Cảm nghĩ từ một bài hát ru

GD&TĐ - Những người sinh ra thuộc thế hệ 9X trở về trước, hầu hết đều thân thuộc với hình thức hát ru.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo Wikipedia: “Hát ru là những bài hát nhẹ nhàng đơn giản giúp trẻ con ngủ. Phần lớn các câu trong bài hát ru lấy từ ca dao, đồng dao, hay trích từ các loại thơ hoặc hò dân gian, được truyền miệng từ thế hệ trước sang thế hệ sau”.

Trong kho tàng ca dao Việt Nam có rất nhiều bài ca dao hay được dùng để hát ru trẻ thơ, tiêu biểu là bài ca dao dành riêng để ru “cái ngủ”:

“Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về

Bắt được con giếc con trê

Cầm cổ lôi về bắc nước làm lông

Miếng nạc thời để phần chồng

Miếng xương mẹ gặm miếng lòng con ăn”

(Nguồn: Phạm Việt Long, Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình, NXB Chính trị quốc gia, 2004)

Mở đầu bài ca dao: “Cái ngủ mày ngủ cho lâu”. Như vậy, đây là một lời dỗ dành trẻ nhỏ đi vào giấc ngủ say và dài. Điều đặc biệt của câu ca dao này là cách gọi. Không phải “con”, “cháu” hay “em” như ta thường gặp trong nhiều bài ca dao, mà là “cái ngủ”.

Cách gọi này thật ngộ nghĩnh, đáng yêu, phù hợp với tâm lí trẻ thơ. Giấc ngủ được hình dung như một con vật thân thuộc như con cún, con miu, đôi mắt, đôi tai..., biết lắng nghe và cảm nhận được ý muốn của người hát.

Cách gọi này còn bồi đắp trí tưởng tượng hồn nhiên bay bổng cho trẻ thơ, giống như các câu chuyện cổ tích vậy.

Những câu ca dao tiếp theo lí giải nguyên nhân: Vì sao “cái ngủ” phải “ngủ cho lâu”? Đó là: “Để mẹ đi cấy đồng sâu”, “Bắt được con giếc con trê”, “Cầm cổ lôi về bắc nước làm lông”. Ta hình dung: Thì ra trong khi em bé ngủ, người mẹ phải làm rất nhiều việc cấy hái, chăm lo bữa ăn cho gia đình.

Em bé ngủ say, ngủ lâu là để mẹ yên tâm lao động. Tuy nhiên, không phải chỉ có vậy. Chắc hẳn chúng ta đều biết, hơn hết, người bà, người chị… hay bất cứ ai đang dỗ dành ru ngủ em bé, đều mong muốn em “ngủ cho lâu”, ngủ cho say, để khỏe mạnh, chóng lớn.

Trở lại những câu cuối của bài ca dao: Miếng nạc thời để phần chồng/Miếng xương mẹ gặm miếng lòng con ăn.

Đến đây, chúng ta không khỏi rưng rưng xúc động. Trong truyền thống đẹp đẽ của phụ nữ Việt Nam, đức tính hi sinh là một trong những phẩm chất điển hình nhất. Người mẹ trong bài ca dao này cũng thế: Bữa ăn dù đạm bạc đơn sơ hay tươm tất, thì miếng ngon nhất (miếng nạc, miếng lòng) là dành phần chồng, phần con.

Bản thân họ - người phụ nữ - vất vả lam lũ là thế, chỉ nhận về mình những món, những phần kém ngon, thậm chí là phần người khác bỏ đi (miếng xương).

Câu ca dao vừa phản ánh cuộc sống khó khăn của người Việt xưa, vừa ghi lại chân thực cách ứng xử của người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình, và gợi lên trong chúng ta niềm trân trọng trước vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.

Vậy khi cất lên những lời ru này, thì người ru có gửi gắm gì không? Chắc chắn rằng, những tình cảm đẹp đẽ trong bài ca dao sẽ thấm dần, như sữa ngọt, bồi đắp yêu thương cho tâm hồn non nớt, trong trắng của bé thơ.

Trong kí ức tuổi thơ của bao lớp người Việt Nam ta, hẳn lưu giữ nhiều khúc hát ru của bà, của mẹ, của chị… Đó là những câu hát ru về vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam: Đồng Đăng có phối Kì Lừa/Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh/Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Hay về tình cảm gia đình: Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con/Anh em nào phải người xa/Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân/Yêu nhau như thể tay chân/Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

Hoặc ca ngợi các anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước: Ru con con ngủ cho lành/Để mẹ gánh nước rửa bành con voi/Muốn coi lên núi mà coi/Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng… Hay: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ…

Cùng với bàn tay vỗ về hoặc đưa nôi nhè nhẹ, giọng ru trìu mến thiết tha, thì nội dung của những khúc hát ru đã mang đến cho trẻ thơ những hiểu biết ban đầu về thế giới xung quanh, về tình yêu thương gia đình, quê hương, xứ sở. Để rồi trẻ thơ được lớn lên về thể chất, phong phú về tâm hồn, biết sống nhân hậu và trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước quê hương.

Ngày nay, hát ru không còn phổ biến như trước. Nhiều người mẹ, người bố trẻ, nhiều em thiếu niên không biết hát ru, hoặc ít coi trọng việc hát ru trẻ thơ - đó là một điều đáng tiếc và đáng suy ngẫm. Hát ru chính là một cầu nối tình cảm của người lớn với trẻ nhỏ, một cách thức nuôi dưỡng bồi đắp tâm hồn các em bé từ những năm đầu đời.

Vì thế nên chăng chúng ta cần quan tâm khôi phục và lan tỏa nét văn hóa đẹp đẽ này, góp phần phát triển thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ có năng lực tốt, mà còn giàu lòng yêu thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.