Sau năm 1975, trong khuôn khổ cố gắng giới thiệu kho di sản Hán Nôm của Nam Bộ, tôi (Nguyễn Khắc Thuần) đã bỏ công phiên âm, dịch nghĩa, hiệu đính, chú giải và biên soạn khá nhiều tác phẩm từ tư liệu chữ Hán hoặc chữ Nôm của các tác giả lớn như Dinh đức hầu Vũ Thế Dinh, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp, Bủi Hữu Nghĩa.
Thú thực khi còn ở Hà Nội và cả thời gian đầu khi mới vào chiến khu B2 (tức Nam Bộ), tôi không mấy mặn mà với văn học miền Nam. Tôi không đúng nhưng nói cho công bằng, tôi cũng không hoàn toàn sai.
Bấy giờ đất nước bị chia cắt, kho tư liệu về văn học miền Nam thời trung đại và cận đại lưu trữ tại Hà Nội chưa nhiều như ngày nay, phần lớn những gì xã hội tiếp nhận được đều nhờ ở trí nhớ của các học giả miền Nam tập kết ra Bắc.
Suy nghĩ từ những gì chắt lọc được trong tư liệu do nhớ được mà có, đương nhiên sẽ khó hấp dẫn và giàu sức thuyết phục như khi trực tiếp đọc bản gốc.
Hồi đó tôi chỉ say mê với các tác phẩm ra đời tại Tao Đàn Chiêu Anh Các đặc biệt là những áng hùng thi ca ngợi thiên nhiên Hà Tiên của Mạc Thiên Tích, tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó.
Thơ văn của Bình Dương Thi Xã (tức Sơn Hội) hay Bạch Mai Thi xã do không có nguyên tác chữ Hán hay chữ Nôm nên tôi cũng không hào hứng đọc. Từ không hào hứng đến chỗ đánh giá chưa đúng luôn luôn đồng hành với nhau và cảm giác đó đã theo tôi vào Nam.
Năm 1972, sau khi kết thúc một lớp học ngắn hạn, Thành đoàn tổ chức liên hoan. Phía tiểu ban Văn nghệ có nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Hoài Vũ cùng một số cán bộ khác tới dự, trong số đó có tôi. Trước khi đi tôi cứ nghĩ đã liên hoan và trân trọng mời khách tới, chí ít cũng phải có vài ba con vịt luộc chấm mắm gừng, chẳng dè món ăn duy nhất là củ mì lùi trong bếp lửa trại.
Nam nữ thanh niên ăn xong, tay và miệng còn dính đầy mì và vỏ mì cháy, đã chạy vòng tròn chung quanh đống lửa trại, người sau nắm chuôi áo người trước và vui vẻ hát:
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra
Gặp phải đàn bà cõng mẹ chạy vô
Vấn Tiên cõng mẹ chạy vô
Gặp phải cái bồ cõng mẹ chạy ra.
Tôi chịu hết nổi nhưng vẫn lịch thiệp cười rất tươi rồi xin phép về vì nhiệm vụ của tôi là phải thường xuyên nghe đài BBC (kể cả chương trình tiếng Hoa và chương trình tiếng Việt). Đúng là tôi phải nghe BBC nhưng đấy không phải lý do chính.
Hôm đó tôi đã sửng sốt bởi đài BBC đưa một tin rất lạ. Sau khi Mỹ bắt tay với Trung Quốc, có hai nhà nghiên cứu nghệ thuật của Mỹ đã đến Bắc Kinh và cùng đi xem kinh kịch. Xem chưa xong, một người cau có nói là dở quá phải về khách sạn nghỉ ngơi thôi. Người thứ hai ấn vai người thứ nhất, nhẹ nhàng bảo hãy ngồi xuống đi vì hàng trăm triệu nhân dân Trung Quốc say mê kinh kịch trong nhiều thế kỷ, chắc chắn kinh kịch phải có chỗ hay. Chẳng lẽ ông thua dân họ hay sao.
Chao ơi, lời của đài BBC chẳng khác lời mắng xéo đối với tôi. Dân Nam Bộ mê Lục Vân Tiên nên thích nói thơ Lục Vân Tiên, đố chữ Lục Vân Tiên, dựng cải lương Lục Vân Tiên, viết kịch Lục Vân Tiên… Hóa ra, từ trong truyện thơ, Lục Vân Tiên đã đi vào lòng người và đại diện cho tính cách đầy khí khái của người Nam Bộ.
Trong Truyện Lục Vân Tiên có không ít những câu chưa kịp trau chuốt nhưng vượt lên trên tất cả, Lục Vân Tiên là Lục Vân Tiên, có lẽ chưa từng có nhân vật văn học nào giàu năng lực đi vào sâu thẳm cõi lòng của người đọc như vậy. Tôi tự thẹn với chính mình, tự thấy đắc tội với Cụ Đồ Chiểu, với những cây bút tài hoa cùng sống và viết với Cụ Đồ Chiểu.
Kể từ đó tôi chăm chú đọc nguyên bản các trước tác của Nguyễn Đình Chiểu, của Phan Văn Trị, của Huỳnh Mẫn Đạt, của Hồ Huân Nghiệp, của Nguyễn Hữu Huân…
Phải nói là hình như không mấy ai chịu chơi như ông Trần Bạch Đằng - Trưởng ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định. Tôi vì được phân công thêm nhiệm vụ nghiên cứu văn học đô thị nên được đề nghị mua sách tham khảo từ Sài Gòn ra, nhân cơ hội đó, tôi tìm cách rỉ tai nhờ giao liên mua hộ khá nhiều trước tác chữ Hán và chữ Nôm. Tôi đọc Nguyễn Đình Chiểu và đọc tác phẩm của nhiều tác giả miền Nam thế kỷ XVIII và XIX nhờ cách mua sách này.
Lúc ấy, nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi là phải đọc giấu chứ không được để lộ cho ai biết tôi có thể đọc chữ Hán cổ và chữ Nôm. Tuy không nhiều nhưng cũng có những người lạ lắm, hễ thấy ai biết nhiều hơn mình một chút là ghét cay ghét đắng.
Nhưng thôi, họ là họ, tôi chẳng bận tâm, chỉ lo giữ cho lòng mình luôn được thanh thản để còn vui sống và làm việc với đời. Vả lại đang thời chiến tranh, bom đạn kẻ thù giết hại ta quá nhiều rồi, ta đừng bao giờ tự gây tổn thương cho ta nữa.
Tuy ở trong chiến khu nhưng tôi vẫn luôn tự làm nhà riêng (và nói cho ngay, tôi làm nhà cũng đẹp lắm), lặng lẽ ở trong nhà đọc đọc chép chép. Tuy đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm nhưng mỗi địa phương cũng có cách viết, thậm chí cả cách diễn đạt riêng vì thế thông qua công việc này, tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích.
Kiến thức nào cũng vậy, không thường xuyên sử dụng sẽ quên và với tôi, sự quên lãng nhiều nhất là tiếng Khmer. Bao năm sử dụng tưởng đã thành thạo, dè đâu bây giờ quên hết rồi. Văn ôn võ luyện, các cụ nói chẳng sai bao giờ.
Sau năm 1975, do là nhà giáo giảng dạy ở các trường đại học nên tôi tiếp xúc với rất nhiều bộ giáo trình và các bậc Giáo sư.
Nhờ đọc và trò chuyện, tôi thấy có quá nhiều lỗi trong cách hiểu về Truyện Lục Vân Tiên và các tác phẩm khác, bắt đầu là số lượng từ vựng của người Nam Bộ trước thế kỷ XX. Bỗng dưng tôi nhớ đến Giáo sư Đào Duy Anh, người thầy giàu tài năng và đức độ được xã hội rất kính trọng. Nhân dịp ra Hà Nội, tôi xin được thỉnh ý Giáo sư và Giáo sư nói:
- Bác biết con cũng đã khá lâu rồi nên bác hiểu con. Con có hiểu biết rất tốt nhưng xã hội lạ lắm, chẳng ai chịu nghe những lời hay từ người còn trẻ tuổi đâu. Bác là tác giả của cuốn Từ điển Truyện Kiều, có lẽ con nên theo cách đó viết một quyển sách tương tự, ví dụ như Từ điển Truyện Lục Vân Tiên chẳng hạn. Phải rồi, với vốn Hán Nôm đã được trang bị, con hoàn toàn có thể làm việc này. Thiên hạ vẫn thích thấm thía từ sách hơn là chịu lắng nghe người trẻ tuổi. Gắng lên đi, bác tin con.
Về Sài Gòn, tôi đến gặp ông Nguyễn Quảng Tuân, người trước đó có viết chung với tôi quyển Từ ngữ thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và cuốn Phan Văn Trị - cuộc đời và tác phẩm để tham khảo thêm ý kiến.
Cuối cùng, chúng tôi quyết định cùng viết cuốn Từ điển Truyện Lục Vân Tiên. Vì mục đích chung, ai có tư liệu hoặc cách lý giải nào cũng đều phải huy động và ngoài ra, quá trình sưu tập, hệ thống và xử lý cũng được đồng thời tiến hành.
Chúng tôi đã tham khảo 45 bản Truyện Lục Vân Tiên của các tác giả đi trước. Chúng tôi luôn trân trọng nhưng đồng thời cũng luôn thận trọng trước kết quả đã công bố của các bậc tiền bối. Có ba vấn đề nổi bật khiến chúng tôi phải rất quan tâm khi tiến hành biên soạn cuốn Từ điển Truyện Lục Vân Tiên.
Một là phiên âm. Do khác nhau về thổ âm và thổ ngữ nên chữ Nôm do người Nam Bộ viết cũng có khác chữ Nôm do người Trung Bộ hay Bắc Bộ viết. Người Nam Bộ thường nói sao viết vậy cho nên lỗi chính tả không phải ít. Tất nhiên không nên vì thế rồi phiên âm khác đi nhưng phần chú giải phải hết sức cẩn trọng và đầy đủ. Chính những lời chú giải cẩn trọng và đầy đủ sẽ giúp bạn đọc dễ dàng tiếp nhận và hiểu đúng hơn về ý nghĩa và giá trị đích thực của nguyên tác. Xin lấy vài ví dụ trong tổng số nhiều đến cả ngàn ví dụ:
* Chữ chưn (chân) là chân trời lại viết thành chưng (徵) là bày ra.
* Chữ nan (thuyền nan) viết thành nang (囊) là nở nang.
* Chữ ngàng là ngỡ ngàng lại viết thành ngàn (岸) là non ngàn.
Hai là dịch nghĩa. Các bản Truyện Lục Vân Tiên dịch ra Pháp văn do các dịch giả như Abel des Michels, Eugene Gibert, Silizèneo… thỉnh thoảng cũng có chỗ nhầm lẫn cho nên ai tham khảo bản dịch này sẽ không tránh khỏi ngộ nhận. Ví dụ câu Nắng dun chóp nón mưa dầm áo tơiđã được Abel des Michels dịch là lật đật tự phủ lên đầu mình một cái nón rộng vành. Một lần nữa, số câu hiểu sai nên dịch sai không phải ít nhưng chỉ xin nêu một ví dụ tiêu biểu.
Ba là chú giải. Đây là chỗ khó khăn nhất bởi tiếng Việt thế kỷ XIX có nhiều từ khác hẳn với tiếng Việt thế kỷ XX. Thực tế cho hay, có nhiều người vì chỉ biết tiếng Việt hiện đại nên hiểu sai thơ văn Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và hàng loạt các tác giả khác sống và viết từ thế kỷ XIX trở về trước nói chung. Ví dụ Nguyễn Đình Chiểu viết:
Xem mấy trận cờ lau trống sấm
Mỉa mai trận nghĩa gởi tinh binh
Có người thắc mắc rằng đã trận nghĩa sao lại còn mỉa mai nhưng họ có biết đâu vào thế kỷ XIX người Nam Bộ dùng từ mỉa mai (美 埋) để chỉ sự tương tự, gần giống chứ đâu phải là nói mỉa hay sự mai mỉa như chúng ta ngày nay. Lại có người lấy làm khó hiểu khi đọc hai câu thơ trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, rằng:
Con ai vóc ngọc mình vàng
Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng
Dung nhan lạnh lùng còn gì là sắc đẹp nữa nhưng họ có biết đâu vào thời Nguyễn Đình Chiểu hai chữ lạnh lùng (冷 蘢) còn có nghĩa là kiều diễm kỳ lạ chứ đâu phải lạnh lùng chỉ có nghĩa là lạnh lùng như cách hiểu ngày nay.
Lại thêm một lần nữa, đây chỉ là vài ví dụ trong tổng số rất nhiều ví dụ. Nếu không hiểu đúng tất nhiên sẽ khó lòng cảm nhận được giá trị nghệ thuật trong từng câu thơ, câu văn của các đấng tiền bối. Suy rộng ra là trong chỗ chẳng ai ngờ, kho di sản văn hóa của tổ tiên không tránh khỏi hiện tượng bị tổn thương.
Từ điển Truyện Lục Vân Tiên đã góp phần tích cực và tốt đẹp đối với xã hội khi tiếp cận tác phẩm quan trọng này của Nguyễn Đình Chiểu. Những cách hiểu chưa đúng đã từng xuất hiện trong quá khứ sẽ dần dần bị đẩy lùi, xu hướng mở mang nhận thức về nhân vật Lục Vân Tiên và toàn bộ tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên sẽ từng bước được khẳng định. Tôi vui niềm vui của người lao động nghiêm túc.
Ngày 1 tháng 4 năm 1988, nhà văn hóa lớn, nhà giáo và nhà nghiên cứu tài năng phi phàm là Giáo sư Đào Duy Anh về cõi vĩnh hằng. Tôi may mắn đã hoàn tất lời dặn của Giáo sư khi Giáo sư còn tại thế.
Lúc tôi tới thăm, sức khỏe của Giáo sư đã yếu rồi nhưng Giáo sư vẫn cố gắng bắt tay và mỉm cười với tôi. Đó là nụ cười động viên khiến tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Ba mươi năm Từ điển Truyện Lục Vân Tiên, sách đã được tái bản, đã có vinh dự đến với những tủ sách gần xa.
Cùng một số tác phẩm viết về Nguyễn Đình Chiểu và các tác giả khác, với ba mươi năm Từ điển Truyện Lục Vân Tiên tôi cảm thấy được an ủi khi về Ba Tri viếng thăm đền thờ Nguyễn Đình Chiểu - ngọn cờ văn chương yêu nước và chống Pháp thế kỷ XIX.