Nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng
Ngày 10 - 11/3, Hội thảo quốc tế “Tác động của ô nhiễm môi trường đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người” được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Bộ Môi trường, Thực phẩm & Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA), Hội đồng Bảo tồn Thiên nhiên chung (JNCC), Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAPH) tổ chức.
Tại hội thảo, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, cho biết, kết quả quan trắc giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có chất lượng môi trường nước sông thường xuyên ở mức kém, có tới 62% điểm quan trắc cho kết quả chất lượng nước ở mức xấu trở xuống (WQI<50), trong đó 31% số điểm quan trắc cho kết quả ở mức ô nhiễm nặng (WQI<25).
Các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) là các điểm nóng ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Trên sông Tô Lịch, đoạn chảy qua khu vực nội thành từ Nghĩa Đô đến Cầu Sét, chỉ số WQI luôn có giá trị thấp dưới 25, nước thường xuyên bị ô nhiễm nặng và hầu như chưa có sự cải thiện qua các năm. Các sông nội thành khác cũng trong tình trạng tương tự.
Khoảng 5 năm trở lại đây, dòng sông Cửu An đoạn qua huyện Ân Thi (Hưng Yên) đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân các xã Đa Lộc, Bãi Sậy. Đoạn sông dài gần 3 km chảy qua các khu vực nói trên thường xuyên có màu đen kịt, nổi váng, sủi bọt và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Đặc biệt, về mùa hanh khô, nước sông Cửu An luôn trong trình trạng đen đặc, không thể sử dụng để làm nguồn nước tưới cho cây vụ Đông. Nước ô nhiễm chảy đến đâu, cây cối chết ở đó. Ngay cả rau bèo trên sông cũng bị nhiễm độc và chết.
GS Trần Hiếu Nhuệ dẫn thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo thống kê có đến 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém. Có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.
44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Khảo sát 37 xã mang tên “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra còn có 380 người các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.
Về chất thải rắn (CTR), GS.TS Trần Yêm, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, cho biết, lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở Việt Nam hiện nay khoảng 23,6 triệu tấn/năm, trong đó CTR sinh hoạt đô thị hơn 35.000 tấn/ngày và CTR sinh hoạt nông thôn hơn 28.000 tấn/ngày. Trong đó riêng Hà Nội và TPHCM chiếm khoảng 25% tổng lượng CTR phát sinh trên toàn quốc.
Hoạt động tái chế CTR còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, phi chính thức ở các làng nghề, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan bảo vệ môi trường địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, Nhà nước chưa có quy định về sử dụng công nghệ rõ ràng, chưa có chỉ tiêu và tiêu chuẩn lựa chọn thiết bị, công nghệ xử lý phù hợp.
Ô nhiễm không khí làm gia tăng bệnh nhân ung thư phổi
Tại hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD), nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế trình bày về tác động của môi trường đến sức khỏe.
Ô nhiễm không khí, cụ thể là bụi PM 2.5 vào phổi, qua đường dẫn khí như phế quản, tiểu phế quản sẽ đi sâu vào từng túi phổi gây viêm nhiễm đường hô hấp, suy giảm chức năng phổi.
Hệ quả là các bệnh liên quan như đột quỵ, giảm IQ, các bệnh ở hệ thần kinh trung ương, rối loạn nhịp tim, đông cứng mạch máu, cao huyết áp, ung thư phổi... Năm 2017, ô nhiễm môi trường đã giết chết 71.300 người Việt Nam.
Độc chất trong không khí xâm nhập chủ yếu bằng đường thở (đặc biệt là phổi với khả năng trao đổi chất cao qua và nhiều mạch máu nhỏ) gây viêm phế quản, viêm phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, mạch vành, suy thận, gan, nghễnh ngãng, giảm trí nhớ, ung thư…
Còn theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí nước ta trong nhiều năm qua cho thấy liên tục trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm bụi.
Công tác quản lý gặp nhiều yếu kém và bất cập như văn bản pháp luật về quản lý môi trường không khí còn chưa hoàn thiện, chưa có luật không khí sạch, công nghệ sản xuất của nhiều ngành còn lạc hậu, quản lý nguồn thải ô nhiễm chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức bảo vệ môi trường không khí của mọi người còn hạn chế…
Nghiên cứu về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, GS.TS Nguyễn Văn Phước (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM) và PGS.TS Hồ Quốc Bằng (Trung tâm Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên) đưa ra bản đồ cho thấy tại TPHCM, số lượng người tử vong do bệnh tim phổi tập trung tại khu vực trung tâm thành phố hơn ngoại thành.
Điều này do nồng độ chất ô nhiễm trong nội thành cao hơn. Trong ba tác nhân gây ô nhiễm không khí, bụi PM2.5 gây ra số lượng người tử vong do tim phổi nhiều nhất, sau đó đến NO2 và cuối cùng là SO2.
Nhóm nghiên cứu của GS Hồ Quốc Bằng đề xuất kiểm tra khí thải đột xuất xe cơ giới và xe gắn máy đang lưu hành, thực hiện dự án cải thiện giao thông công cộng. Tăng cường sử dụng xe đạp đồng thời ra soát số lượng xe máy đã qua sử dụng không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải thì phải ngưng hoạt động. Xây dựng hệ thống cảnh báo trực tuyến ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
TS Nguyễn Huy Nga kiến nghị cần có một cuộc điều tra tổng thể về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường lên sức khỏe cộng đồng. Từ đó sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và lập bản đồ “nóng” về các khu vực nguy cơ cao cho sức khỏe cộng đồng.
Điều đặc biệt là theo TS Nguyễn Huy Nga, cần thiết phải ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về không khí trong nhà. Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên sức khỏe cộng đồng…