Camera trong trường, lớp học: Quan trọng là tâm người thầy

GD&TĐ - Nhiều CBQL và GV cho rằng, nếu sử dụng camera trong lớp học như một kênh để giám sát, quản lý, GV  dễ nảy sinh tâm lý đối phó, làm cho “tròn vai”. Thậm chí nguy hiểm hơn nữa là với sự ức chế trong quá trình lên lớp, GV sẽ bị triệt tiêu sự sáng tạo, vốn rất cần trong quá trình dạy – học. 

Giờ học làm bánh của Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)
Giờ học làm bánh của Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Camera không phải… mắt thần

Đến nay, 100% trường mầm non công lập trên địa bàn quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đều lắp camera trong lớp học. Ở bậc tiểu học và THCS, việc gắn camera chủ yếu ở khu vực cổng trường, hành lang, trước khu vực vệ sinh. Tuy nhiên, bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu khẳng định: Việc trang bị camera ở các trường mầm non công lập chỉ để phục vụ cho công tác quản lý của ban giám hiệu (BGH) các trường chứ không trực tuyến cho phụ huynh xem hàng ngày. Chỉ khi có những trường hợp cần thiết, BGH có thể trích xuất camera cho phụ huynh xem.

Cô Phan Lê Quỳnh Chi, GV Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Khi nhà trường tiến hành lắp camera trong lớp học, tâm lý của GV rất căng thẳng, lúc nào cũng có cảm giác ai đó đang giám sát mọi hoạt động của mình. Rồi camera chỉ đơn thuần là hình ảnh, không phản ánh hết được những hoạt động trong lớp của cả GV và trẻ, đơn cử như chỉ một hoạt động cô nắm tay bé về phía mình, nhưng nhìn trên camera đôi khi lại rất phản cảm và nặng nề, như cô đang giằng co, kéo bé. Nhưng đúng là có những tình huống, nhờ có camera, GV tự bảo vệ được mình trước những nghi ngờ của phụ huynh. Sau một thời gian, GV gần như quên sự tồn tại của camera trong lớp học vì mình yêu trẻ thật sự, chăm sóc trẻ bằng cái tâm và có phương pháp sư phạm”.

Ông Nguyễn Quang Tiệp, Quản lý Trường Mầm non Ngôi sao sáng (quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết: Ở bậc học nào, việc gắn camera ở những vị trí như bếp ăn, nhà xe hay cổng trường, những góc khuất để nhằm đảm bảo an ninh an toàn là cần thiết.

Tuy nhiên, với bậc mầm non, lứa tuổi các em còn nhỏ, chủ yếu nuôi nấng, chăm sóc nên cần gắn camera trong lớp để nhà quản lý dễ dàng theo dõi các hoạt động này. Ở lứa tuổi lớn hơn (tiểu học, THCS), theo tôi không nên gắn camera trong lớp học, điều đó sẽ tạo sự không thoải mái cho các em học sinh. Các con lớn rồi, chúng ta cần tôn trọng sự riêng tư, quyền của trẻ. Tôi lấy ví dụ, ở lớp 1, khi các con học bán trú, thay quần áo ngủ thường diễn ra ở trong lớp, nếu camera quay lại, nếu chẳng may bị phát tán lên mạng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Đó là chưa kể, nếu trong lớp có học sinh học hòa nhập, cần có sự tôn trọng các em.

Còn theo chị Nguyễn Mai Hường (chung cư 4S Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM), nên gắn camera trong lớp khối mầm non và tiểu học; còn ở bậc THCS và THPT, HS đã lớn nên không cần thiết.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Học sinh - camera giám sát tinh tế và chân thực nhất

Cô Trần Thị Kim Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nêu quan điểm: “Tâm lý chung khi biết mình bị theo dõi, giám sát bao giờ cũng gây cho người trong cuộc cảm giác căng cứng, sẽ không có kết quả tốt”.

Cho rằng, lắp camera ở cổng trường, ở các khu vực hành lang là cần thiết vì giúp cho CBQL có thể bao quát hết các hoạt động diễn ra trong trường học. Nhưng ở trong lớp học, theo cô Trần Thị Kim Bình thì không nên vì người thầy nếu bị giám sát chặt chẽ quá dễ mất sự sáng tạo, luôn luôn lo đối phó. “Cái gì tự nhiên cũng sẽ tốt hơn, mình đang mong muốn và vẫn hướng tới tâm huyết, sự nhiệt tình của người thầy phải toát từ trong tâm ra. Mà điều này không gì có thể giám sát được hết. Đừng vì một số ít thầy cô cũng như một số bộ phận phục vụ trong trường học chưa tốt mà đặt camera giám sát cả một tập thể” – cô Kim Bình bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng: “Trong trường học, không thiếu gì kênh để giám sát và theo dõi các hoạt động trên lớp của giáo viên, như sự phản hồi của HS, phụ huynh thậm chí cả đồng nghiệp trong cùng tổ chuyên môn. Đây mới chính là những camera phản ánh sống động nhất hiệu quả đứng lớp của GV chứ không phải là những mắt camera vô cảm gắn ở đâu đó trên tường lớp học”.

Là tác giả của cuốn Cẩm nang sư phạm, đồng thời là chuyên viên tham vấn tâm lý, TS Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM, bày tỏ quan điểm: “Mọi người hay bàn về gắn camera trong trường, lớp học, vậy cũng nên đặt câu hỏi, chúng ta có bao nhiêu trường học? Gắn camera thì kinh phí lấy từ đâu, xã hội hoá GD hay là từ ngân sách? Có cần đội ngũ kĩ thuật, giám sát camera hay không?”.

Theo TS Phạm Thị Thúy, thay vì lãng phí tiền của đi tìm những cá biệt, tạo áp lực lớn cho đội ngũ nhà giáo, tạo sự bất tín với các thầy cô giáo của con em mình, chúng ta nên nghĩ đến giải quyết gốc rễ vấn đề: Làm sao cung cấp cho giáo viên bộ công cụ kỹ năng sư phạm, phương pháp sư phạm, kỹ năng kiềm chế cảm xúc... giáo dục về đạo đức nghề giáo. Làm sao lựa chọn, bồi dưỡng những giáo viên tốt ngay từ trên ghế trường sư phạm.

Và quan trọng nữa chính là mỗi gia đình luôn đồng hành cùng con trong học tập, chú trọng giáo dục đạo đức cho trẻ. Các vụ bạo hành chỉ là câu chuyện của những cá nhân, “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu không đặt niềm tin vào người thầy, nếu thầy cô đến trường, lên lớp không còn hạnh phúc, môi trường giáo dục, học sinh cũng sẽ không còn “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Chỉ cần đi ngang qua hành lang lớp học để quan sát, cũng đã có thể đánh giá phần nào chất lượng giờ dạy của GV thông qua thái độ của HS, nề nếp lớp học, cử chỉ, lời nói của cô giáo…  Người CBQL, tốt nhất làm sao để người thầy trong lớp học làm hết trách nhiệm của mình với tinh thần cao nhất, tâm huyết nhất đối với trò. Cô Trần Thị Kim Bình 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ