Sớm bình ổn giá xăng
Liên quan đến đầu vào quan trọng khác trong sản xuất kinh doanh, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất, Chính phủ sớm can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu.
Theo đại biểu, giá xăng dầu đang tăng rất nhanh. Trong khi đó, chúng ta đang có dư địa, công cụ như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên.
Cùng quan điểm với ông Ngân, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, nếu giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội) cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, sẽ không tốt cho nền kinh tế nói chung. Do đó, việc đề xuất có biện pháp để kiềm chế giá xăng không tăng lên quá cao là điều cần thiết.
Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh giá tăng hiện nay có thể cân nhắc việc điều chỉnh giảm thuế, thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường.
"Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, sức chịu đựng của các doanh nghiệp khó khăn. Chúng ta đang cần phải phục hồi nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh thì sẽ đẩy theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực như giao thông vận tải đang bị tác động ảnh rất nặng của xăng dầu"- đại biểu Cường nói.
Về giải pháp điều chỉnh thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm – cho rằng, cần phải được tính toán căn cơ, bài bản lâu dài chứ không phải chạy theo biến động thị trường. Bởi nếu chính sách biến động quá nhiều, có sự thay đổi và điều chỉnh nhiều thì có thể bất lợi chung đến việc đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
"Điều hành cần phải tổng thể giải pháp, không phải ta tăng gì thì lao vào giảm đó, mà phải có nhiều cung cụ linh hoạt để điều tiết nền kinh tế, nên cần phải vận dụng hài hòa từng điều kiện và bối cảnh" - đại biểu Lâm nêu ý kiến.
Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Theo đại biểu Bùi Văn Nghiêm (Đoàn Vĩnh Long), với 5/22 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra như báo cáo đã đánh giá, Chính phủ cần phân tích đánh giá toàn diện nguyên nhân chủ quan, khách quan trong tác động trực tiếp, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Đại biểu này cho rằng, để tiếp tục lãnh đạo thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh… theo hướng tập trung cả Trung ương lẫn địa phương.
Nhấn mạnh về việc phục hồi ngành du lịch, đại biểu Bùi Văn Nghiêm cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục ban hành chính sách và triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch.
Theo đó, cần ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch từ quản lý nhà nước tới quản lý điểm đến, quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường quảng bá xúc tiến bán hàng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở lại du lịch quốc tế, thúc đẩy du lịch nội địa tại các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh gắn với chính sách thu hút đầu tư du lịch, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy, đầu tư tại các vùng khó khăn để khai thác tối đa tiềm năng về du lịch.