Từ đó, khiến một số người muốn trở thành “thợ săn tiền thưởng”. Quá trình ghi hình tìm kiếm người vi phạm giao thông nếu không cẩn trọng sẽ có nguy cơ trở thành người vi phạm pháp luật.
Thưởng đến 5 triệu đồng
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an thông tin, Nghị định 176/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 cho phép được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Cụ thể, mức chi cho nội dung này là không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Cục CSGT cho hay, việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân để xác minh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự ATGT đường bộ đã được thực hiện trong thời gian qua, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự ATGT từ thông tin, hình ảnh do quần chúng nhân dân, các tổ chức cung cấp.
Về đầu mối tiếp nhận, theo Thông tư 73/2024 của Bộ Công an thì đơn vị CSGT có trách nhiệm thông báo công khai: Địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại “đường dây nóng” của đơn vị để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin. Đồng thời, đơn vị CSGT sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu của cá nhân, tổ chức cung cấp.
Cụ thể, đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm: Cục CSGT; Phòng CSGT; Đội CSGT - TT thuộc công an cấp huyện. Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông cài đặt, sử dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển. Đồng thời, Thông tư 73/2024 cũng nêu quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) do cá nhân, tổ chức cung cấp, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021.
Cục CSGT lưu ý, dữ liệu thu được cần đảm bảo: Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm.
Đối với cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, điều này sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi.
Cục CSGT khẳng định, những thông tin về việc cá nhân được nhận tiền thưởng từ cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm trật tự ATGT trên mạng xã hội thời gian qua là không chính xác.
Có thành nghề kiếm sống?
Về nội dung trên, trao đổi với Báo GD&TĐ, TS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, quy định về việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, ATGT là điểm mới đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, việc quay clip để tìm kiếm hành vi vi phạm giao thông một cách có chủ đích, hoạt động thường xuyên có thể sẽ xảy ra những vấn đề mâu thuẫn, xung đột trong xã hội. Vì vậy, phải đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh của công dân nơi công cộng.
Quá trình ghi hình tìm kiếm người vi phạm giao thông có thể sẽ có những tình huống tiếp nhận được thông tin có tính chất sơ hở, không đẹp của người tham gia giao thông, thậm chí có thể có những thông tin liên quan đến bí mật đời tư cá nhân. Bởi vậy, nếu tùy tiện thu thập thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân thì đây lại là hành vi vi phạm pháp luật.
TS Đặng Văn Cường cũng cho rằng, hành vi này có thể phát sinh những mâu thuẫn giữa người ghi hình và người tham gia giao thông. Việc ghi lại hình ảnh của người khác chỉ được phép thực hiện mà không cần xin phép nếu có căn cứ cho thấy, người đó đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và việc ghi hình nhằm mục đích để đảm bảo an toàn, lợi ích công cộng. Vì vậy, chỉ những hình ảnh về người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ thì mới được phép lưu trữ, chỉ được phép sử dụng để trình báo với cơ quan chức năng.
“Pháp luật nghiêm cấm việc tùy tiện ghi hình người tham gia giao thông, lưu trữ thông tin hình ảnh đó để sử dụng vào các mục đích trái pháp luật...”, TS Đặng Văn Cường cho hay.
Không loại trừ sẽ xuất hiện những hình ảnh thông tin giả mạo, dàn dựng để nhận thưởng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. “Những hành vi cung cấp thông tin giả mạo cho lực lượng chức năng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu gây ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, và nếu ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ còn có thể bị xử lý hình sự…”, ông Đặng Văn Cường nói.
Người dân (đặc biệt là người trẻ) không nên kỳ vọng về việc ra đường ghi hình, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng là có thể kiếm tiền một cách dễ dàng; không nên hy vọng rằng đó là… nghề kiếm sống.
Cơ quan chức năng cũng cần có những khuyến cáo, kiểm soát tình hình này và sớm có cơ chế để bảo vệ người tố cáo, tránh những mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra từ hoạt động này. Quá trình áp dụng Nghị định cũng cần tổng kết rút kinh nghiệm để có sự kiểm soát trong quá trình áp dụng.
Kiểm tra thực tế tại nút giao ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng và nút giao Ô Chợ Dừa sáng 6/1, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an, đánh giá cao lực lượng CSGT Thủ đô trong gần một tuần qua, bên cạnh việc xử lý đã nâng cao công tác tuyên truyền, bước đầu hình thành tính tự giác tuân thủ luật giao thông. Qua đó, tạo hình ảnh đẹp trên mỗi ngã tư đường phố, duy trì những nét đẹp văn hóa giao thông đang được định hình.