Cần một đơn vị hậu kiểm độc lập về tỉ lệ sinh viên có việc làm

GD&TĐ - Không thể nói một cơ sở giáo dục đại học uy tín mà tỉ lệ có việc làm của sinh viên thấp...

Sinh viên ngành CNTT, Trường ĐH Tài chính – Marketing học tập tại doanh nghiệp.
Sinh viên ngành CNTT, Trường ĐH Tài chính – Marketing học tập tại doanh nghiệp.

Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018 - 2021 của Bộ GD&ĐT (trừ năm 2019), tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp luôn trên 90%. Đặc biệt, nhóm ngành nghề ít “hot” thuộc lĩnh vực môi trường, nông - lâm - thủy sản dẫn đầu về tỉ lệ sinh viên có việc làm.

Ngành học khó tuyển, cơ hội việc làm lớn

Báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT cho thấy lĩnh vực môi trường, nông - lâm - thủy sản dù tuyển sinh rất khó khăn (chỉ hơn 50% chỉ tiêu) nhưng tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp luôn đứng tốp đầu, từ 92 -96,3%. Nhóm ngành nghề dịch vụ xã hội, nghệ thuật, máy tính và công nghệ thông tin cũng luôn nằm trong tốp đầu với tỉ lệ từ 91,8 – 95,5%.

TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, nhìn nhận: Tình trạng thất nghiệp sau khi đào tạo vẫn tồn tại nhưng đã dần tiết giảm theo từng năm. Số sinh viên tốt nghiệp làm việc đúng ngành nghề đào tạo ngày một cao hơn. Để đánh giá chất lượng một cơ sở giáo dục đại học có nhiều tiêu chí khác nhau nhưng xét ở góc độ thị trường lao động, chỉ số tín nhiệm xã hội thì tiêu chí quan trọng vẫn là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Không thể nói một cơ sở giáo dục đại học uy tín mà tỉ lệ có việc làm của sinh viên thấp. Thực tế ở Việt Nam tỉ lệ này ở một số lĩnh vực đào tạo chưa cao. Nguyên nhân có từ cả phía cơ sở đào tạo và thị trường lao động. Trong đó, về phía đào tạo chưa đáp ứng hết các yêu cầu của doanh nghiệp, nhiều kỹ năng mà doanh nghiệp cần mà sinh viên không đáp ứng được.

Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, dù số lượng không nhỏ nhưng hiệu quả chưa cao. Về thị trường lao động, thực tế cho thấy số vị trí việc làm mới được tạo ra hàng năm thường thấp hơn số sinh viên ra trường....

Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trong một giờ học.

Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trong một giờ học.

“Việt Nam hiện có trên dưới 50 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó riêng người có trình độ đại học chiếm xấp xỉ 12%. Số người trong độ tuổi đến trường học đại học ở Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới. Tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam những năm vừa qua không cao, chỉ 2 - 4%. Tỉ lệ thất nghiệp theo thống kê thấp không phải nhiều trường không làm sát mà thực tế người Việt Nam xuất khẩu lao động ra nước ngoài tìm việc làm những năm qua vẫn cao”, TS Phạm Như Nghệ cho biết.

Nhìn nhận thực trạng trên, bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TPHCM, cho biết: Năm 2022, báo cáo cho thấy sự thiếu liên kết giữa sinh viên tốt nghiệp và kỹ năng mà thị trường lao động đang đòi hỏi là khá rõ, việc đó gián tiếp khiến các doanh nghiệp cũng gặp khó khi phải đào tạo lại. Vì vậy, bà cho rằng nhà trường cần hành động để giảm bớt sự khác nhau này.

“Mỗi trường đại học là duy nhất nên không có cách tiếp cận nào cho tất cả. Từ kinh nghiệm của Úc, chúng tôi cho rằng không có cách duy nhất nào thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp nên các trường cần suy nghĩ cách để thu hút doanh nghiệp về với nhà trường… Chúng ta cần suy nghĩ sáng tạo và cởi mở về sự phát triển trong tương lai”, bà Sarah Hooper nói.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ quan điểm của bà Sarah Hooper và thống kê của Bộ GD&ĐT, TS Phạm Như Nghệ cho rằng, các trường đại học phải chủ động và thực chất hơn trong việc kết nối doanh nghiệp. Chúng ta cứ kêu ca các doanh nghiệp không ủng hộ cao cho các trường đại học nhưng cũng cần nghĩ đến quyền lợi của các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động này.

“Ở Nhật Bản, các doanh nghiệp họ chủ động tìm đến các trường đại học vì ở đấy sự hợp tác với các trường ngoài việc mang lại nguồn nhân lực chất lượng, song hành thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Ngược lại ở Việt Nam thì các trường phải tìm đến các doanh nghiệp nhưng sự hợp tác vẫn lỏng lẻo, vẫn chỉ ở bề mặt nên sự hợp tác này dù rất nhiều nhưng “chất” lại không bao nhiêu” – TS Nghệ cho biết.

Cần hơn chất lượng từ các cuộc khảo sát

Mặc dù, Chính phủ có quy định các bộ, ngành, địa phương phải có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, tổng hợp và phân tích nhu cầu nguồn nhân lực từng nhóm ngành nghề của địa phương để công tác đào tạo của các trường đại học gần và sát với nhu cầu thực tế hơn. Tuy vậy, theo đại diện Bộ GD&ĐT, gần như các trường đại học rất khó tìm được số liệu này để thay đổi chương trình đào tạo và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động và yêu cầu mới.

Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, chính việc thiếu sự “khớp nối” giữa nhu cầu thật và đào tạo đã khiến cho một thời hai hoạt động này không tìm được tiếng nói chung khiến cho sinh viên tốt nghiệp nhiều ngành nghề không tìm được việc làm, dẫn đến tình trạng dư thừa lao động một cách cục bộ.

Sinh viên HUTECH tìm kiếm việc làm tại Ngày hội kết nối doanh nghiệp và việc làm do trường tổ chức.

Sinh viên HUTECH tìm kiếm việc làm tại Ngày hội kết nối doanh nghiệp và việc làm do trường tổ chức.

Để giải quyết vấn đề này, TS Phạm Như Nghệ cho biết từ 2016, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hằng năm khảo sát và báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên trong vòng 12 tháng sau khi được công nhận tốt nghiệp. Kết quả khảo sát phải cập nhật được sinh viên có làm đúng với ngành nghề đào tạo hay không, mức lương thực nhận có duy trì và ổn định hay không? Bộ GD&ĐT sẽ hậu kiểm rồi từ đó mới giao trường xác định chỉ tiêu đào tạo.

Đánh giá về hoạt động hợp tác doanh nghiệp với trường đại học, cũng như thúc đẩy hiệu quả việc làm cho sinh viên từ hoạt động kết nối này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, các trường đại học cần nâng cao chất lượng hợp tác với doanh nghiệp ở mọi mặt ngay từ đầu. Kể từ lúc xây dựng chương trình đào tạo các doanh nghiệp phải được tham gia góp ý. Khi triển khai đào tạo các trường cũng phải gắn kết chặt chẽ trong việc hợp tác sử dụng phòng thí nghiệm cho sinh viên tiếp xúc thực tế, thực tập.

Theo Thứ trưởng, các hoạt động hợp tác, kết nối ban đầu giữa nhà trường – doanh nghiệp thời gian qua khá tốt. Nhưng cái chính là sự kết nối này chưa sâu và bền vững theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Bởi thực tế hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong nghiên cứu ứng dụng chuyển giao và hỗ trợ khởi nghiệp chưa mạnh. Việc nghiên cứu chuyển giao và thành lập doanh nghiệp của các trường đại học hiện vẫn còn hạn chế. Chính hai “điểm nghẽn” trên chưa được giải quyết đồng bộ nên hoạt động hợp tác doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra việc làm đúng chuyên môn đào tạo vẫn chưa như kỳ vọng.

Hiện trạng tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp ở các trường cao ngất ngưởng là có thật. Các con số này tới nay vẫn chưa có một bộ công cụ hậu kiểm chính xác nhất. Vì vậy, theo TS Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Đại Việt, để các con số công bố thực chất, thỏa mãn lòng tin của xã hội ở tầm vĩ mô, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cần xây dựng dữ liệu về thực trạng việc làm sinh viên sau tốt nghiệp.

Bộ dữ liệu này có thể bao gồm các chỉ số: Tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp, làm đúng chuyên ngành được đào tạo, mức thu nhập bình quân, loại hình tổ chức/công ty đang làm việc, mức độ hài lòng với công việc hiện tại...

“Việc quan trọng nhất bây giờ theo tôi là cần sớm thành lập một đơn vị tổ chức khảo sát bộ dữ liệu này. Đơn vị đó có thể do chính bản thân trường đại học lập ra, tuy nhiên, tốt hơn cả nên do cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ GD&ĐT, Tổng cục Thống kê hoặc Bộ LĐ-TB&XH) hoặc các đơn vị dân sự như hiệp hội các trường đại học, công ty về giới thiệu việc làm lập ra.

Khi chúng ta có được bộ thang đo, dữ liệu chung, một đơn vị hậu kiểm độc lập, với các chỉ số được minh bạch rõ ràng (bất cứ ai cũng có thể xem được) nó sẽ giúp cho sinh viên tham khảo và biết bức tranh “định lượng” về ngành, nghề tương lai mà mình định chọn sẽ như thế nào. Với các nhà khoa học, bộ dữ liệu này sẽ là “chất liệu” tốt cho họ đưa ra dự báo, phân tích về thực trạng giáo dục, vấn đề việc làm cho các nhà hoạch định chính sách và sinh viên tham khảo để điều chỉnh xu hướng đào tạo”, TS Lê Lâm nói.

Năm 2021, khảo sát 130 cơ sở đại học, bình quân mỗi trường đại học chúng tôi thấy có hợp tác tới hơn 60 doanh nghiệp khác nhau. Nhưng hiệu quả hợp tác chưa cao, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc các trường liên hệ doanh nghiệp đưa sinh viên đến thực tập. Các doanh nghiệp thường kêu thời lượng học lý thuyết nhiều thực hành ít nên khi ra trường thường sinh viên không tiếp cận được các yêu cầu của doanh nghiệp. - TS Phạm Như Nghệ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin đăng nhân viên kho tuyển dụng tại Vieclam24h tư vấn du học Tìm kiếm 24h việc làm hiệu quảWeb làm cv online uy tín