Cam thảo đã được sử dụng trong y học từ nhiều thế kỷ có thể giúp ngăn ngừa loét dạ dày, trị ho và cảm lạnh, giảm chứng khó tiêu, giảm các cơn bốc hỏa khi mãn kinh và thậm chí làm giảm nguy cơ một số bệnh ung thư.
Chất isoliquiritigenin của cam thảo còn được thêm vào thực phẩm chức năng và trà, nó cũng được sử dụng để tạo hương vị cho một số loại thuốc lá. Tuy nhiên cam thảo cũng có những tác hại khủng khiếp nếu quá lạm dụng.
Nguy cơ làm giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ
Cam thảo có tác dụng rất tốt cho cơ thể tuy nhiên nó cũng có tác hại đáng sợ nếu quá lạm dụng.
Theo một công bố trên tạp chí Reproductive Toxicology, nếu tiếp xúc với hợp chất cam thảo isoliquiritigenin có nguy cơ làm giảm biểu hiện của các gen liên quan đến sản sinh hoóc môn sinh dục, dẫn đến giảm sản sinh estrogen.
Mặc dù nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Illinois không cho biết hoóc môn sinh dục ảnh hưởng sức khỏe sinh sản như thế nào, nhưng họ nói rằng mức giảm tương tự ở người có thể có những tác động nghiêm trọng đối với khả năng sinh sản.
Khi các nang trứng tiếp xúc với nồng độ cao của isoliquiritigenin, các nhà nghiên cứu nhận thấy giảm biểu hiện của các gen liên quan đến sản sinh hoóc môn sinh dục.
Cụ thể, họ thấy giảm tối thiếu 50% trong biểu hiện của một gen aromatase - một enzym chịu trách nhiệm chuyển testosterone thành estrogen.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng phát hiện này chỉ là sơ bộ và cần nghiên cứu thêm trên động vật sống. Tuy nhiên, nhóm tin rằng những kết quả ban đầu gợi ý isoliquiritigenin có thể thúc đẩy những trục trặc về sinh sản và các vấn đề sức khỏe khác.
Ủng hộ cho giả thuyết này, các tác giả cũng chỉ ra rằng các chất ức chế aromatase được sử dụng trong điều trị ung thư để ngăn chặn sự phát triển khối u, nhưng một tác dụng phụ của các thuốc này là giảm khả năng sinh sản. Do đó, isoliquiritigenin có thể có hiệu ứng tương tự.
"Điều này có thể dẫn đến kết quả tốt ở những mô nhất định, tùy thuộc vào liều lượng và thời gian tiếp xúc. Tuy nhiên ở buồng trứng, nếu giảm aromatase, bạn cũng giảm estrogen, và do đó khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng" - Các tác giả kết luận.
Gây rối loạn cơ và nhịp tim
Ở người, uống quá nhiều nước cam thảo đặc (>100g nước chiết) gây tăng huyết áp, giảm kali trong máu. 1 - 2% người bệnh bị tăng huyết áp động mạch có sử dụng nhiều sản phẩm chứa cam thảo như nước, kẹo.
Nếu dùng nhiều hơn 5g glycyrizin một lúc gây chứng rối loạn cơ và rối loạn nhịp tim. Người bị bệnh gan khi sử dụng cam thảo thì các triệu chứng trên rõ nét hơn.
Nguy cơ tăng huyết áp nếu kết hợp cam thảo với nhân trần
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, trong Đông y, nhân trần có vị đắng, cay, tính hàn, lợi mật, nhuận gan, chủ trị chứng hoàng đản viêm gan (vàng da), viêm túi mật, giải cảm nhiệt, đau đầu, chảy nước mũi, đau họng, bụng đầy trướng, tiểu tiện bí,... và nhất là các chứng bệnh của phụ nữ sau sinh.
Còn cam thảo bổ khí, thanh nhiệt, giải độc, chủ trị các chứng tỳ vị hư nhược, ho suyễn, hầu họng sưng đau, giải độc thuốc và thức ăn, chống suy nhược… Trong các phương thuốc cổ truyền, cam thảo thường giữ vai trò là tá, nghĩa là có tác dụng dẫn thuốc vào kinh.
Mặc dù cả hai vị thuốc đều có những công dụng tốt nhưng nếu phối hợp lại với nhau thì thành không tốt, bởi cam thảo có tính chất giữ nước trong khi nhân trần lại giúp đào thải.
Chính vì vậy, thói quen uống nhân trần cho thêm cam thảo, chẳng những không có lợi mà còn tiềm ẩn nguy hại bởi tương tác thuốc, nhất là bệnh tăng huyết áp.