Đòn giáng mạnh vào Nga
Ủy ban Điều hành của Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) vừa ra quyết định sau khi kết luận rằng, Moskva đã đưa ra bằng chứng giả và xóa những thông tin liên quan đến các xét nghiệm dương tính với doping trong dữ liệu phòng thí nghiệm - chứng cứ có thể giúp xác định vận động viên (VĐV) có sử dụng doping hay không?
Động thái này của WADA được coi là một đòn giáng mạnh vào niềm tự hào của Nga - quốc gia có thành tích xuất sắc trong nhiều môn thể thao, nhưng danh tiếng gần đây đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi hàng loạt vụ bê bối do VĐV dùng doping. “Trong suốt một thời gian dài, Nga đã làm mất uy tín của thể thao”, Chủ tịch WADA, ông Craig Craigie phát biểu sau cuộc họp của ủy ban điều hành WADA tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ).
Bên cạnh đó, WADA cũng xác nhận, đội tuyển quốc gia Nga sẽ không thể tham gia VCK World Cup 2022 tại Qatar. Lệnh cấm này cũng đồng nghĩa với việc, các vận động viên thể thao Nga sẽ không thể tham dự Thế vận hội mùa Hè 2020 ở Tokyo và Thế vận hội mùa Đông vào năm 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh dưới lá cờ và quốc ca của riêng họ.
Tuy nhiên, theo WADA, những VĐV Nga có thể chứng minh mình không dính líu đến doping vẫn được phép tham dự Olympics 2020. Điều kiện là họ sẽ dự giải dưới một lá cờ trung lập chứ không phải đại diện cho Nga. Còn nhớ, 168 vận động viên của Nga đã phải tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Pyeongchang năm 2018 với lá cờ trung lập.
Ngoài ra, đội tuyển quốc gia Nga vẫn có thể tranh tài tại EURO 2020 - giải đấu mà Saint Petersburg cũng là 1 trong 12 thành phố chủ nhà bởi UEFA không chịu ảnh hưởng từ các quyết định từ WADA.
Trước bối cảnh này, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) - tổ chức từng bị chỉ trích dữ dội vì không có biện pháp cứng rắn hơn đối với vấn đề sử dụng doping tại Nga, cho biết hoàn toàn ủng hộ phán quyết của WADA. Trong khi đó, Ủy ban Tổ chức Olympic 2020 Tokyo khẳng định sẽ chào đón tất cả các VĐV, miễn là họ trong sạch và làm việc với các tổ chức khác để thực hiện đầy đủ các biện pháp chống doping.
Hàng loạt bê bối gian lận kiểm tra doping tại Nga
Nga đã vướng phải hàng loạt các vụ bê bối doping kể từ năm 2015, sau khi một báo cáo do WADA ủy nhiệm phát hiện bằng chứng cho rằng, nhiều VĐV Nga sử dụng doping trong thi đấu. Cũng theo lệnh trừng phạt của WADA, Nga sẽ không được phép trở thành nước chủ nhà tổ chức các sự kiện thể thao lớn trong vòng 4 năm tới.
RUSADA - cơ quan chống doping Nga, bị tước tư cách thành viên của WADA trong gần 3 năm. Năm ngoái, RUSADA được khôi phục sau khi Moskva cung cấp một bản sao xác thực của dữ liệu phòng thí nghiệm.
Trước động thái từ WADA, không ít quan chức Nga cho rằng, cơ quan chống doping thế giới đang nỗ lực nhằm kìm hãm Moskva. Hãng tin RIA dẫn lời ông Igor Lebedev - một nhà lập pháp và là Phó Chủ tịch Hạ viện Nga, cho biết, Moskva sẽ đáp trả hành động này. Trong khi đó, không ít quan chức lại bày tỏ mong muốn WADA cần có hành động cứng rắn hơn.
Phát biểu với truyền thông, cựu giám đốc RUSADA, ông Grigory Rodchenkov cho hay, sẽ không thể biết rõ liệu có bao nhiêu VĐV sử dụng doping nếu như không có dữ liệu đầy đủ từ phòng thí nghiệm Moskva. Trong một tuyên bố, ông Rodchenkov khẳng định: “Nga đã giả mạo và gian lận trong năm 2019 ngay cả khi đang bị kiểm tra gắt gao. Liệu có ai có thể nói rằng, mọi VĐV Nga đều trong sạch nếu dữ liệu quan trọng bị mất?”.
Quyết định có động cơ chính trị?
Ngay sau quyết định của WADA, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moskva hoàn toàn có cơ sở để kháng cáo; đồng thời cho biết, động thái này đã vi phạm điều lệ Olympic. Phát biểu tại Paris sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Putin cho hay, Nga sẽ cân nhắc tới một quyết định mà theo ông là có động cơ chính trị chứ không phải vì lợi ích của thể thao.
Theo Tổng thống Putin, các án phạt nên là hình phạt cá nhân cụ thể thay vì áp dụng lên cả tập thể, trong đó có những người hoàn toàn không liên quan. “Nếu ai đó đưa ra hình phạt tập thể, tôi nghĩ có bằng chứng để cho rằng quyết định đó không dựa trên sự trong sạch của thể thao quốc tế mà dựa trên những lý do chính trị”, Tổng thống Putin nói.
Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng có cùng ý kiến với Tổng thống Putin khi cho rằng, lệnh cấm mang động cơ chính trị, và các tổ chức liên quan cần kháng cáo. “Đây là sự tiếp diễn của chứng cuồng loạn chống Nga, điều đã trở thành vấn đề kinh niên”, Thủ tướng Medvedev nói với TASS.
Nga sẽ có 21 ngày để kháng cáo lại bản án của WADA lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS).