số xã ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cửa hàng bán hàng Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và 80% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa thương hiệu Việt, trong đó 100% cán bộ lãnh đạo các cấp gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ