Vợ chồng Thượng tướng Nguyễn Hữu An thời trẻ...
Nhắc đến ngày lễ lịch sử 30/4, người ta nhớ ngay đến hình ảnh vị danh tướng anh tài - Thượng tướng Nguyễn Hữu An. Ông là vị tướng huyền thoại trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh thẳng vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các phải đầu hàng vô điều kiện vào trưa 30/4/1975.
“Cuộc đời anh đầy chông gai và nước mắt”
Hẹn gặp bà Bùi Thục Chi vợ Thượng tướng Nguyễn Hữu An tại căn nhà nhỏ trên phố Trần Phú, Hà Nội, chúng tôi bất ngờ khi vừa bước qua cánh cửa thấy một căn phòng khách đầy ắp những kỷ niệm. Bà Chi năm nay đã 84 tuổi, bước đi chậm chạp hơn, nhiều câu chuyện cũng “lúc nhớ, lúc quên”, thế nhưng khi kể về người bạn đời chẳng bỏ qua một chi tiết nhỏ nào. Bà nhớ từng mốc thời gian hai người quen nhau, từng nơi ghi dấu kỷ niệm tình yêu của hai người, nhớ tên từng đơn vị ông đã chiến đấu, và đặc biệt, bà nhớ cả từng câu chữ trong những lá thư đầy yêu thương ông gửi về từ chiến trường.
Bà kể: Năm ấy, Tướng Nguyễn Hữu An là bạn chiến đấu của anh trai bà, đã được “ngắm” trước, nhưng bà nhất quyết không đồng ý vì còn đang đi học.
“Thế rồi anh trai tôi “lập mưu”. Ông ấy rủ tôi đi xem phim ở rạp Đại Nam, mà thời ấy, được đi xem phim thì thích vô cùng, nên tôi nhận lời ngay. Ông ấy bảo rủ thêm một người bạn đi cùng. Khi đến cửa rạp thì thấy anh trai tôi ăn mặc bình thường đứng bên cạnh một người đàn ông mặc bộ quân phục rất trang trọng, chính là ông An. Lúc ấy, tôi rất bối rối, ngồi xem phim mà như ngồi trên đống lửa. Chỉ muốn nhanh hết phim để về, còn ông An thì lặng lẽ ngồi bên cạnh, không dám nói gì”..., bà Chi bồi hồi nhớ lại.
Sau đó, được sự vun vén của người bạn chiến đấu, anh bộ đội Nguyễn Hữu An thường tới nhà cô gái trẻ Bùi Thục Chi chơi, khiến tình cảm cũng dần thân thiết hơn.
Kể lại mối tình ấy, bà khẽ nở nụ cười: “Tôi xúc động nhất khi ông ấy kể về cuộc đời, ông nói: Cuộc đời anh đầy chông gai và nước mắt khi mẹ mất sớm, bố đi làm cách mạng và anh phải sống với mẹ kế, nên anh rất buồn. Cùng từ ấy, tôi cảm thấy quan tâm và yêu thương ông ấy hơn”.
Sau hai năm yêu nhau, ông bà tổ chức đám cưới vào tháng 8/1956. Nhưng ngày vui chẳng tày gang chỉ bốn ngày sau, ông phải trở về đơn vị.
Ba người con lần lượt ra đời những năm sau đó, thế nhưng không một lần nào, ông được ở bên vợ khi bà trở dạ.
... và những lá thư từ chiến trường.
“Anh sẽ về khi Nam - Bắc chung một nhà”
Khi câu chuyện đang tiếp diễn, bà chậm rãi đứng dậy, mở chiếc tủ kỷ niệm - một nơi rất trang trọng bà dùng để cất giữ những kỷ niệm thuộc về ông: Những tấm hình thời chiến, những chiếc huân, huy chương cao quý, những bức thư tình, và cả những bài báo viết về ông...
Lấy ra chiếc hộp đầy ắp những tờ giấy cũ sờn, nhiều dòng chữ đã phai mờ theo thời gian, bà mỉm cười: “Thư tình ông ấy viết cho tôi đấy, tôi vẫn giữ không thiếu một bức nào. Nhiều lắm, tôi không đếm hết, phải đến cả nghìn bức”. Rồi bà chỉ sang một chiếc hộp khác, đó là hộp thư của ông lưu giữ, trong đó cũng còn tất cả những bức thư bà viết cho ông từ hậu phương đầy lo toan, vất vả.
Trong số hàng nghìn bức thư ấy, bà sắp xếp ngăn nắp theo thời gian, rồi cất riêng những bức thư bà thích nhất. Có những bức thư không còn nguyên vẹn, nhưng bức thư nào cũng bắt đầu bằng dòng chữ chứa chan yêu thương: “Em xa nhớ của anh”, “Em thương yêu của anh” và sau này là “Em và các con thương nhớ”... Từng câu, từng chữ của người lính Bộ đội Cụ Hồ mềm mại, tình cảm thể hiện trong mỗi lá thư.
Bà Chi tâm sự, bà nhớ nhất bức thư ông viết năm 1964, khi nhận được lệnh vào chiến trường miền Nam trong cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325. Trong thư tạm biệt vợ, ông viết: “Em thương yêu của anh! Chia tay em đã nhiều, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy bịn rịn như bây giờ. Mới ngày nào em còn mặc áo trắng đợi anh trên chiếc ghế ở vườn Bách Thảo mà giờ ta đã có ba con, đứa nào cũng kháu cả. Em cố gắng nuôi con, chờ ngày chiến thắng anh sẽ trở về”.
Rồi một năm sau đó, ông là Phó Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 101 - Sư đoàn 325 tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động “Cọp đen”, khiến quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam tại chiến trường Tây Nguyên phải thất bại nhục nhã. Gắn bó 4 năm với chiến trường Tây Nguyên, bà nói, đó có lẽ là những năm gian nan, vất vả, thiếu thốn nhất của ông, vì tất cả mọi chuyện, ông đều tâm sự với bà qua những bức thư viết vội.
Dù là thế nhưng bức thư nào ông cũng cho thấy niềm tin mãnh liệt vào ngày Nam - Bắc thống nhất, ngày đất nước toàn thắng để ông được trở về với gia đình thân yêu.
Đây là bức thư ông viết trong một đêm Giao thừa: “Em và các con xa nhớ! Tiếng pháo Giao thừa đã điểm và tiếng nói ấm cúng của Bác Hồ mới chúc Tết xong, anh thức để viết thư cho em vào cái giờ thiêng liêng của dân tộc. Anh đang ở trong một căn nhà toàn bằng nứa giữa một khu núi rừng trùng điệp. Đêm nay mưa xuân đã lất phất, bầu trời chẳng có trăng sao và rét ngọt một cách dễ chịu, núi rừng yên lặng lạ thường. Xung quanh anh, mấy chú công vụ đang yên giấc và có lẽ đang mơ về cố hương. Chỉ còn mình anh của em vẫn thức, vẫn hướng về em và các con thân yêu với tất cả niềm thương nhớ dào dạt...”.
Vuốt ve, nâng niu từng lá thư đã sờn góc, bà nói: “Bức thư nào ông ấy cũng hẹn ngày trở về, nhưng phải là khi đất nước toàn thắng, Nam - Bắc một nhà. Thậm chí nhiều lúc đọc câu ấy tôi thấy “ghét”, nhưng tôi vẫn thương yêu ông ấy vô cùng, vì biết ông đi chiến đấu rất vất vả”.
Thấy tôi nhìn chăm chăm vào một bức thư với những dòng chữ nguệch ngoạc khó mà dịch nổi, bà khẽ mỉm cười: “Bức thư này ông ấy viết khi đang đi ô tô, đường xóc quá nên chữ bị nguệch ngoạc thế đấy”. Rồi bà với tay lấy chiếc kính lão, đeo vào và đọc rõ từng chữ trong bức thư ấy: “Em ơi. Nhất định anh sẽ trở về để bù đắp cho mẹ con em, nhưng ngày anh trở về phải là ngày dân tộc toàn thắng…”.
“Đấy, dù cách xa nhau biền biệt, bao nhiêu vất vả, hờn tủi khiến tôi rơi nước mắt, nhưng mỗi khi nhận thư ông ấy, tôi lại có thêm động lực. Dù chiến tranh ác liệt nhưng cứ ngơi tiếng súng là ông ấy ngồi viết thư về. Ông ấy gửi về bao nhiêu bức, là tôi hồi âm lại bằng ấy lá thư, chúng tôi cứ thương nhau qua thư trong suốt chiến tranh như thế”, bà ngậm ngùi chia sẻ.
Mấy chục năm vợ chồng, chỉ vài năm được bên nhau
Nhẩm tính lại thời gian, bà nói ông bà có 39 năm làm vợ chồng, nhưng chỉ số lẻ những năm về sau là được ở bên cạnh nhau. Còn trong 30 năm đầu, tổng cộng số ngày được bên nhau chắc chỉ đến… 1/10. Thế nhưng bù lại, mỗi khi về thăm nhà, ông đặc biệt quan tâm, chăm chút cho vợ con từ những điều nhỏ nhất.
Đó là hình ảnh đêm nào ông về cũng cặm cụi xách từng xô nước từ tầng 1 lên tầng 4, rồi hình ảnh ông đứng trên tầng 4 chờ vợ đi dạy về, thấy vợ đến cầu thang là ông chạy thật nhanh xuống dắt xe lên, rồi hỏi han xem vợ có mệt không, hay hình ảnh ông tự mình xắn tay vào bếp, nấu cơm bù cho những bữa ông vắng nhà.
Sau những lần ấy, ông lại đi, để lại nỗi trống vắng cho vợ con nơi hậu phương. Nhưng nỗi trống vắng ấy lại nhanh chóng được lấp đầy bởi những yêu thương, quan tâm trong bức thư ông gửi về từ tiền tuyến khói lửa: “Em thương yêu! Anh biết vắng anh, em rất vất vả. Anh thương em lắm nhưng cũng như em, anh phải hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Thôi có ghét thì ghét thằng giặc Mỹ chứ đừng ghét anh. Chúng mình cùng hy sinh hạnh phúc riêng, tất cả vì Tổ quốc nhé em!”.
Trải qua bao chia cách, nhớ nhung và vất vả, rồi ngày hạnh phúc đoàn viên cũng đến.
Đó chính là ngày 30/4/1975!
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng! Đất nước thống nhất, Nam - Bắc đã về một nhà ông đã trở về căn nhà nhỏ - nơi mấy chục năm qua, mẹ con bà đã mòn mỏi nhớ mong, trông đợi.
Thượng tướng Nguyễn Hữu An sinh năm 1926 tại Hoa Lư, Ninh Bình. Ông là người trực tiếp chỉ huy trận đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, ông 28 tuổi - là một trong những chỉ huy trẻ nhất của mặt trận Điện Biên.
Trong chiến dịch Giải phóng miền Nam, ông đã trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh thẳng vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các phải đầu hàng vô điều kiện vào trưa 30/4/1975.
Trước khi nghỉ hưu, ông là Giám đốc Học viện Lục quân (1988-1991), Giám đốc Học viện Quốc phòng (1991-1995). Ông mất năm 1995.