Theo quy định của Bộ, đối tượng được tuyển thẳng vào đại học phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe; còn đối tượng được ưu tiên xét tuyển (nhiều người gọi là tuyển thẳng) được các trường nêu rõ trong đề án tuyển sinh riêng.
Nhầm lẫn tuyển thẳng với ưu tiên xét tuyển
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cho biết: Hiện nay, nhiều trường áp dụng phương thức tuyển sinh xét học bạ, kèm theo các tiêu chí khác nhau. Xét dưới góc độ tự chủ, mỗi trường có những vị thế riêng đối với xã hội. Đối với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, để đảm bảo chất lượng đầu vào được đồng đều, nhà trường dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Đây là thước đo chung và có độ tin cậy cao. Hiện tại, nhà trường chưa tính đến phương án xét tuyển theo học bạ của thí sinh.
Trao đổi về vấn đề tuyển thẳng, PGS.TS Bùi Đức Triệu chia sẻ: Về bản chất có hai đối tượng: Thứ nhất là tuyển thẳng theo quy định, quy chế của Bộ GD&ĐT. Thứ hai xét tuyển kết hợp. “Phương thức xét tuyển kết hợp được Trường ĐH Kinh tế Quốc dân áp dụng mấy năm nay. Đối tượng là các thí sinh tham dự cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn hạn... Tuy nhiên đó mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thì vẫn phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng” - PGS.TS Bùi Đức Triệu cho hay.
PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng, tuyển thẳng nên được hiểu là theo quy định của Bộ GD&ĐT, còn các trường hợp khác không nên sử dụng từ tuyển thẳng, dễ gây hiểu nhầm khái niệm, vì bản chất là các trường tuyển sinh theo đề án riêng của trường. Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chỉ tiêu tuyển thẳng được áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT; trường hợp ưu tiên khác, nhà trường không sử dụng từ “tuyển thẳng” mà gọi là: “Xét tuyển kết hợp”.
“Hiện nay, đang có sự nhầm lẫn khái niệm, nhầm lẫn giữa cái nôm na với chính tắc” - PGS Bùi Đức Triệu nói và cho rằng, chúng ta không nên quan ngại về chất lượng, và càng không nên cho đó là sự dễ dãi khi các trường sử dụng phương thức ưu tiên trong xét tuyển, bởi tất cả đều phải có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Mặt khác, xu hướng hiện nay là chuyển sang đại học đại chúng. Hơn nữa, các trường sẽ chú trọng đánh giá quá trình học tập. Ngoài ra, mỗi trường đều đặt ra một mục tiêu, vị trí thương hiệu của mình.
Giải pháp chống ảo
Làm quản lý một trường có thương hiệu, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), cho biết, đối tượng tuyển thẳng của nhà trường được áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT; các trường hợp khác sẽ ưu tiên xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng của nhà trường.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trước 17 giờ ngày 18/7, các trường tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh theo quy định, cập nhật danh sách trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và gửi kết quả xét tuyển thẳng cho các Sở GD&ĐT để thông báo cho thí sinh; báo cáo kết quả xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển về Vụ Giáo dục Đại học trước ngày 24/7.
TS Võ Thanh Hải cũng cho rằng, dư luận đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng. Tuyển thẳng là quy định “cứng” của Bộ GD&ĐT; còn ưu tiên xét tuyển là theo đề án tuyển sinh riêng của các trường. Theo đó, trong đề án tuyển sinh của trường phải ghi rõ chỉ tiêu là bao nhiêu phần trăm dành cho tuyển thẳng và bao nhiêu phần trăm dành cho ưu tiên xét tuyển.
“Ví dụ, nếu trường được ưu tiên xét tuyển 400 thí sinh thì chỉ lấy từ 1 đến 400. Năm nay, tất cả các thí sinh xét tuyển theo học bạ cũng phải cập nhật lên phần mềm để Bộ giám sát. Phương thức này sẽ chống được thí sinh trúng tuyển ảo” - TS Võ Thanh Hải chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những trường hợp xét tuyển theo học bạ thì chỉ là ưu tiên xét tuyển vào trường, không phải là tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Vì thế cần hiểu tường minh về vấn đề này.