“Camera không thể giải quyết gốc rễ vấn nạn bạo hành trẻ mầm non”

GD&TĐ - Đó là điều mà cô Nguyễn Như Ngọc- nguyên giáo viên trường mầm non Tân Phú, người từng có 8 năm làm giáo viên mầm non chia sẻ tại tọa đàm “"Bạo hành trẻ mầm non, vì đâu nên nỗi?" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 1/12 tại Trường ĐH Sài Gòn.

Các chuyên gia, luật sư và giáo viên cùng trao đổi tại tọa đàm
Các chuyên gia, luật sư và giáo viên cùng trao đổi tại tọa đàm

Xóa bạo hành trẻ - cần giải pháp từ gốc rễ

Theo cô Ngọc, để giải quyết tận gốc rễ của vấn nạn bạo hành trẻ mầm non không thể chỉ dựa vào công cụ giám sát là Camera. Bởi một khi giáo viên đã có khuynh hướng bạo hành trẻ, họ vẫn sẽ có cách để bạo hành trẻ ở góc Camera không thể giám sát.

“Vấn đề gốc rễ của bạo hành trẻ nằm ở chính cá nhân giáo viên, phụ thuộc nhiều vào cái tâm của người giáo viên. Dạy dỗ và yêu thương trẻ tốt hay không không phụ thuộc vào đó là trường công lập hay tư thục, tất cả đều do con người.

Giáo viên mầm non là công việc rất cực nhọc và chịu nhiều áp lực. Vì vậy, người giáo viên phải thực sự yêu thương trẻ con bởi nếu xem công việc này chỉ để kiếm tiền thì nên kiếm việc khác”- cô Ngọc chia sẻ.

Học sinh Khoa sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn trao đổi với các chuyên gia
Học sinh Khoa sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn trao đổi với các chuyên gia

Nhìn nhận một cách thẳng thắn và trực diện vấn nạn bạo hành trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao-Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn cho rằng: Để xảy ra việc trẻ bạo hành lỗi của phụ huynh cũng có phần không nhỏ.

Theo TS Quỳnh Dao, chính thói quen khoán trắng con cho nhà trường, cùng việc nhiều phụ huynh thiếu các kỹ năng nhận biết các dấu hiệu trẻ bị bạo hành ( qua trực quan quan sát thân thể bé), phương thức dạy, cách gợi mở và nói chuyện với con đã vô tình tiếp tay cho mầm mống bạo hành trẻ nảy sinh.

“Thực tế, một khi giáo viên đã có chủ đích bạo hành, xem giải pháp đòn roi là giải pháp dạy dỗ và răn đe trẻ thì các phụ huynh cần tự trang bị cho mình những kỹ năng nhận biết và nói chuyện với trẻ.

Bởi nếu phụ huynh có phương pháp nói chuyện tốt với con, sớm nhận biết được các dấu hiệu trẻ đang bị bạo hành…việc bạo hành trẻ nếu có cũng sẽ không nghiêm trọng như trường hợp Mầm Xanh.”- TS Quỳnh Dao nói.

Cần quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần giáo viên

Tại hội thảo các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân khiến giáo viên bạo hành trẻ vẫn xảy ra đến từ việc giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, suy thoái đạo đức, tâm lý ức chế dồn nén lâu ngày….

Vì vậy, ngoài các giải pháp phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, giải pháp gắn Camera, cũng như thay đổi và bổ sung thêm nhiều điều trong đào tạo đội ngũ giáo viên mới nhằm giảm thiểu vấn nạn bạo hành trẻ, TS Quỳnh Dao còn chỉ ra một yếu tố vô cùng quan trọng, cần tháo “nút thắt” mà mọi người không chú ý ( cán bộ quản lý, chủ trường) chính là nguyên nhân tâm lý bất ổn của giáo viên.

Cô Nguyễn Như Ngọc-nguyên giáo viên mầm non Tân Phú chia sẻ tại buổi tọa đàm
Cô Nguyễn Như Ngọc-nguyên giáo viên mầm non Tân Phú chia sẻ tại buổi tọa đàm

“Từ nhiều vụ án bạo hành trẻ tôi theo dõi, tìm hiểu và nhận thấy khi giáo viên ý thức họ là người rất yêu trẻ. Nhưng khi họ rơi vào trạng thái căng thẳng, Stress lâu ngày, trầm cảm thì họ sẽ hành động trong vô thức.

Thậm chí việc bạo hành những người hàng ngày họ rất thương yêu (trẻ em chẳng hạn) lại mang đến cho họ những cảm giác thư giãn, nhẹ nhõm. Đó cũng là điều xảy ra từ nhiều vụ bạo hành mà hành động của giáo viên nhiều khi không ai hiểu và lý giải nổi”-TS Quỳnh Dao phân tích.  

Trước góc nhìn của mình, TS Quỳnh Dao đề nghị cán bộ quản lý các trường mầm non cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sức khỏe tinh thần, tâm lý của giáo viên. Qua đó, có các hoạt động vui chơi, giảm Stress cho giáo viên. Bởi theo TS Quỳnh Dao, thông qua các sinh hoạt mang tính “giảm nhiệt” sự căng thẳng, tinh thần của giáo viên sẽ giúp họ cân bằng lại cảm xúc, hành vi của mình.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền lợi trẻ em TP HCM) cho biết, khoảng ba năm nay chi hội tiếp nhận hàng trăm vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ở khắp nơi, nhiều vụ rất đau lòng. Các vụ bạo hành trẻ ở Hà Nội, Thanh Hóa, TPHCM... vừa qua cho thấy, giáo viên gần như không được trang bị đầy đủ kỹ năng sư phạm, cũng như sự ức chế tâm lý, biểu hiện Stress của giáo viên rất rõ.

Các chuyên gia và cán bộ quản lý, giáo viên chụp ảnh kỉ niệm tại tọa đàm
Các chuyên gia và cán bộ quản lý, giáo viên chụp ảnh kỉ niệm tại tọa đàm

Vì vậy, theo luật sư Nữ bên cạnh việc quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần giáo viên thì ngành giáo dục, luật pháp cần tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ. Song song đó, cơ quan chức năng cần rốt ráo kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện.

Đặc biệt, công tác đào tạo giáo viên mầm non (chương trình) cần phải khắt khe và chuẩn mực hơn. Thậm chí cần phải nghiên cứu đưa vào chương trình đào tạo Luật bảo vệ trẻ em, các chính sách pháp luật cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ