Không phải chuyện dễ
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết: Câu chuyện 3 trẻ bị bỏng ở Hà Nam là hồi chuông cảnh báo cho mọi người và cho các cơ sở GD trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ. Việc làm của các cô giáo thể hiện sự tùy tiện trong các cơ sở GD mà quên đi tính an toàn cho trẻ.
Là người có kinh nghiệm 12 năm nghiên cứu kỹ năng sống cho trẻ em, TS. Vũ Thu Hương, nguyên Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Dạy kỹ năng sống có tính đặc thù riêng. Yêu cầu quan trọng trong GD kỹ năng sống cho trẻ là vấn đề an toàn. Đây là môn học yêu cầu sự an toàn được đặt ra cao hơn các môn học khác. Nhiều nơi không hiểu rõ về khái niệm kỹ năng sống, không hiểu các vấn đề chúng ta đang đề cập, nhiều đứa trẻ bị đưa ra thí nghiệm.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ không dễ. (ảnh nguồn internet) |
TS Vũ Thu Hương cho biết: “Tháng 5 vừa rồi tôi đã cánh báo một chương trình cứu hỏa. Các anh cứu hỏa cho các cháu đốt thùng dầu và xịt. Với tư cách là nhà giáo dục, tôi nói rằng chắc chắn các em không làm được. Hiện tại, trong quá trình học, các anh đang đảm bảo sự an toàn cho trẻ, nhưng khi các em về nhà làm có an toàn không? Rất may cơ quan này đã chỉnh sửa và tiếp thu bài giảng.
Nhiều câu chuyện gần đây như vụ việc trường Getaway khiến phụ huynh lo sợ. Nguyên nhân quan trọng số một là cô giáo không có kiến thức về hỏa hoạn và các các kiến thức liên quan đến kỹ năng dạy hỏa hoạn.
Một điều nữa, các cô không biết về nguyên tắc an toàn, thoát hiểm. Nguyên tắc đầu tiên chúng ta phải an toàn trước mới giúp người khác thoát hiểm. Các cô dạy trẻ cứu lửa khi chưa hiểu cách cứu bản thân.
Giáo dục kỹ năng sống đang bị buông lỏng
Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hà, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh mong muốn con em mình có kỹ năng ngay từ khi còn nhỏ. Vì thế, đôi khi nhà trường nắm bắt được nhu cầu học kỹ năng sống của phụ huynh, nên đưa ra nhiều cơ sở đưa chương trình dạy kỹ năng sống để quảng cáo, thu hút học sinh.
Hiện nay hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm đang buông lỏng. Xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, các công ty dạy kỹ năng sống “trăm hoa đua nở”. Tình trạng các lớp dạy kỹ năng sống gom học sinh cho đủ lớp với nhiều độ tuổi khác nhau nên tính hiệu quả không cao, chất lượng kém.
Nhiều cơ sở GD, trung tâm kỹ năng không quan tâm đến điều đó. Về mặt quản lý nhà nước, dường như chúng ta đang buông lỏng quản lý hoạt động GD kỹ năng sống. Vì thế, trẻ em là người thiệt thòi nhất.
Cần có một chương trình thống nhất
TS Vũ Thu Hương cũng cho biết: Nhu cầu phụ huynh muốn cho con học kỹ năng khiến làn sóng cho con học kỹ năng sống khắp nơi. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều trung tâm GD kỹ năng sống ra đời.
Ảnh minh họa/nguồn internet |
Bắt đầu từ năm 2017, Bộ GD&ĐT quy định các trung tâm dạy kỹ năng sống phải được sự thẩm định chương trình của các viện nghiên cứu. Với một chương trình phải được thẩm định qua 7 chuyên gia. Tại các trung tâm GD kỹ năng sống đã có nhiều chỉnh sửa.
Theo yêu cầu của ngành GD, các GV mầm non và tiểu học muốn dạy kỹ năng sống phải có chứng chỉ dạy kỹ năng sống. Tuy nhiên sự kiểm định của các cơ sở hầu như chưa được thực hiện đều đặn.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc có chứng chỉ này cũng chưa đủ, trong thời gian tới chúng ta cần thay đổi hơn nữa việc cấp chứng chỉ cho GV dạy kỹ năng sống, bởi kỹ năng cần phải rèn luyện. Việc rèn luyện kỹ năng phải được thực hiện hàng ngày hàng giờ.
“Hiện nay các trung tâm dạy kỹ năng sống mọc lên như nấm. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần có một chương trình thống nhất về dạy kỹ năng sống. Khi chúng ta có một chương trình thống nhất, các trung tâm sẽ dạy theo một chương trình để tránh những vụ việc thảm họa xảy ra”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ.