Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển ngành sư phạm của các trường này thấp, ảnh hưởng đến cả hệ thống.
Thưa PGS.TS, từ bức tranh tuyển sinh của các trường sư phạm mùa tuyển sinh 2017 này là người trong cuộc, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
PGS.TS Lưu Trang: Đúng là mùa tuyển sinh 2017 này, điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường sư phạm vẫn có sự chênh lệch so với nhiều ngành được xem là hot khác và cũng có khoảng cách nhất định giữa các trường đào tạo sư phạm. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ là không phải cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm nào cũng có điểm chuẩn thấp.
Như trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, chỉ có 2 ngành trúng tuyển với điểm dưới 20 (SP Tin: 15,75; SP Sinh: 17,5), còn hầu hết đều từ 21,5 điểm trở lên. Nhìn chung điểm trúng tuyển vào các ngành sư phạm của trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng những năm qua vẫn luôn ở mức cao và ổn định.
Các trường sư phạm trọng điểm quốc gia đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và tuân thủ chủ trương của Bộ GD&ĐT cắt giảm mỗi năm 10% chỉ tiêu. Với 7 trường sư phạm trọng điểm quốc gia hiện cũng chỉ đào tạo một số lượng rất khiêm tốn, chỉ hơn 10.000 SV sư phạm mỗi năm trong tổng số 40 - 50.000 SV sư phạm trong cả nước, số còn lại do các trường ĐH địa phương có đào tạo sư phạm đào tạo.
Ví dụ như trong năm nay, chúng tôi đào tạo ra khoảng chưa đến 500 SV sư phạm, năm trước con số này là 550, năm trước nữa là 650, trước đó nữa là 850 chỉ tiêu… cứ theo phương thức mỗi năm cắt giảm khoảng từ 10 - 15% chỉ tiêu, riêng năm nay là cắt giảm 20% chỉ tiêu của nhóm ngành sư phạm.
Thế nhưng, một số trường ĐH địa phương không chuyên về sư phạm nhưng họ lại đào tạo số lượng SV gấp 2 – 3 lần chúng tôi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho thông tin “điểm đầu vào tụt dốc thảm hại” đang làm nóng dư luận những ngày qua.
Đâu là nguyên nhân của sự ổn định trong công tác tuyển sinh của nhà trường những năm gần đây, thưa ông?
PGS.TS Lưu Trang: Năm 2015, trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng là trường ĐH đầu tiên trong cả nước được triển khai đánh giá ngoài và được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục bởi một tổ chức kiểm định chất lượng độc lập của Việt Nam. Đây là một nỗ lực của nhà trường trong đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và cũng là cam kết, công khai chất lượng với xã hội, người học cũng như nhà tuyển dụng.
Để chương trình đào tạo giáo viên sát với thực tế, phù hợp với yêu cầu giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới vào thời gian tới, nhà trường đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục thuộc các Sở Giáo dục - Đào tạo trong khu vực.
Việc trao đổi đó không chỉ thông qua việc tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên theo chương trình thường xuyên và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, mà còn qua các đợt thực tập sư phạm của sinh viên nhằm nắm bắt những vướng mắc, hay nhu cầu của địa phương để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp với việc đào tạo giáo viên giảng dạy học sinh theo hướng phát triển năng lực.
Một điểm khác biệt trong mùa tuyển sinh 2017 của trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng là sau học kỳ đầu, SV có thể đăng ký học song song hai chương trình với bất cứ ngành nào thuộc trường ĐH Sư phạm hoặc các cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng. Đây là cách liên thông ngang để SV có thể nhận được 2 bằng đại học hệ chính quy của ĐH Đà Nẵng nhằm tăng thêm cơ hội việc làm cho SV sau khi ra trường.
Muốn thu hút SV giỏi theo học ngành sư phạm, theo ông, cần có những điều chỉnh gì?
PGS.TS Lưu Trang: Riêng ngành Sư phạm, Bộ GD&ĐT đã cảnh báo SV tốt nghiệp sư phạm dôi dư từ mấy năm nay và đã đưa ra lộ trình cắt giảm chỉ tiêu theo từng năm. Như tôi đã nói ở trên, các trường ĐH Sư phạm trọng điểm đều tuân thủ lộ trình này nhưng các trường ĐH địa phương có đào tạo sư phạm thì không những giảm mà còn tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh.
Nguyên nhân của tình trạng các trường ĐH địa phương tuyển sinh ồ ạt ngành sư phạm, đi ngược lại với chủ trương cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm của Bộ GD&ĐT là do các trường này không hưởng ngân sách từ Bộ, các địa phương mới là nơi cấp kinh phí hoạt động cho các trường này nên Bộ GD&ĐT rất khó để kiểm soát, khống chế số lượng tuyển sinh ngành sư phạm của các trường ĐH địa phương.
Một vấn đề nữa cũng vượt tầm kiểm soát của ngành GD&ĐT là tuyển dụng giáo viên. Ngoài đào tạo ồ ạt, có một thực tế là trong quá trình tuyển dụng, Sở Nội vụ của các địa phương này cũng tạo điều kiện để SV tốt nghiệp từ các trường địa phương được ưu tiên hơn trong tuyển dụng, tạo ra sự không công bằng trong cạnh tranh cũng như ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên.
Chính vì vậy, cần phải có cơ chế giám sát, khống chế chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm của các trường ĐH địa phương để đảm bảo chất lượng cũng như số lượng của giáo viên. Trong quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo sư phạm sắp tới, cũng cần phải chú trọng đến vấn đề này.
Trong điều kiện hiện nay, chính sách miễn giảm học phí cho SV sư phạm đã bắt đầu không còn hấp dẫn đối với người học khi vấn đề vào ĐH được phụ huynh và người học xem là một cách đầu tư cho tương lai. Nếu đầu ra không đảm bảo, họ sẽ chọn con đường khác. Do đó, đã đến lúc cần phải thay đổi các chính sách thu hút, như tạo điều kiện cho SV giỏi có việc làm khi ra trường, nâng cao đời sống, thu nhập cho giáo viên… thay vì nhà nước cấp bù học phí như hiện nay.
Xin cảm ơn PGS.TS!