Cấm lái xe liên tục 3 tiếng vào ban đêm?

GD&TĐ - Siết thời gian lái xe vào ban đêm sẽ hạn chế tình trạng mệt mỏi, làm việc quá sức của tài xế, từ đó ngăn ngừa tai nạn giao thông.

Đề xuất của Bộ GTVT nhằm kiểm soát rủi ro gây tai nạn giao thông do tài xế mệt mỏi, ngủ gật.
Đề xuất của Bộ GTVT nhằm kiểm soát rủi ro gây tai nạn giao thông do tài xế mệt mỏi, ngủ gật.

Không được lái xe ban đêm quá 3 giờ liên tục được đề cập trong Dự thảo Luật Đường bộ. Nhưng vấn đề đặt ra là việc siết thời gian này sẽ được thực hiện như thế nào? Giám sát bằng cách nào?

Không lái xe quá 8 giờ/ngày

Theo số liệu gần nhất của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho thấy có 80% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, không chú ý quan sát gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đáng chú ý là khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (từ 0 giờ đến 6 giờ). Thời điểm này đường vắng, lái xe chạy tốc độ cao và thường chủ quan, mệt mỏi, điều khiển xe trong trạng thái buồn ngủ.

Mới đây, Bộ GTVT đang lấy ý kiến của người dân về đề xuất quy định thời gian lái xe liên tục không được quá 3 tiếng trong khung giờ từ 22 giờ hôm trước tới 6 giờ hôm sau. Đề xuất này được đưa ra sau tình trạng cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vào khung giờ đêm, liên quan đến xe khách, xe tải.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cho biết, thời gian làm việc của người lái xe phải đảm bảo theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong một ngày không lái xe quá 8 giờ, thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục, trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau tối thiểu 30 phút.

Qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, mặc dù các địa phương đã tăng cường xử lý, nhưng vẫn còn nhiều lái xe vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ, lái xe chạy quá tốc độ...

Ông Lê Quang Vân, Giám đốc Công ty vận tải Lê Vân, chia sẻ, với các doanh nghiệp vận tải lớn, nếu di chuyển đường dài, hiện nay vẫn bố trí hai lái xe vào ban đêm. Ông Vân cho rằng, việc siết thời gian làm việc của lái xe vào ban đêm về cơ bản sẽ giúp giảm thiểu TNGT.

Tuy nhiên, theo ông Vân, hiện nay quan trọng nhất phải là kiểm soát được thời gian lái xe của tài xế. Việc quản lý thời gian làm việc của lái xe vẫn đang được thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình.

Thông tin từ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện nay việc giám sát quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế được thực hiện qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ Việt Nam.

Tại đây, dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về các sở giao thông vận tải địa phương để làm cơ sở xử lý.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của các tài xế thông qua thiết bị giám sát hành trình trên xe. Từ đó nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, phương tiện.

Tăng chi phí doanh nghiệp

Ủng hộ đề xuất này, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Thực tế ở các quốc gia khác, những chuyến xe chạy ban đêm cứ 2 tiếng sẽ đổi lái xe.

Quy trình đổi lái tùy thuộc từng doanh nghiệp, có nơi thay tài xế ngay trên xe, có nơi lại bố trí tại một điểm trung chuyển. Khi xe đến điểm trung chuyển, lái xe mới lên, lái xe cũ xuống nghỉ. Ông Tạo kiến nghị, dự thảo luật cần quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và có người chịu trách nhiệm giám sát vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) điều chỉnh thời gian lái xe liên tục từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau có nhiều điểm bất hợp lý.

Nguyên nhân bởi người vận tải chuyên nghiệp, thường làm thủ tục giao nhận hàng vào ban ngày, ban đêm xe tải hoạt động nhiều vì khung giờ này đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ va chạm giao thông và độ hao mòn lốp.

Nếu quy định này ban hành sẽ có một lượng đáng kể xe chạy khung giờ 22 giờ - 6 giờ chuyển sang 6 giờ - 22 giờ để tài xế được chạy liên tục 4 giờ, điều này sẽ làm gia tăng áp lực ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông.

Cũng theo ông Quyền, đề xuất thời gian lái xe trong ngày không quá 8 giờ cũng cần được cân nhắc vì nếu điều chỉnh quy định thời gian lái xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ như dự thảo sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

“Với quy định hiện hành, nhiều chuyến xe chỉ cần 1 - 2 tài xế, nhưng theo đề xuất mới phải bố trí 2 - 3 người. Điều này khó khả thi vì hiện khó tuyển dụng lái xe đường dài và điều này cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp”, ông Quyền chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất, với những quy định mới về thời gian lái xe liên tục, khi chưa có nghiên cứu thí điểm cụ thể thì chưa nên đưa vào Luật. Nếu xét thấy cần thiết thì nên quy định theo hướng giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, liên quan đến đề xuất về thời gian lái xe liên tục tại Dự thảo Luật Đường bộ, không ít ý kiến cũng tỏ ra quan ngại về việc giám sát chấp hành thực hiện quy định của các lái xe, bởi trên thực tế, quy trình quản lý thời gian làm việc của lái xe được thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình vẫn còn bất cập, không loại trừ khả năng tài xế thực hiện thao tác giao ca theo thời gian trên hệ thống nhưng thực chất lại không thực hiện việc đổi lái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ