“Cân đo” lợi - hại của vắc-xin ngừa Covid-19

GD&TĐ - Tuy vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca và Pfizer có hiệu quả, nhưng vẫn “tiềm tàng” nguy hiểm như phản ứng phụ, không có tác dụng trên biến thể mới...

Sáng 1/4, lô vắc-xin phòng Covid-19 do COVAX tài trợ đã về tới Việt Nam.
Sáng 1/4, lô vắc-xin phòng Covid-19 do COVAX tài trợ đã về tới Việt Nam.

Song, đối với vắc-xin của AstraZeneca, lợi ích mang lại được cho là nhiều hơn hại.

Có thêm 9.158 người được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong tuần vừa qua. Tính đến 16 giờ ngày 4/4, tổng cộng có 52.413 người là cán bộ, nhân viên y tế đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại 19 tỉnh/TP. Họ là những người đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

Tại nước ta, vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca là vắc-xin đầu tiên được phê duyệt. Theo dự kiến, có khoảng 60 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca về Việt Nam trong năm nay. Trong đó, 30 triệu liều từ COVAX Facility. Số còn lại do Việt Nam đặt mua.

Chia sẻ về loại vắc-xin này, TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Cincinnati (Mỹ) nhấn mạnh, dù có nguy cơ gây đông máu, nhưng vẫn lợi nhiều hơn hại.

“Vắc-xin của AstraZeneca là vắc-xin ngừa Covid-19 thứ ba sau Pfizer và Moderna được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt vào ngày 29/1/2020. Sau báo cáo về 37 ca huyết khối sau khi tiêm vắc-xin, 16 nước châu Âu đã ngừng triển khai chương trình vắc-xin.

Tuy nhiên gần đây, EMA kết luận rằng, lợi ích của vắc-xin AstraZeneca trong việc bảo vệ con người khỏi nguy cơ tử vong và nhập viện do Covid-19 vượt trội nguy cơ. Vắc-xin cũng không liên quan đến tăng nguy cơ xuất hiện biến cố thuyên tắc - huyết khối nói chung”, chuyên gia này dẫn chứng. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cùng với đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước, tăng cường đàm phán với nước ngoài, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức. Qua đó, tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vắc-xin.
Với mục tiêu bảo đảm miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc-xin Covid-19 để tiêm chủng cho người dân. Cùng với nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước, Việt Nam đang tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin.
 “Chúng tôi đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm tiêm chủng an toàn vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam. Có một số người có phản ứng nặng sau tiêm. Tuy nhiên, hệ thống y tế của Việt Nam đã xử lý rất hiệu quả và các trường hợp này đều đã bình phục”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Cũng theo lãnh đạo ngành y tế, việc tổ chức tiêm để đảm bảo an toàn và hiệu quả cũng không kém phần quan trọng. 

Trong khi đó, thử nghiệm lâm sàng pha 3 tại Mỹ, Chile và Peru cho thấy, vắc-xin Astrazeneca có hiệu quả 79% trong phòng ngừa Covid-19 có triệu chứng và 100% trong ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng và nhập viện.

Đáng chú ý, trên bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên, vắc-xin có hiệu quả 80%. 

“Ngày 19/3, các nhà nghiên cứu tại Đức thông báo tìm ra nguyên nhân gây ra huyết khối sau liên quan đến vaccine AstraZeneca. Vắc-xin gây ra phản ứng tự miễn hiếm gặp, kích hoạt các kháng thể sau đó tương tác với tiểu cầu, sự hoạt hóa tiểu cầu dẫn đến hình thành cục máu đông”, TS Hùng cho biết. 

Bên cạnh AstraZeneca, Việt Nam hiện nhắm tới vắc-xin Sputnik V (Nga) và Pfizer (Mỹ), với mục tiêu cung ứng trong thời gian sớm nhất. Theo TS.DS Phạm Đức Hùng, vắc-xin BNT162b2 (Pfizer-BioNTech) và mRNA-1273 (Moderna) là hai loại đang được phát triển dựa trên công nghệ mRNA.

Cả hai loại vắc-xin đều cho kết quả về khả năng dự phòng Covid-19 rất cao. Cụ thể, mRNA-1273 cho hiệu quả phòng bệnh 94,1%, BNT162b2 là 94,8%.

Tuy nhiên, chuyên gia này dẫn chứng, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, vắc-xin hoạt động trung hòa của BNT162b2 và mRNA-1273 đối với virus chủng mới đến từ Nam Phi (B.1.351) thấp hơn một hệ số lần lượt là 6.5 và 8.6 so với virus mới từ châu Âu (D614G).

Trong khi đó, vắc-xin không có sự khác biệt rõ ràng đối với chủng mới từ Anh (B.1.1.7).

“Hiện nay, cả hai công ty đều đang nỗ lực tiếp tục nghiên cứu nhằm phát triển liều thứ 3 bổ sung cho vắc-xin. Điều này được kỳ vọng là để thích ứng với các biến chủng mới của virus ở hiện tại và tương lai”, TS Hùng nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ