Khẳng định, về cơ bản dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã khắc phục được những bất cập và đưa ra quy định cụ thể; PGS. TS. Trần Thị Minh Hằng - Ban Chuyên gia (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, dự thảo Luật đã cụ thể hóa và đưa ra những quy định bao quát hết các lĩnh vực của giáo dục theo nghĩa rộng.
Góp ý cụ thể vào quy định về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo, PGS. TS. Trần Thị Minh Hằng nêu ý kiến: Cần xem lại khái niệm nhà giáo. Vì nếu như trong dự thảo thì cán bộ quản lý giáo dục không nằm trong khái niệm nhà giáo.
PGS. TS. Trần Thị Minh Hằng |
Ngoài ra, cần diễn đạt lại vị trí và vai trò của nhà giáo để không nhầm với vị thế. Vị trí của nhà giáo là những người làm nghề đặc thù liên quan trực tiếp với con người – truyền tri thức và văn hóa để hình thành và phát triển nhân cách.
Vai trò của nhà giáo là rất quan trọng vì không có ai thay thế được con người dù máy móc hiện đại như thế nào chăng nữa. Chính vì vậy công việc của nhà giáo là rất nhạy cảm, được rất nhiều người quan tâm, coi trọng.
Do đó, cần diễn đạt đúng vị trí, vai trò của Nhà giáo để xác định chế độ chính sách đối với Nhà giáo…
PGS. TS. Nguyễn Thành Vinh |
Còn theo PGS. TS. Nguyễn Thành Vinh - Trưởng khoa Quản lý- (Học viện Quản lý Giáo dục), ở Mục 1, Điều 103 cần làm rõ các Bộ và vai trò của Bộ GD&ĐT trong quản lý nhà nước về giáo dục; không nên quy định chung chung như luật hiện hành và Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 27/9/2018.
Ngoài ra, ở Mục 2, của dự thảo Luật, cần làm rõ hơn vai trò của việc phân cấp trong Khoản 4 Điều 103. Cụ thể, cấp tỉnh đến đâu, cấp huyện, xã đến đâu, tránh tình trạng nếu có xảy ra sai phạm, lại đổ lỗi cho Bộ GD&ĐT.