Cần cơ chế phù hợp tạo động lực phong trào thi đua

GD&TĐ - Nhiều yếu tố giúp phong trào thi đua thực sự có sức sống, lôi cuốn đông đảo cán bộ, GV tham gia; trong đó quan trọng là xây dựng được cơ chế phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ trong công việc.

Các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng khó là động lực để giáo viên và học sinh nỗ lực phấn đấu thi đua. Ảnh: IT
Các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng khó là động lực để giáo viên và học sinh nỗ lực phấn đấu thi đua. Ảnh: IT

Vai trò của người đứng đầu

Là điển hình tiên tiến của Hưng Yên tham dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm nay, cô Vũ Thị Anh, GV môn Lịch sử, Trường THPT Ân Thi cho rằng: Người đứng đầu nhà trường có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động nhà trường. Theo đó, hiệu trưởng phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm và hành động; có chiến lược phát triển nhà trường lâu dài; biết phát triển bởi đội ngũ nhà giáo giữ vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục của nhà trường. 

Để làm được điều này, người hiệu trưởng cần xây dựng đội ngũ GV, cán bộ quản lý được chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng (phẩm chất chính trị, lối sống, lương tâm nghề nghiệp, năng lực giảng dạy), số lượng. Đồng thời, có trình độ, năng lực, bản lĩnh và quyết tâm huy động được các nguồn lực để phát triển nhà trường. Tiếp tục lãnh đạo và phát triển HS toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản từ đó hình thành phẩm chất, năng lực cho HS. Đặc biệt, người đứng đầu luôn công bằng, công tâm khách quan trong đánh giá xếp loại thi đua để động viên, khích lệ kịp thời GV.

NGƯT Nguyễn Thị Thúy (Trường THPT Nguyễn Du, Bà Rịa - Vũng Tàu) khi chia sẻ nội dung này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của người quản lý. “Là GV, tôi luôn mong muốn người đứng đầu nhà trường hiểu rõ những việc cần đổi mới, ủng hộ và đồng hành cùng mình. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua giai đoạn tới là “Đổi mới sáng tạo trong học tập giảng dạy và quản lý giáo dục” là phù hợp. Người quản lý giỏi thì chuyên môn cũng phải giỏi, để cùng với “miệng nói” là “tay làm”, từ đó GV sẽ thay đổi” – NGƯT Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.

Ở góc độ người quản lý, TS Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), chia sẻ một số biện pháp xây dựng môi trường thi đua tích cực cho đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên của nhà trường thời gian qua. Trong đó có việc đánh giá chất lượng cán bộ, GV, nhân viên công bằng, minh bạch qua xây dựng các tiêu chí cụ thể; tổ chức đánh giá công khai, công bằng dựa vào các tiêu chí đánh giá đã được thống nhất. Tổ chức tổng kết, bình công, báo công, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nhà trường. Nhà trường công khai kết quả đánh giá, kịp thời khen thưởng cán bộ, GV, nhân viên được đánh giá cao ngay sau mỗi đợt thi đua. Kết quả đánh giá sau mỗi năm học còn được sử dụng làm căn cứ để phân công nhiệm vụ trong năm học tiếp theo.

Trường Nguyễn Tất Thành cũng chú trọng xây dựng niềm tin và sự tự tôn về giá trị bản thân trong mỗi cán bộ, GV, nhân viên để hình thành ý thức phấn đấu, thi đua không ngừng. Quan tâm thiết thực tới đời sống vật chất, tinh thần của mỗi cán bộ, GV, nhân viên để phát triển môi trường thi đua tích cực. Đồng thời, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của cán bộ, GV, nhân viên để nâng cao chất lượng công tác thi đua.

Phong trào thi đua đi vào thực chất là đòn bẩy để nâng cao chất lượng dạy và học.
Phong trào thi đua đi vào thực chất là đòn bẩy để nâng cao chất lượng dạy và học.

Thi đua đi vào thực chất

Nhấn mạnh thi đua phải thực chất, ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, cho rằng: Trước hết cần xác định thi đua là góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của đơn vị. Thi đua gắn liền với  đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, đổi mới hoạt động quản lý nhà trường phù hợp với giai đoạn phát triển mới của giáo dục. Nhiệm vụ chuyên môn phải được cụ thể hóa, lượng hóa qua các tiêu chí thi đua.

Bên cạnh đó, tập trung vào chất lượng thi đua, tức là chất lượng nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Thi đua là thúc đẩy nhà trường phát triển. Nhà trường phải thực sự đổi mới hoạt động giáo dục, những nội dung khó làm, phức tạp phải được giải quyết thấu đáo. Hoạt động quản lý nhà trường chuyển đổi theo hướng dân chủ, hiệu quả và phù hợp các tiêu chí của trường học hạnh phúc. Qua thi đua, phải phát hiện được những con người cụ thể, có đóng góp thời gian và công sức trí tuệ cho nhà trường. Tránh tuyên dương khen thưởng thi đua chỉ tập trung vào ban giám hiệu, người chủ chốt, hay lãnh đạo các tổ nhóm, mà ít quan tâm tới cán bộ, GV, người lao động thầm lặng làm việc nhưng mang lại cho kết quả cụ thể. Để khí thế thi đua luôn “nóng hổi” cuốn hút được toàn trường, cần có đánh giá thường xuyên, định kỳ vào giữa kỳ, cuối kỳ và cuối năm. Phát hiện kịp thời gương tốt việc tốt và truyền thông công khai trên mạng xã hội nội bộ và bảng tin nhà trường.

Ông Đặng Tự Ân cũng nhấn mạnh cần gắn kết các phong trào thi đua trong trường,  khối cán bộ, GV, người lao động với  HS và cha mẹ HS, cộng đồng. Nhiệm vụ chính trị là nhiệm vụ chung của toàn trường nên các phong trào thi đua phải cùng thống nhất hành động, cùng ý trí với sự chỉ đạo của Hội đồng trường và ban giám hiệu. Sức mạnh và chất lương thi đua sẽ được nâng lên đáng kể nếu biết liên kết các lực lượng quần chúng này. Các phong trào thi đua trong trường cần cùng đồng thuận trên nguyên tắc kịp thời, công khai, dân chủ, chặt chẽ và tuyên dương kịp thời.

“Trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, mục đích thi đua phải rõ ràng, sát với nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Cách làm và kế hoạch làm phải cụ thể và khả thi. Người dạy “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Để phong trào thi đua thực sự có sức sống, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng trong trường tham gia, cần phải đặt lên hàng đầu hiệu quả, thực chất của phong trào, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, giám sát. Kế hoạch thi đua phải được xây dựng sát thực tế, có tính khả thi, mục đích, mục tiêu rõ ràng; phát huy cao nhất tinh thần dân chủ, năng động, sáng tạo của mọi cá nhân, tập thể trong và ngoài trường” – ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.