Họ dùng tơ tằm dệt thổ cẩm ikat (một loại lụa vàng với hoa văn cực kỳ tinh tế) để dâng lên hoàng cung Angkor làm vải may trang phục. Trải qua thời kỳ Khmer Đỏ (1975 - 1978), Campuchia đánh mất nghề dệt ikat. Phải mất gần 20 năm, Sophea Pheach, người phụ nữ khao khát “dệt nên tương lai cho Campuchia” mới thành công hồi sinh kỹ thuật dệt cổ truyền này.
Nghề mẹ truyền con nối
Campuchia là quốc gia Đông Nam Á. Năm 802, đất nước này hình thành vương quốc độc lập, lấy tên là Đế chế Angkor.
Đế chế Angkor tồn tại và thịnh trị Campuchia từ thế kỷ IX – XV. Nhờ thông thương, họ sớm phát triển thành vùng đất giàu có. Tuy nhiên, thế mạnh kinh tế của Campuchia thời này vẫn là nông nghiệp. Bên cạnh nghề trồng lúa nước, họ nổi tiếng là vùng đất tơ vàng.
Mặc dù không phải đất nước châu Á duy nhất biết nuôi tằm vàng, kéo tơ dệt lụa, nhưng Campuchia nổi tiếng sở hữu kỹ thuật dệt thổ cẩm ikat có một không hai. Người dân ở đây đã biết và lưu truyền cách thức dệt loại lụa này từ trước cả khi vương quốc được hình thành.
Trong Đế chế Angkor, chỉ phụ nữ phụ trách dệt vải và người mẹ cũng chỉ truyền nghề lại cho con gái. “Hoa văn lụa ikat khét tiếng là phức tạp, khó học nhất”, Jenny Spancake, chuyên gia dệt may Đông Nam Á cho biết.
Thay vì dệt tơ thành vải rồi mới nhuộm để tạo ra hoa văn, người Campuchia lại đi nhuộm sợi tơ trước. Họ tính toán các khoảng cách và màu sắc cho sợi tơ ngang cực kỳ chính xác. Khi các sợi tơ ngang được đan với các sợi tơ dọc, chúng tạo nên các hoa văn hoàn mỹ, không sai lệch bất cứ một milimet nào.
Người phụ nữ cứu tinh
Năm 1970, Campuchia rơi vào nội chiến và bắt đầu lầm than dưới chế độ Khmer Đỏ. Chỉ sau 2 thập niên, các ngành nghề thủ công của Campuchia lần lượt biến mất, trong đó có kỹ thuật dệt thổ cẩm ikat.
“Campuchia là vùng đất giàu có tài nguyên thiên nhiên và truyền thống”, Sophea Pheach, nghệ nhân dệt thủ công chia sẻ. “Thế nhưng, chúng tôi đã đánh mất tất cả, từ con người cho đến tận bản sắc văn hóa”.
Những năm nội chiến, Pheach may mắn sống sót nhờ là con gái của một nhà ngoại giao và người này đã sớm đưa cả gia đình tới Paris (Pháp) định cư. Vì thương quê hương và muốn tìm về nguồn cuội, Pheach đã tìm tới các trại tị nạn dành cho người Campuchia ở Thái Lan. Năm 1991, cô hồi hương. Năm 1992, Pheach thành lập làng Sovanaphoum Komar, cưu mang trẻ em Campuchia mồ côi vì chiến tranh.
“Tôi muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Và tôi càng muốn hồi sinh một cái gì đó tôn vinh vẻ đẹp, thể hiện phẩm giá tâm hồn người Khmer”, Pheach tâm sự.
Sau nhiều năm tìm hiểu và cân nhắc, Pheach chọn thổ cẩm ikat. Năm 2002, cô thiết lập dự án hồi sinh loại lụa cổ truyền này: Lụa Vàng (Golden Silk).
Hành trình 20 năm
“Đầu tiên, tôi phải lục tìm từ các hình chạm khắc đến những mẫu lụa ikat vẫn còn sót lại trong Bảo tàng Quốc gia Campuchia ở Phnom Penh. Chỉ mỗi việc tìm kiếm và mày mò tái tạo các kỹ thuật dệt bị thất truyền này cũng đã mất cả 10 năm”, Pheach cho biết.
May cho Pheach là nhiều bức phù điêu cổ thuộc Thời kỳ Angkor có phác họa nghề dệt cũng như các họa tiết lụa ikat. Nhờ chúng, cô có thể phỏng đoán các bước, thử nghiệm và tìm thấy chìa khóa. Tuy nhiên, Pheach lại gặp rắc rối trong việc tìm nguồn dâu và tằm vàng.
Trong Thời kỳ Khmer Đỏ, các giống dâu nuôi tằm vàng ở Campuchia đã bị phá hủy gần hết. Vào năm 1979, cả vương quốc Campuchia cũng chỉ còn lại có 47 giống cây dâu.
“Tôi phải tìm kiếm mãi mới quy tụ được 29 giống dâu địa phương, đem trồng an toàn sinh học (tức là không hóa chất, thuốc trừ sâu)”, Pheach kể. “Tằm vàng là sinh vật vô cùng nhạy cảm, khó nuôi. Nó kén ăn, đòi hỏi lá dâu phải tươi và tuyệt đối không nhiễm hóa chất”.
Nếu một con tằm trắng cho 1.400 momme (đơn vị đo sợi tơ) thì một con tằm vàng chỉ cho 300 – 400 momme. May là khí hậu miền Bắc Campuchia lại thuận lợi nuôi tằm vàng, nên Pheach đã nhanh chóng có được mẻ tơ đầu tiên và bắt tay vào tái dệt lụa ikat.
“Người Campuchia tín niệm, đời sau có trách nhiệm và nghĩa vụ tôn vinh, lưu truyền các giá trị văn hóa, đạo đức của tổ tiên”, George Chigas (Mỹ) - giáo sư môn Campuchia học của Đại học Massachusetts Lowell giải thích.
Nỗ lực của Pheach lập tức được mọi người quan tâm, khuyến khích. Bản thân Pheach cũng ngày càng tham vọng hơn. Cô ao ước sẽ thành công gây dựng lại nghề dệt ikat, xem nó như một phương tiện “dệt nên tương lai của đất nước”.
Có điều, dệt ikat cực kỳ công phu, tốn thời gian. Nó dẫn đến việc giá thành của loại lụa này cũng đắt chẳng kém gì vàng. Hiện, chỉ một chiếc khăn choàng ikat cũng đáng giá 3 nghìn USD (tương đương 69 triệu đồng), và một tấm ikat treo tường có giá lên đến 30 nghìn USD (tương đương 1,14 tỷ đồng).
Pheach hiện là giám đốc Trung tâm Tơ lụa Quốc gia Campuchia (National Center of Cambodian Silk). Nhờ có Lụa vàng của cô, vương quốc này không chỉ thành công hồi sinh một nghề thủ công truyền thống đã mất, mà còn tạo công ăn việc làm cho hơn 100 người. Đa phần họ có tiền thân là trẻ không nơi nương tựa vì nội chiến. Biết ơn và yêu quý Pheach, họ gọi cô bằng biệt danh thân mật nhất: Mẹ yêu (Mummy).