Giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ ban hành quy định cụ thể quy mô tối thiểu trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT để giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; đồng thời, đề nghị bổ sung nội dung về mô hình tự chủ tài chính đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về quy định cụ thể quy mô tối thiểu trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 hướng dẫn các địa phương một số nguyên tắc để thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhằm khắc phục những hạn chế, tạo sự đồng bộ, bảo đảm hiệu quả đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW.

Trong đó, đề nghị các địa phương: Việc thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ, phải lấy mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; tạo sự thuận lợi cho học sinh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị nhà trường, tránh đầu tư dàn trải, từ đó bảo đảm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối quản lý, các vị trí việc làm có cùng chức năng; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các trường sau sáp nhập; việc sáp nhập để hình thành các trường có nhiều cấp học phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm bảo đảm tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học...), tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiến hành khảo sát, đánh giá thực tiễn về quy mô và thực trạng cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý… ở các địa phương để xây dựng nguyên tắc, tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện của các địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả việc sáp nhập các cơ sở giáo dục, dồn dịch các điểm trường đạt hiệu quả.

Về mô hình tự chủ về tài chính đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập: Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế quản lý cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong dự thảo có một chương nói về Quản lý tài chính, tài sản, trong đó có quy định tự chủ về tài chính đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của Nghị định, cần có sự thống nhất với các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Tài chính về vấn đề tự chủ tài chính trong giáo dục, đồng thời nhiều nội dung trong Nghị định cần phải căn cứ theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Bộ GD&ĐT đang tiếp tục cập nhật, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành ngay sau khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.