Dạy học chương trình Ngữ văn mới:

Cần chú ý hiện tượng học trò 'ghét' học văn

GD&TĐ - Là một thầy giáo đã gắn bó với môn Ngữ văn gần 15 năm, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác thật sự trăn trở trước thực trạng ngày càng ít học trò yêu Văn.

Dùng hình thức sân khấu hóa để đưa văn học đến gần với học sinh hơn.
Dùng hình thức sân khấu hóa để đưa văn học đến gần với học sinh hơn.

Từ trước đến nay, đã có không biết bao nhiêu bài viết của những người trong cuộc – các thầy cô trực tiếp giảng dạy bộ môn, các nhà nghiên cứu phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ… đi “mổ xẻ” tìm hiểu căn nguyên và giải pháp cho thực trạng ấy.

Từ đó, có nhiều nguyên nhân được nhìn nhận thấu đáo như chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy không còn phù hợp… Và cũng nhờ đó để đề ra nhiều giải pháp có tính đột phá như đổi mới toàn diện chương trình, sách giáo khoa; đổi mới phương pháp dạy học (Từ truyền thụ kiến thức như giảng bình sang dạy học tích cực, chủ động như đọc hiểu văn bản…).

Những giải pháp căn cơ đó thật đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có chương trình mới, sách giáo khoa mới, giáo viên dạy Ngữ văn cũng cần chú ý đến một vấn đề tưởng như đã cũ, đó là những nguyên nhân học trò “ghét” học văn. Từ đó, trong thực tế hoạt động dạy học, mỗi giáo viên cần có những thay đổi linh động, cần lắng nghe chia sẻ của các em nhiều hơn.

Điều gì khiến em ghét học văn?

Trong quá trình giảng dạy, tôi đã nhiều lần đặt chung một câu hỏi cho nhiều lớp học, khóa học là “Những điều gì khiến em ghét học văn?”. Dĩ nhiên, tôi phải thật tinh tế lồng ghép câu hỏi ấy ở từng thời điểm khác nhau, từng đối tượng học sinh khác nhau. Dù ở đối tượng nào, thời điểm nào tôi cũng đều tạo không khí hào hứng cho các em bày tỏ quan điểm một cách thoải mái, vui vẻ nhất.

Chẳng hạn, khi tôi hỏi bài cũ một vài bạn mà các bạn không học bài, thay vì “lên lớp”, tỏ thái độ bực bội, tôi bắt đầu chuyển hướng bằng cách áp dụng câu hỏi trên cho cả lớp trả lời. Tôi sẽ đặt vấn đề rằng, bây giờ các em, đặc biệt là hai bạn vừa không trả lời được bài cũ, hãy thành thực cho thầy biết “điều gì khiến em ghét học văn”?

Thật thú vị, tôi đã nhìn thấy vô số cánh tay muốn được chia sẻ về câu hỏi ấy. Và khó khăn được các em nhắc đến nhiều nhất là lúc viết bài văn (tạo lập văn bản). Làm thế nào giúp đỡ các em vượt qua được rào cản này? Tôi đã rút gọn nội hàm của câu hỏi trên lại thành một câu hỏi cụ thể hơn là “Em thấy khó khăn nhất khi viết một bài văn là gì?” hay “Em có giải pháp gì giúp các bạn có thể viết tốt một bài văn?”. Cứ như vậy, qua nhiều lớp học, khóa học tôi đã bắt đầu nhìn thấy một số nguyên nhân cơ bản khiến các em không thể viết văn tốt và từ đó đem đến cho các em những lời khuyên hữu ích:

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Gặp khó khăn trong quá trình tạo lập văn bản

Thứ nhất, là các em ngại viết bài. Nghĩa là các em gặp khó khăn trong quá trình tạo lập văn bản. Đây có lẽ là một lí do đầu tiên khiến điểm văn của các em thường thấp. Bởi lẽ, kinh nghiệm của bản thân thầy với việc học Ngữ văn là một thực tế, việc viết nhiều đã giúp thầy gia tăng được kinh nghiệm: Từ mở bài, kết bài, lấy dẫn chứng, phân tích và học thuộc dẫn chứng...

Bên cạnh đó, việc viết bài và sửa bài cũng sẽ giúp các em nhận biết được các lỗi sai. Tôi thường khuyến khích, động viên các em tự tìm các vấn đề mình quan tâm, yêu thích để viết các bài văn nghị luận. Sau đó gửi cho tôi hoặc các đồng nghiệp trong tổ chuyên môn sửa giúp. Cũng có khi tôi liên hệ những bạn đã từng thi đỗ học sinh giỏi tỉnh… đọc và góp ý, sửa chữa cho các bạn. Đã có nhiều học trò học bằng cách này đã tiến bộ rất nhanh và thu được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Do vậy, lời khuyên đầu tiên của tôi với các bạn đang “ghét” văn là phải chăm chỉ mỗi tuần viết một bài hoặc một đoạn văn nghị luận.

Không biết lựa chọn và đưa dẫn chứng vào bài viết

Thứ hai, các em không biết tìm và lựa chọn dẫn chứng để đưa vào bài viết. Nhiều em đã thành thực chia sẻ, khi viết bài, việc tìm, lựa chọn, nhớ dẫn chứng là rào cản lớn để các em có thể hoàn thành bài văn. Dù là nghị luận văn học (NLVH) hay nghị luận xã hội (NLXH) thì dẫn chứng cũng là một thước đo khả năng, cái “tầm” của người viết. Nhiều em mỗi lần viết bài lại quýnh quáng vì không tìm ra dẫn chứng.

Tuy nhiên, dẫn chứng thật ra không khó tìm. Các em có thể thấy dẫn chứng NLXH ở đâu? Thời sự, sách báo, các kênh truyền thông. Quan sát một cách có suy ngẫm. Còn NLVH có ngay chính trong sách giáo khoa. Đọc kĩ văn bản để thấu hiểu từng lời văn, đoạn văn. Cái quan trọng là các em không quan sát cũng như không chịu đọc kĩ văn bản nên dẫn chứng chỉ xoay quanh những điều đã cũ, đã nhàm nhạt, khiến cho bài viết không đủ sức thuyết phục. Do đó, lời khuyên sẽ là quan tâm các vấn đề đã, đang, sẽ xảy ra xung quanh ta và đọc kĩ văn bản trong sách giáo khoa.

Học sinh có thể tiếp cận với môn Ngữ văn thông qua văn hóa đọc. Ảnh minh họa

Học sinh có thể tiếp cận với môn Ngữ văn thông qua văn hóa đọc. Ảnh minh họa

Phụ thuộc vào sách tham khảo, văn mẫu

Thứ ba, các em quá phụ thuộc vào các loại sách tham khảo, sách văn mẫu. Trong giờ giải lao, tôi đã đưa vấn đề này trao đổi với một nhóm học trò. Kết quả, nhiều bạn đã thú nhận việc sử dụng sách tham khảo nhằm mục đích chép vào vở soạn để đối phó với việc thầy cô kiểm tra. Ngoài ra, trong một số tiết kiểm tra tại lớp, lợi dụng thầy cô coi không chặt sẽ còn mở để chép. Và các bạn đều có chung suy nghĩ “sách học tốt” sẽ giúp có điểm cao và nhanh tiện nên các bạn chưa bao giờ tự giác tìm hiểu, tham khảo như đúng tên gọi của sách.

Qua việc sử dụng sách tham khảo sai mục đích như vậy, vô hình nó đã “giết chết” tư duy sáng tạo của các bạn. Nó khiến các bạn phải lệ thuộc vào những ý sẵn có trong sách. Các em nên nhớ, sách học tốt chẳng qua cũng là tập hợp những bài viết của những cá nhân nên dĩ nhiên nó mang những cách hiểu, cách cảm chủ quan của từng tác giả.

Vậy tại sao chúng ta phải tin rằng nó đúng hoàn toàn và không tư duy theo cách khác? Thay vào đó, hãy chú trọng tìm đọc nhiều hơn những cuốn sách bình luận, bình giảng hay tài liệu nghiên cứu văn học để có những cái nhìn đa chiều hơn về các tác phẩm nhé! Lời khuyên, là hãy đọc sách tham khảo đúng mục đích của nó là “tham khảo”.

Chưa có phương pháp viết bài

Cuối cùng, các em chưa có phương pháp viết bài. Các em thường chỉ ra lí do mình không thể viết được một bài văn hay là bởi mình không có năng khiếu về văn. Suy nghĩ như thế thực ra là các em đang tự phức tạp hóa vấn đề. Văn học thật ra cũng là một môn khoa học.

Và muốn học tốt nó cũng cần rèn luyện và tích lũy những phương pháp thích hợp. Làm sao để mở bài, kết bài hay? Làm sao để phần chứng minh tạo được sức hút? Phân bố dẫn chứng thế nào là phù hợp cho một bài viết? Tất cả đều là phương pháp nếu các em chịu học hỏi và tích lũy kiến thức. Chủ động nghe thầy cô hướng dẫn cách làm các kiểu bài, dạng bài nghị luận. Chủ động thực hành nó thông qua các bài viết. Như thế, chẳng có lý do gì lại không thể viết được một bài văn tốt.

Một trong những sản phẩm của quá trình học văn ở nhà trường là những bài viết của chính các em. Sản phẩm đó không chỉ thể hiện rõ qua điểm số trong các kì thi mà nó còn ẩn nấp trong suy nghĩ, hành động của các em với mọi vấn đề xung quanh đời sống. Viết được một bài văn với bố cục mạch lạc, lập luận sắc bén, dẫn chứng thuyết phục. Viết được một bài văn sâu sắc về ý nghĩa, truyền đi được một thông điệp. Thiết nghĩ, như thế là các em đã yêu Văn và Văn cũng đã yêu quý các em. Và hi vọng, chương trình mới, sách giáo khoa mới lần này sẽ góp phần tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên có nhiều sáng tạo, hứng khởi hơn trong quá trình dạy học của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ