Cần có chế tài tước quyền nuôi con nếu trẻ bị cha mẹ ngược đãi

Thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cần có chế tài tước quyền nuôi con đối với những cha mẹ ngược đãi, bạo lực, xâm hại con mình.

Cần có chế tài tước quyền nuôi con nếu trẻ bị cha mẹ ngược đãi
Hãy dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất (Ảnh minh họa: Trần Hải).
Hãy dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất (Ảnh minh họa: Trần Hải).

Đây là kiến nghị của luật sư Trần Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên, Hội Luật gia Việt Nam, tại diễn đàn “Cùng chung tay xây dựng môi trường không bạo lực và không xâm hại trẻ em” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức.

Luật sư Trần Thị Bích Hòa nêu rõ, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành còn thiếu những quy định cụ thể về chức năng, trách nhiệm giám sát của các cơ quan về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Luật sửa đổi, bổ sung cần điều chỉnh, hoàn thiện một số nội dung tập trung vào một số vấn đề như: tăng độ tuổi tuổi trẻ em lên 18 tuổi; quy định chi tiết quyền tham gia của trẻ em, tăng cường trách nhiệm giám sát, chức năng giám sát của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội về thực hiện luật, các chương trình liên quan đến trẻ em….

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, vấn đề trẻ em bị bạo lực, lạm dụng vẫn chưa giảm, vì tính chất tàn nhẫn, vì lứa tuổi trẻ bị xâm hại còn quá nhỏ, vì đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết lại chính là những người thân của các em. Tình trạng này không chỉ gây thương tích về mặt thể chất, mà còn tổn thương nặng nề về tâm lý, tình cảm, tinh thần cả cuộc đời của trẻ.

Mỗi năm có khoảng 1.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta, trong đó hàng chục em đã thiệt mạng. Đáng chú ý, tình trạng trẻ em bị bạo hành ngày càng nhỏ tuổi, nhiều em bị chính cha mẹ ruột hay người chăm sóc mình tước đoạt đi mạng sống.

Một khảo sát gần đây cho biết, hơn 73% trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ, người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Số lượng các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em thống kê được chưa đầy đủ, con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.

Diễn đàn lần này cũng đưa ra khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh, quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần nghiên cứu, xây dựng các quy định nhằm phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bổ sung vào Luật Giám định pháp y 2012, giám định cho trẻ em là loại hình giám định đặc biệt, thực hiện ngay khi trẻ có nhu cầu, cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ, thêm một khoản dành cho trẻ em tại văn bản quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù…

Theo Nhân dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ