Cần đổi mới tư duy trong GD đại học

Cần đổi mới tư duy trong GD đại học

(GD&TĐ) - Những năm gần đây, khi giáo dục đại học nước ta bắt đầu thực hiện các bước lộ trình hội nhập với thế giới thì đồng thời cũng xuất hiện nhiều vấn đề cần được đổi mới, để làm cho giáo dục đại học nước nhà có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Nguyên nhân có thể nhiều, nhưng cơ bản là một phần do hoàn cảnh khách quan của đất nước, nên trong thời gian dài giáo dục đại học của chúng ta chưa tìm ra điểm đột phá để đưa giáo dục đại học phát triển đi lên như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã từng làm.

Thời gian qua, trên các diễn đàn, nhiều nhà khoa học đã nói lên ý kiến của mình, cho rằng cần phải "đổi mới tư duy giáo dục" cũng là có cơ sở. Bởi căn cứ vào những biểu hiện trong giáo dục đại học suốt hai thập niên gần đây chúng ta dễ dàng có thể nhận diện được bản chất của tư duy giáo dục đại học mang đậm tính "bao cấp" đã bào mòn cá tính, không thể hiện rõ chủ thể tư duy dẫn đến đây đó xuất hiện "bệnh thành tích", đối phó… Chính vì thế chúng tôi cũng đồng tâm nhất trí cho rằng: một trong những nhiệm vụ hết sức cơ bản trước mắt và lâu dài của giáo dục đại học hiện nay của nước ta là cần phải đổi mới tư duy trong việc quản lý từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý... Trong đó cần phải tiến hành đổi mới đồng bộ một hệ thống các giải pháp sau:

Một là: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục theo hướng xây dựng và phát triển một nền giáo dục đại học mở, hiện đại phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về phương thức quản lý đối với giáo dục, Nhà nước, một mặt tập trung quản lý chặt chẽ về nội dung, chương trình tạo giáo trình, sách giáo khoa, chất lượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, mặt khá cho phép tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình giáo dục và đào tạo đối với tất cả các trường đại học trong cả nước. Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện nay cần cải tiến công tác quản lý theo hướng cho phép người học ghi danh vào tất cả các trường đại học (không hạn chế về số lượng và số năm theo học, miễn là người ghi danh có thể đáp ứng được các điều kiện tối thiểu như bằng tốt nghiệp cấp học trước đó, khả năng chi trả tài chính…), nhưng đồng thời quản lý thật chặt chẽ "đầu ra" để đảm bảo chất lượng đối với thương hiệu của các trường. Tất nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay không tránh khỏi sự phân hoá trong giáo dục. Đó là quy luật tất yếu có thể xảy ra với bất cứ một nền giáo dục nào đang trong quá trình chuyển đổi về cơ chế quản lý. Với chức năng định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước cần căn cứ vào những vấn đề phát sinh cụ thể mà đề ra chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho tất cả mọi người.

Đầu tư đồng bộ CSVC cho GD ĐH là yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo
Đầu tư đồng bộ CSVC cho GD ĐH là yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo

Hai là: Chú trọng công tác phát hiện và bồi dưỡng, giáo dục và đào tạo cán bộ quản lý và nhà giáo - một tiền đề quan trọng để hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao của các trường đại học. Quá trình tập hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên phải bắt đầu từ việc phát hiện ra sinh viên có năng khiếu. Công việc này phải được các trường đại học giao phó cho những người có trình độ chuyên môn cao, tận tụy vì công việc và đặc biệt phải có thái độ công tâm. Công việc đào tạo nhân tài phải được đầu tư thoả đáng, tập trung các chuyên gia có kinh nghiệm và những phương tiện, cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết và hiện đại. Những người có tài năng phải được đặt đúng vị trí và sử dụng đúng ngành nghề chuyên môn.

Ba là: Đổi mới nội dung giáo dục cho phù hợp với điều kiện phát triển mới của đất nước. Theo đó, cần tập trung rà soát biên soạn và biên soạn lại hệ thống các giáo trình, sách giáo khoa theo hướng vừa tăng được khối lượng kiến thức, nhất là những kiến thức mới, kiến thức "chuẩn giá trị" chung so với các nước trong khu vực và trên thế giới nhưng trước hết phải đảm bảo được những kiến thức cơ bản, đồng thời các khối kiến thức được đưa vào giảng dạy cũng phải phù hợp với đặc điểm truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó phải cải tiến và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa đối với các phương pháp dạy và học nhằm phát huy tinh thần ham học hỏi, tính năng động của người học. Việc cải tiến và đổi mới phương pháp dạy và học hiện nay cần thực hiện theo hướng làm cho quá trình giáo dục kết hợp với quá trình tự giáo dục của người học trở nên có hiệu quả hơn. Cần chuyển đổi mạnh mẽ quá trình đào tạo theo niên chế trước đây sang phương thức đào tạo theo tín chỉ hiện nay. Tích cực nghiên cứu và áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ mới nhất vào trong quá trình dạy và học.

Bốn là: Xây dựng một triết lý giáo dục đại học mới phù hợp với yêu cầu, nội dung và phương pháp của nền giáo dục trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đó là triết lý hướng tới con người với tư cách là đối tượng của giáo dục. Một nền giáo dục tiến bộ là một nền giáo dục thực sự cho con người, vì con người. Còn ngược lại, nếu chỉ coi giáo dục là phương tiện để đạt tới các mục tiêu khác thì sớm hay muộn cũng làm cho nền giáo dục đó bị phá sản. Không những vậy, nó cũng chính là một trong những nguyên nhân cản trở việc phát huy nhân tố con người của môi quốc gia.

Trong quá trình đổi mới và hội nhập hiện nay, chúng ta cần đưa ra được một quan niệm mới, triết lý mới phù hợp với yêu cầu và nội dung của giáo dục đại học nước nhà trong thời kỳ mới. Theo đó, mục đích của giáo dục, đào tạo đối với con người hiện nay không chỉ đơn thuần vì lợi ích của chính bản thân họ mà còn để họ trở thành con người có đạo đức, có tấm lòng nhân văn, phục vụ đất nước…

Cuối cùng chúng tôi cho rằng: Đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay muốn có’ hiệu quả ngoài việc nhận thức đúng đồng thời phải có quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: "Đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo được chuyển biến cơ bản toàn diện nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới; khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ. Phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại, của dân, do dân và vì dân, đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hoá đất nước”. Sự khẳng định đó cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong việc đổi mới tư duy về quản lý nền giáo dục nước nhà hiện nay. Vấn đề còn lại thuộc về vai trò của các cơ quan trường đại học trong việc tìm ra các giải pháp phù hợp để biến quyết tâm lớn của Đảng trở thành hiện thực quản lý Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự nhập cuộc của chính các trường đại học trong việc tìm ra các giải pháp phù hợp để biến quyết tâm lớn của Đảng trở thành hiện thực.

TS.Phạm Xuân Thành

(Hiệu trưởng Trường ĐHSP TDTT Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ