Cán bộ ngân hàng ở Nghệ An lừa đảo để… 'đá bóng'

GD&TĐ - Sử dụng các nghiệp vụ ngân hàng, Trần Khắc Quỳnh (SN 1989, ở huyện Đô Lương, Nghệ An) làm giả hồ sơ vay vốn rồi chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng của khách hàng.

Bị cáo Trần Khắc Quỳnh tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Trần Khắc Quỳnh tại phiên tòa sơ thẩm.

Làm giả hồ sơ vay vốn của khách hàng

TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm (ngày 24/6) xét xử bị cáo Trần Khắc Quỳnh (SN 1989, trú tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời điểm phạm tội, Quỳnh là cán bộ tín dụng của một ngân hàng có chi nhánh tại Nghệ An.

Tại ngân hàng, Trần Khắc Quỳnh có nhiệm vụ bán sản phẩm cho vay khách hàng cá nhân; tìm kiếm, thu nhập, thẩm định thông tin, hồ sơ khách hàng cá nhân (tài sản đảm bảo, pháp lý, nguồn thu...) có nhu cầu vay vốn có tài sản bảo đảm. Đồng thời, bán kèm khoản vay tín chấp và mở thẻ tín dụng tại ngân hàng.

Theo cáo trạng, từ tháng 11/2022 đến tháng 2/2023, trong quá trình thực hiện thủ tục vay vốn cho khách hàng, Quỳnh làm giả giấy giải ngân và giấy đề nghị giải ngân.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, bị cáo sử dụng phần mềm cắt, dán thông tin trên giấy giải ngân và đề nghị giải ngân; giả chữ ký của những người liên quan, sau đó tải lên hệ thống nội bộ của ngân hàng. Các thông tin này trùng khớp với hồ sơ của khách hàng nên được ngân hàng giải ngân vào tài khoản của khách.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, Quỳnh liên hệ với các khách hàng có hồ sơ vay vốn, yêu cầu cung cấp tên, mật khẩu và mã OTP tài khoản ngân hàng. Lợi dụng việc khách hàng không đăng ký tin nhắn biến động số dư, nam thanh niên này đăng nhập vào tài khoản Internet Banking của khách hàng và chuyển toàn bộ số tiền vừa được giải ngân vào tài khoản của mình.

Tháng 11/2022, anh Ngô Đình T. (trú tại huyện Diễn Châu, Nghệ An) có nhu cầu vay vốn 1 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng 1,8 tỷ đồng, anh T. không chỉ định tài khoản thụ hưởng mà chỉ trao đổi với Trần Khắc Quỳnh rằng: “Khi nào khoản vay được giải ngân thì gọi điện để đến nhận tiền”.

Sau khi khách hàng đến làm thủ tục vay vốn, Quỳnh hướng dẫn ký tên vào các tài liệu trong hồ sơ tín dụng. Theo quy trình, khi khách hàng ký và đề nghị giải ngân trong hồ sơ vay vốn xong, cán bộ này trình lên cấp trên ký duyệt tài liệu có trong hồ sơ tín dụng.

Tuy nhiên, với mục đích chiếm đoạt tài sản của khách hàng, Quỳnh không trình lên cấp trên ký mà tự ý scan giấy đề nghị giải ngân vào máy tính và tự ý thêm tên người thụ hưởng. Sau đó, nam thanh niên này sử dụng phần mềm để giả mạo chữ ký của lãnh đạo.

Khi hoàn tất hồ sơ, Quỳnh tải lên hệ thống và giải ngân cho anh T. số tiền 1,8 tỷ đồng bằng hình thức chuyển khoản đến số tài khoản của một khách hàng khác.

Lúc ngân hàng giải ngân, Quỳnh liên hệ với chủ tài khoản, yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu và mã OTP để đăng nhập vào ứng dụng Internet Banking của ngân hàng. Nam thanh niên này chuyển toàn bộ số tiền 1,8 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân và chiếm đoạt. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Quỳnh nướng vào bài bạc, trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Với thủ đoạn trên, Quỳnh đã chiếm đoạt thông qua hồ sơ vay vốn của 5 khách hàng với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.

Chiếm đoạt tiền qua thẻ tín dụng

Không dừng lại ở đó, trong quá trình làm hồ sơ vay vốn cho khách hàng, Quỳnh còn thuyết phục họ ký hồ sơ mở thẻ tín dụng. Khi khoản vay được giải ngân, Quỳnh yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP, chụp ảnh thẻ tín dụng và đăng nhập vào tài khoản của họ để chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.

Tháng 12/2022, chị Trần Thanh G. (trú tại TP Vinh, Nghệ An) vay vốn có tài sản đảm bảo tại ngân hàng. Dù khách hàng này không có nhu cầu vay tín chấp, nhưng Trần Khắc Quỳnh lấy lý do phục vụ cho việc làm hồ sơ vay vốn, hướng dẫn chị G. ký hồ sơ vay tín chấp.

Khi khoản vay được giải ngân, lợi dụng khách hàng thiếu hiểu biết và không đăng ký dịch vụ nhận tin nhắn biến động số dư tài khoản, Quỳnh liên hệ chị G. yêu cầu cung cấp mã OTP xác nhận.

Sau khi đăng nhập vào ứng dụng Internet Banking của khách, Quỳnh chuyển tiền về tài khoản cá nhân để chiếm đoạt 58 triệu đồng. Để không bị phát hiện, khi đến kỳ hạn trả lãi khoản vay, Quỳnh chuyển tiền vào tài khoản của chị G. để thanh toán.

Tại thời điểm điều tra xác định, số dư nợ đối với khoản vay tín chấp này là hơn 52 triệu đồng. Bằng thủ đoạn này, Trần Khắc Quỳnh chiếm đoạt, gây thiệt hại cho 2 khách hàng với số tiền hơn 286 triệu đồng.

Tổng số tiền mà Quỳnh chiếm đoạt và gây thiệt hại cho ngân hàng và các khách hàng đối với 2 hành vi trên là hơn 4,8 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An nhận định, hành vi phạm tội của Trần Khắc Quỳnh xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức và cá nhân, làm ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Trần Khắc Quỳnh thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Cựu cán bộ ngân hàng khai, số tiền hơn 4,8 tỷ đồng chiếm đoạt của ngân hàng và khách hàng đã dùng để trả nợ, đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá online.

Đứng trước bục khai báo, Quỳnh bày tỏ thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải về việc làm của mình và có lời xin lỗi đến đại diện Ngân hàng và các bị hại trong vụ án. Bị cáo trình bày, hiện gia đình có bà nội lớn tuổi, bố mẹ già yếu, con nhỏ nên xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để được sớm trở về gia đình làm lại cuộc đời.

Xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt Trần Khắc Quỳnh 18 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về dân sự, tòa buộc bị cáo phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ