Cấm vận Nga làm khó đường lên vũ trụ

GD&TĐ - Lệnh cấm vận nặng nề các nước phương Tây đang áp đặt lên Nga khiến nhiều lĩnh vực của thế giới điêu đứng, đặc biệt là ngành công nghiệp vũ trụ mà Nga đang giữ vị trí số một toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Các công ty hàng không vũ trụ tại châu Á đang phải vật lộn tìm đối tác mới để thay thế dịch vụ phóng tên lửa Soyuz của Nga. Thậm chí trong nhiều năm qua, chính nước Mỹ cũng phải phụ thuộc vào hệ thống tên lửa này của Nga để thực hiện các chuyến bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Synspective, một nhà điều hành dịch vụ phóng vệ tinh có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đã lên kế hoạch phóng các vệ tinh bằng hệ thống tên lửa Soyuz vào tháng 9 tới, nhưng kế hoạch này đang phải xem xét lại sau khi Nga bị phương Tây áp lệnh trừng phạt vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Công ty này đang phải chuyển hướng sang các nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh của Mỹ là Rocket Lab để thay thế.

Tuy nhiên, đối với các công ty khởi nghiệp trong ngành vũ trụ như Synspective thì chỉ cần một sự chậm lại trong các dự án như trên cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến họ thất bại, do họ luôn cần giữ chân các nhà đầu tư bằng kế hoạch chặt chẽ.

Một nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh khác của Nhật Bản là Axelspac cũng có kế hoạch phóng 4 vệ tinh quang học bằng tên lửa Soyuz của Nga vào quý IV năm nay.

Axelspace cũng đang phải tính phương án B do tình hình cấm vận Nga gây ra.

Shigeki Kuzuoka, người điều hành Công ty tư vấn không gian Euroconsult tại Nhật Bản, nhận định, các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh của Nhật cũng như các nước châu Á nói chung đang phải xem xét các lựa chọn khác ngoài Nga. Một số thậm chí có thể cân nhắc sử dụng các dịch vụ thương mại vũ trụ của Trung Quốc.

Trong khi đó, Nga đang sử dụng ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu để chống lại các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây. Cơ quan Vũ trụ Nga (ROSCOSMOS) đã chặn Tập đoàn OneWeb của Anh sử dụng tên lửa Soyuz để phóng vệ tinh.

Cơ quan này cũng rút khỏi dịch vụ phóng vệ tinh thương mại chung với hãng Arianespace của Pháp. Giám đốc ROSCOSMOS Dmitry Rogozin thậm chí cảnh báo Nga sẽ ngừng hợp tác trong hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Vai trò của Nga trong ngành vũ trụ chủ yếu đến từ dịch vụ phóng tên lửa Soyuz rất đáng tin cậy lên không gian. Gần đây nhất là tháng 12/2021, chính loại tên lửa Soyuz của Nga này đã đưa tỷ phú Yusaku Maezawa trở thành công dân Nhật Bản đầu tiên đến thăm Trạm ISS trong một chuyến đi do Công ty du lịch Space Adventures của Mỹ tổ chức.

Đối với các đơn vị hàng không vũ trụ quốc tế, việc phải từ bỏ các lựa chọn sử dụng tên lửa Soyuz của Nga vào thời điểm này là không hề dễ dàng. Nhật Bản cũng đang tìm cách hạn chế phụ thuộc nước ngoài bằng cách sắp ra mắt tên lửa đẩy vũ trụ H3, được thiết kế có thể phóng thường xuyên từ 6 đến 12 lần một năm. Tuy nhiên, kế hoạch ra mắt tên lửa này vẫn đang phải hoãn lại vì nhiều lý do.

Tương tự như vậy, hoạt động phóng vệ tinh lên vũ trụ của Hàn Quốc cũng đang gặp thách thức do phụ thuộc vào tên lửa của Nga.

Vệ tinh đa năng Arirang 6 của nước này được lên kế hoạch phóng từ Nga vào nửa cuối năm nay, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga có cho phép dự án được tiến hành hay không. Trong trường hợp xấu họ sẽ phải tìm các giải pháp thay thế như SpaceX ở Mỹ và Arianespace ở châu Âu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.