Cảm nhận đền Đô một sớm đầu xuân

GD&TĐ - Tôi về thăm đền Đô một sáng xuân rực nắng. Lướt qua dãy phố Từ Sơn ngày thường sầm uất nhưng hôm nay có chút gì đó vắng lặng. Dân tình vẫn còn nghỉ Tết, phố xá đi lại ban sớm vẫn còn vắng vẻ. 

Cảm nhận đền Đô một sớm đầu xuân

Cảm nhận về mảnh đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, hội tụ những nét tinh hoa của văn hóa cổ xưa, trong tôi chính là những nụ cười dịu dàng của mấy cô gái đứng bán đồ lưu niệm và những anh bảo vệ. Tôi thấy sự thân thiện và dễ mến toát ra từ chính họ giống như một lời chào đón du khách đến thăm quê hương.

Đền Đô tọa lạc ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) Theo tài liệu ghi lại, đền Đô là nơi thờ các vị Hoàng đế của nhà Lý. Đây là nơi thánh địa bậc nhất của đất Kinh Bắc khi xưa. Thế đất có dáng của tám con rồng gối đầu, người ta cho rằng đây là nơi khí thiêng hội tụ. Chính vì lẽ đó nên Lý Công Uẩn đã chọn nơi đây làm nơi xây dựng thái miếu nhà Lý, thờ Tổ phụ dòng họ mình năm 1019. Năm 1030, Thái miếu được Lý Thái Tông nâng cấp, mở rộng thành Đền thờ Lý Thái Tổ. Năm 1602, Vua Lê Kính Tông đã trùng tu, xây dựng Thái miếu với một quy mô lớn, thờ 8 vị vua triều Lý, lấy tên là Cổ Pháp Điện, dân gian vẫn quen gọi là Đền Lý Bát Đế.

Trong lịch sử, tám vị vua của triều Lý đã trị vì đất nước trong thời gian 214 năm. Theo một số quan niệm, thời gian trị vì này ứng hợp một cách thú vị với 214 chữ trong “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ. Người kế vị cuối cùng của triều Lý, tính chính xác là đời thứ chín là vua nữ Lý Chiêu Hoàng. Tuy nhiên, bà chỉ làm vua hai năm rồi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, mở ra thời đại nhà Trần. Sau này, nhân dân thờ bà ở đền Rồng nhỏ thuộc phía Tây của hương Cổ Pháp.

Kiến trúc đền Đô là kiến trúc “Nội công, ngoại quốc”*. Đền được xây dựng thành hai khu nội thành và ngoại thành được bao bọc bằng bức tường thành cao hơn 2m ... 

Tôi thích thú khi đứng trước Chiếu dời đô khổng lồ phía trước Ngũ Long Quan. Giống như một lời nhắc nhở về lịch sử hàng ngàn năm dựng nước của các vị Vua chúa thời xưa đến muôn đời nay.

Không gian đền Đô trong lành, sạch sẽ khiến cho du khách đến đây không khỏi cảm thấy thích thú và dễ chịu. Vừa được say sưa ngắm nhìn bầy cá bơi lội dưới hồ, vừa được lắng nghe âm thanh dìu dặt và cuốn hút lòng người của các liền anh liền chị đang cất câu quan họ giữa Thủy đình.

Trong mùi hương trầm thơm khiến lòng người trở nên tĩnh lặng, trong tiếng gió reo giữa tiết xuân rực rỡ, trong giai điệu dìu dặt của làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh ta như thấy yêu thêm cuộc sống.

Thắp một nén nhang thơm tạ ơn những vị tiền bối lưu danh một thời lòng tôi thành tâm cầu mong những điều tốt đẹp cho một năm mới an bình, hạnh phúc.

Lễ hội đền Đô diễn ra ngày 13, 14, 15 tháng Giêng âm lịch nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất 1010), ban "Chiếu dời đô". Đây là ngày hội lớn thu hút nhiều khách hành hương thể hiện lòng thành kính và nhớ ơn của người dân Việt đối với các vua Lý. Đó cũng là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục được nhân dân xã Đình Bảng tự nguyện lưu giữ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Bước chân ra về, níu lại trên tay tôi là mấy cặp bánh phu thê, đặc sản của đất Bắc Ninh, ghi lại dấu ấn một lần đến thăm ngôi đền mang thật nhiều cảm xúc của ngày đầu năm. Có lẽ, tôi sẽ lại trở về đây vào một ngày không xa để tận hưởng không khí lễ hội của mảnh đất linh thiêng với những giá trị văn hóa ngàn đời còn mãi.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ