Cảm nhận và ngẫm về Hà Nội

GD&TĐ - Với 'Đi dọc Hà Nội', tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đem đến góc nhìn hóm hỉnh giúp người đọc cùng đào sâu và cảm nhận, ngẫm ngợi về Hà thành xưa - nay.

Người bán hàng rong cùng tiếng rao in sâu trong tiềm thức người Hà Nội. (Tranh chụp từ triển lãm 'Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội').
Người bán hàng rong cùng tiếng rao in sâu trong tiềm thức người Hà Nội. (Tranh chụp từ triển lãm 'Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội').

Từ những địa danh nổi tiếng như hồ Gươm, Nhà hát Lớn, phố Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân… cho tới cuộc sống thường ngày của người Hà Nội xưa, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đã thật khéo gói gọn trong cuốn sách “Đi dọc Hà Nội” để dẫn dắt người đọc cùng cảm nhận và ngẫm về đất kinh kỳ…

“Vui tai” tiếng rao xưa

Cuốn sách “Đi dọc Hà Nội” được NXB Thời đại ấn hành năm 2012, dày gần 250 trang, chia làm 25 chương. Chưa cần đi sâu vào nội dung, ngay từ tiêu đề “Đi dọc Hà Nội” đã “lật mở” phần nào điều tác giả muốn gửi đến độc giả: Tìm hiểu và ghi chép lại những tập tục của Hà Nội và cuộc sống sinh hoạt của người Hà thành.

Thêm vào đó, hình ảnh cây cầu Long Biên lịch sử “chễm chệ” vắt ngang trên bìa sách đã gợi ý cho độc giả những liên tưởng về nét đẹp xưa của Hà Nội, từ đó phản ánh hiện trạng hiện nay của chúng như tác giả chưa sẻ: “xây dựng trên nền tảng con người, mà nổi trội là những người Hà Nội rất bình thường”, từ đó nhắm đến những khía cạnh của cuộc sống thường ngày của người Hà Nội.

Đó có thể là cách uống rượu của người Hà Nội xưa: “Dân chúng hiếm khi thấy họ uống say còn quan lại và binh sĩ coi uống rượu khỏe được cho là dũng cảm nhưng không uống đến mức không biết gì” (Thụy Chương nấu rượu la cà cả đêm). Thế mới thấy xưa kia người Hà Nội uống rượu một cách có chừng mực, hiểu biết rõ về những tác hại của việc uống quá nhiều rượu, bởi vậy “rất hiếm khi thấy họ uống say”.

Cũng có thể là tục treo chữ và câu đối vào dịp Tết của người Hà thành với mong muốn mọi điều tốt đẹp cho gia đình, tránh đi những điều xui xẻo. Tác giả đã dẫn giải nguồn gốc của phong tục tốt đẹp này khá kỹ lưỡng và vui mừng phản ánh: “Dăm bảy năm nay, Hà Nội lại xuất hiện thú xin chữ thầy đồ trước Tết. Không chỉ “cho” chữ, không ít người còn nhờ thầy viết câu đối. Thật là mừng khi văn hóa chơi chữ và câu đối của kinh thành Thăng Long sống trở lại” (Câu đối và chữ).

Hoặc cũng có thể là ký ức về ban công Juliet - một loại ban công nhô ra mặt đường rất phổ biến thời Pháp thuộc. Những chiếc ban công xinh xắn này, qua “gu” thẩm mỹ của chủ nhân càng trở nên sang trọng và đẹp đẽ hơn khi có thể là những hình vẽ đồng tiền, thể hiện mong muốn giàu sang, hay dòng chữ Phúc - Lộc - Thọ... Và chúng “được đi vào văn chương giai đoạn 1930 - 1945.

Trong truyện ngắn “Con người điêu trá”, Vũ Trọng Phụng có nhắc tới ngôi nhà “rất xinh và rất đẹp” ở phố Hàng Cỏ (nay là phố Trần Hưng Đạo)… rồi bị đánh thuế: “Ngày 15/3/1892, Toàn quyền Đông Dương Chavassieux ký nghị định thu thuế tất cả những gì từ nhà nhô ra phần đường công cộng, trong đó có ban công với mức thu một năm là ba mươi xu trên một mét vuông…” (Ban công Juliet và thuế ban công).

Hay những “Tiếng rao - món quà âm thanh miễn phí” đã gắn bó trong tiềm thức của mỗi người dân Hà Nội, thậm chí cho đến bây giờ vẫn còn, từ “Ai bánh cuốn Thanh Trì ra mua nào”, “Ai xôi ơi” của những người bán đồ ăn sáng cho tới “Bàn nà (là), quạt cháy máy bơm/ Tivi, tủ nạnh (lạnh) nồi cơm đầu giàn/ Công tơ sắt thép nồng (lồng) bàn bán không” của những người thu mua sắt vụn…

Đọc đến những trang sách này, ta không khỏi “vui tai” và tủm tỉm cười cùng tiếng rao xưa để rồi bâng khuâng: Nay còn đâu những lời mời gọi mộc mạc, chân chất, đủ sắc hình? Có chăng chỉ là những tiếng rao qua loa phóng thanh muôn mặt hàng như một...

Nối dài tiếc nuối

Trang bìa độc đáo của cuốn sách 'Đi dọc Hà Nội'. Ảnh: Tấn Quyết

Trang bìa độc đáo của cuốn sách 'Đi dọc Hà Nội'. Ảnh: Tấn Quyết

Sau khi “đi một vòng” giới thiệu mọi thứ về Hà Nội, tác giả dành phần cuối của mỗi chương sách để bàn luận về những nét đẹp văn hóa ấy trong cuộc sống hôm nay. Có thể thấy, để nhường chỗ cho nhịp sống mới, nhiều nét đẹp văn hóa cổ truyền bị mai một, lai tạp, thậm chí biến mất.

Sự thay đổi này quá nhanh chóng nhiều khi không kịp nối tiếp, kế thừa. Có lẽ cũng chính vì vậy, ở phần bình luận, tác giả thường bày tỏ sự tiếc nuối trước thực trạng có những nền nếp sinh hoạt truyền thống không còn được tôn trọng.

Có thể kể tới việc trồng cây xanh trong “Hàng phượng phố Tràng Tiền” giờ đây chỉ được coi để tạo bóng mát: “cây đổ hay mục ruỗng họ lại thay bằng loài khác chẳng ăn nhập gì với hàng cây” mà không để ý đến tính thẩm mĩ, đồng bộ, tạo nên bức tranh nên thơ vốn có của những con phố Hà Nội. Thêm nữa, dường như họ chẳng hề quan tâm tới câu chuyện văn hóa cũng như sự gắn bó với cộng đồng của cây xanh.

Hay các công viên một thời hoạt động hiệu quả, là nơi vui chơi chính của mọi người, thì “hiện nay, đây vẫn chỉ là nơi tập thể dục của người cao tuổi, và chỗ ngủ qua đêm cho kẻ lang thang không nhà” (Vườn hoa và công viên).

Còn nhớ khi xưa, người dân Hà Nội đã hăng hái cùng nhau xây dựng nên công viên Thống Nhất để cộng đồng có nơi vui chơi, thư giãn. Nhưng giờ đây, họ đã lãng quên những công viên ấy, nơi họ từng bỏ công sức làm nên.

Với “Đi dọc Hà Nội”, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đem đến góc nhìn hóm hỉnh, từ đó giúp người đọc cùng đào sâu và cảm nhận, ngẫm ngợi về Hà thành xưa - nay. Đây thực sự là “một cuốn sách khiến bạn thêm hiểu và yêu Hà Nội” và nhắc nhở mọi người nâng cao trách nhiệm giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của Thủ đô yêu dấu...

Nguyễn Ngọc Tiến được coi là một trong những tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất. Những tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”, “5678 bước chân quanh hồ Gươm”… Ông được tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái: Vì tình yêu Hà Nội năm 2012.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.