Cần cơ chế giám sát để đẩy mạnh xã hội hóa dạy học ngoại ngữ

GD&TĐ - Mới đây, tại buổi Tọa đàm Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Cục Quản lí chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết nhìn từ phổ điểm thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh từ 2017 - 2019 cho thấy những thành phố lớn luôn đứng đầu về điểm trung bình so với cả nước. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đơn cử tại TPHCM, điểm trung bình Tiếng Anh trong Kỳ thi THPT quốc gia trong 3 năm gần nhất lần lượt là: 5,92 điểm (2017), 5,06 điểm (2018), 5,79 điểm (2019). Đây cũng là nơi đồng thời luôn đứng đầu về tỷ lệ thí sinh có điểm từ 8 trở lên.

Bí quyết nào để các thành phố lớn, đặc biệt như TPHCM có kết quả tốt về giảng dạy tiếng Anh? Bên cạnh việc TPHCM có chính sách riêng về đào tạo đội ngũ giáo viên, đẩy số lượng giáo viên Tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế từ chỗ chỉ khoảng 5% (vào năm 2012) đến nay là 70%, thì công lao lớn phải nói đến vai trò xã hội hóa trong dạy học ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thừa nhận, chất lượng tiếng Anh của học sinh thành phố tốt nhờ khá nhiều trung tâm ngoại ngữ. “Cả thành phố có 700 trung tâm ngoại ngữ. Hầu hết học sinh TP Hồ Chí Minh học thêm ngoại ngữ ở bên ngoài trường học, chỉ một số học sinh vùng ven đô thị có điều kiện kinh tế khó khăn mới không tham gia học thêm ngoại ngữ” - ông Hiếu thông tin thêm.

Không chỉ dạy tiếng Anh ngay tại các cơ sở mình, hiện nay, tại nhiều thành phố lớn, rất nhiều trung tâm ngoại ngữ đã hợp tác với trường học để cung cấp dịch vụ dạy tiếng Anh trong thời gian học sinh ở trường, với các hình thức như tiếng Anh tích hợp, tiếng Anh liên kết, tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Sự hợp tác này xuất hiện khá rộng, từ cấp mầm non đến THPT.

Dĩ nhiên, chi phí cho các dịch vụ này do phụ huynh chi trả theo chương trình đã được thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh hằng năm. Vì gắn với chương trình học 2 buổi/ngày của học sinh, sẵn có cơ sở vật chất của nhà trường, nên so với học tại trung tâm ngoại ngữ, khoản chi trả này vẫn dễ chấp nhận với số đông phụ huynh, nhất là con em đỡ vất vả học thêm ngoài nhà trường.

Phát huy xã hội hóa trong giảng dạy tiếng Anh, đẩy mạnh sự hợp tác giữa trung tâm Anh ngữ và hệ thống trường công là một trong những giải pháp cần thiết trong điều kiện hiện nay để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, khi nguồn giáo viên môn học này còn chưa đạt 100% chuẩn theo tiêu chí quốc tế. Tuy nhiên, hợp tác như thế nào để đảm bảo sự minh bạch, nhất là về tài chính và chuyên môn là điều cần hết sức quan tâm ở khía cạnh quản lí.

Hiện nay, về cơ bản, hành lang pháp lí cho hợp tác này vẫn là loại hình hợp đồng theo chương trình liên kết, trong đó trung tâm Anh ngữ chịu trách nhiệm về đội ngũ, chương trình. Thời gian qua, cũng đã xuất hiện không ít ý kiến liên quan đến chất lượng tiếng Anh liên kết cũng như khoản phí trích lại cho nhà trường.

Những băn khoăn của dư luận về việc sử dụng phần trăm nguồn thu từ hợp tác với các trung tâm Anh ngữ để lại cho nhà trường, cũng như chương trình, chất lượng giáo viên của các dịch vụ này rất cần một cơ chế kiểm tra giám sát hiệu quả để đảm bảo mô hình xã hội hóa giảng dạy tiếng Anh hoạt động tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ