Cảm ơn ông rất nhiều!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cháu rất yêu tiếng Việt! Với cháu, tiếng Việt là ngôn ngữ rất thú vị và phong phú.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Kính gửi ông Hoàng Phê!

Cháu rất yêu tiếng Việt! Với cháu, tiếng Việt là ngôn ngữ rất thú vị và phong phú không chỉ về số lượng từ vựng, mà còn về những biến thể từ ngữ tại các vùng miền khác nhau.

Chẳng hạn, thay vì nói “cái bát” như miền Bắc, miền Nam lại gọi là “cái chén”. Và cuốn “Từ điển chính tả” mà ông biên soạn đã góp phần đem lại sự thống nhất trên các văn bản, chữ viết; giúp mọi người trên khắp Việt Nam có thể đọc hiểu tiếng Việt một cách dễ dàng.

Cháu được biết, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã có tinh thần hiếu học, cũng như có lòng yêu nước. Ông đã tham gia cách mạng từ năm 1946 và kể từ năm 1959, ông đã dành cả cuộc đời mình cho ngành Ngôn ngữ học của nước nhà.

Ông đã từng là tổ trưởng tổ Ngôn ngữ học, Viện Văn học, thuộc Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước từ năm 1959 - 1968; cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Ngôn ngữ học từ năm 1968 cho tới tận những ngày cuối cùng trước khi ông về hưu (1997).

Ông đã công bố rất nhiều công trình khoa học về tiếng Việt, như: “Vấn đề chữ Quốc ngữ” (1960), “Về cách viết tên người và tên địa lý nước ngoài” (1963), “Ý kiến về một vấn đề nhỏ: Ưu hay iu?” (1973), “Từ điển tiếng Việt phổ thông” (1975), và cả cuốn “Từ điển chính tả” – công trình đã được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005…

Giáo sư Hoàng Phê (1919 – 2005).

Giáo sư Hoàng Phê (1919 – 2005).

Cho dù bây giờ đã có rất nhiều cuốn từ điển chính tả, nhưng cháu nghĩ rằng sẽ hiếm có cuốn từ điển nào lại có thể “đọ” được sự rõ ràng, rành mạch và dễ dàng tra cứu như cuốn từ điển của ông. Có lẽ, nếu có hỏi bất cứ ai về cuốn từ điển chính tả mà họ biết, câu trả lời đầu tiên của họ sẽ là cuốn từ điển của ông đấy!

Trong cuốn sách, mỗi mục từ ngữ bất kì luôn được ông làm cụ thể với đầy đủ 7 phần: Tên mục từ, từ đơn tiết, thành ngữ, tục ngữ nêu làm ví dụ, những từ ghép hai, ba âm tiết có yếu tố đầu là âm tiết mục từ, những từ ghép hai, ba âm tiết có yếu tố cuối là âm tiết mục từ, từ mượn của tiếng nước ngoài, và cuối cùng là âm tiết đồng âm phương ngữ.

Khi đó, mọi từ ngữ tiếng Việt còn tranh cãi về “r/ d/ gi”, “l/ n” hay các âm tiết bỗng trở nên rõ ràng và sáng nghĩa. Mỗi khi còn cảm thấy có gì thắc mắc giữa các cách viết từ ngữ, ngay lập tức cháu sẽ mở ngay cuốn từ điển của ông để tra cứu. Chính nhờ sự rõ ràng, trong sáng ấy mà ông có biết không, bây giờ mọi văn bản, từ ngữ tiếng Việt đều được quy chuẩn dựa trên cuốn từ điển của ông đấy!

Với cháu, ông chính là một tấm gương của sự tự vượt khó và vươn lên trong cuộc sống. Tuy không phải là người được đào tạo bài bản về ngành Ngôn ngữ học, nhưng ông đã tự học, tự nghiên cứu, để rồi từng ngày vươn lên, trở thành chuyên gia hàng đầu về tiếng Việt.

Ông luôn khiêm nhường và tôn trọng các ý kiến của người khác. Ngày biên soạn ấn bản đầu tiên của “Từ điển chính tả”, ông đã miệt mài đọc và duyệt qua 36 nghìn mục từ, gồm hơn 72 nghìn phiếu định nghĩa mà không hề có sự trợ giúp của bất kì phương tiện kỹ thuật hay máy móc nào.

Cuốn 'Từ điển chính tả' giúp mọi người trên khắp Việt Nam có thể đọc hiểu tiếng Việt một cách dễ dàng. Ảnh: TK

Cuốn 'Từ điển chính tả' giúp mọi người trên khắp Việt Nam có thể đọc hiểu tiếng Việt một cách dễ dàng. Ảnh: TK

Nếu là cháu mà phải làm một mình với khối lượng công việc lớn như vậy, có lẽ cháu sẽ bỏ cuộc mất thôi! Thậm chí, khi bị đau lưng và không thể ngồi xuống, ông vẫn không nghỉ ngơi mà tự chỉnh sửa chiếc bàn để có thể làm việc tiếp theo tư thế… đứng, cho dù đôi chân mỏi đến cỡ nào. Có lẽ, không sự trở ngại nào có thể ngăn cản được tình yêu với tiếng Việt của ông, ông nhỉ?

Ông luôn là một vị anh hùng trong lòng cháu. Với cháu, anh hùng không chỉ là những vị tướng, những anh hùng dám xông pha chiến trận và lập được công lớn như Ngô Quyền, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo…, mà còn là những người có sự đóng góp giúp cho nền văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển hơn.

Ông chính là người anh hùng với những đóng góp to lớn cho nền văn hóa của Việt Nam. Ông đã tiên phong trong công cuộc chuẩn hóa tiếng Việt, cũng như giúp tiếng Việt trở nên trong sáng hơn, giúp các từ ngữ được hiểu theo đúng nghĩa tại đúng hoàn cảnh, không bị hiểu lầm một cách lệch lạc, tiêu cực.

Tuy ông đã đi xa gần 20 năm, nhưng cuốn từ điển của ông vẫn còn đó. Cuốn sách đã qua nhiều lần được thế hệ sau cải biên và thêm những từ ngữ mới, nhưng vẫn luôn là quy chuẩn tin cậy nhất của tiếng Việt.

Ông cũng luôn là một tấm gương lớn để cháu có thể học tập và noi theo. Cháu tự thấy mình vẫn còn một số điểm hạn chế, chẳng hạn như vẫn còn lười biếng, dễ mang tâm trạng chán nản khi phải làm công việc lặp đi lặp lại. Cháu sẽ quyết tâm học tập theo ông, để từ đó có thể tự hoàn thiện những điều mà cháu vẫn còn chưa làm được.

Tạm biệt ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ